Những quy định tại Nghị định 108 và Thông tư 195 sẽ tạo ra một thủ tục hành chính phức tạp cho cả doanh nghiệp trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cơ quan thuế trong việc thực thi.

Nghị định, Thông tư “vênh” Luật?

Năm 2014, sau khi cân nhắc đến việc giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, Quốc hội đã thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi quy định việc tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt lên thêm 5% mỗi năm kể từ năm 2016 thay vì tăng một lần 15%. Hiện Luật đang tiếp tục được sửa đổi và chờ đưa ra thông qua ở kỳ họp Quốc hội khóa 13 vào cuối tháng này.

Khi Luật chưa được áp dụng thì Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định 108 và Thông tư 195 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi từ cuối năm 2015, với mục tiêu chính thức hóa quy định mới về cách thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này.

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA), sự thay đổi về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt như quy định mới đây sẽ làm tăng hơn nữa chi phí, trong khi bản thân các doanh nghiệp đang phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với việc gia tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt.

{keywords} 

“Cả Nghị định 108 và Thông tư 195 đều được ban hành vào cuối năm 2015, quá gần thời điểm có hiệu lực là ngày 1/1/2016, do đó sẽ là một gánh nặng và thậm chí DN không thể đáp ứng kịp thời với thay đổi lớn như thế này”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, nói.

Ngoài ra, ông Việt cũng cho biết, việc ban hành Thông tư 195 sát thời điểm có hiệu lực là thách thức vô cùng lớn cho các DN vì bất kỳ thay đổi nào về chính sách cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng.

Thêm vào đó, cách xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong trường hợp bán hàng thông qua cơ sở thương mại trong cùng tập đoàn là chưa phù hợp với luật hiện hành, theo đó giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán ra của cơ sở sản xuất.

“Việc doanh nghiệp sản xuất bán hàng thông qua cơ sở kinh doanh thương mại trong cùng tập đoàn và thông qua một cơ sở kinh doanh thương mại độc lập không làm thay đổi bản chất của giao dịch, do vậy không thể ảnh hưởng đến giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu xét trên giác độ của Luật Cạnh tranh, các công ty sản xuất và kinh doanh không được quyền quy định giá bán lẻ cho khách hàng và giá bán của nhà phân phối nên không thể xác định được giá thị trường cũng như giá bán ra của cơ sở thương mại độc lập”, ông Việt phân tích.

Theo đó, VBA đề xuất lùi thời gian thực hiện quy định mới về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt sang đầu năm 2017.

Ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho biết, Nghị định 108 được ban hành vào cuối tháng 10/2015 và có hiệu lực ngay sau 2 tháng và đã nhận được kiến nghị lùi thực hiện là cách làm luật “có vấn đề”.

Thậm chí, có thông tin ban hành Nghị định này đã có áp lực về chỉ tiêu thu ngân sách. Ông Khải cho rằng, Bộ Tài chính cần đánh giá cụ thể tác động đến doanh nghiệp và cần cuộc đối thoại với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lo bị “sờ gáy”

Phân tích cụ thể hơn về bất cập trong giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được dựa trên giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất và cơ sở nhập khẩu và giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra, ông Lê Hồng Xanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhận xét, giá bán trên thị trường thay đổi theo từng thời điểm, khác nhau từng vùng và chính sách kinh doanh của từng nhà phân phối.

Theo ông Xanh, không thể yêu cầu các cơ sở kinh doanh thương mại cung cấp các thông tin liên quan đến giá bán của họ. “Quy định giá tính thuế của cơ sở sản xuất không thấp hơn 7% giá bán bình quân vô hình chung yêu cầu nhà sản xuất phải kiểm soát giá bán của cơ sở thương mại, điều Luật Cạnh tranh cấm”, ông Xanh nhấn mạnh.

Ông Việt, Chủ tịch VBA, cũng nhìn nhận, những quy định này sẽ tạo ra một thủ tục hành chính vô cùng rườm rà cho cả doanh nghiệp trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cho cơ quan thuế trong việc thực thi. Doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế và truy thu thuế.

Liên quan đến những vướng mắc tại Nghị định 108 và Thông tư 195, không chỉ doanh nghiệp trong nước nêu ý kiến, vấn đề này cũng từng được các doanh nghiệp nước đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2015.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, không có bằng chứng chứng minh tỷ lệ 7% là hợp lý hơn tỷ lệ 10% đã quy định trước đây. “Với quy định mới này Chính phủ đang kiểm soát trực tiếp lợi nhuận cũng như can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng luên quan và điều này trái với định hướng thị trường”, nhóm nghiên cứu này chỉ ra.

“Chúng tôi có khả năng vô tình vi phạm pháp luật bởi việc áp dụng theo các quy định nói trên sẽ trao một quyền lực rất lớn khó kiểm soát cho cán bộ thuế”, lãnh đạo một doanh nghiệp bia nước ngoài chia sẻ.

Do đó, vị này kiến nghị bỏ quy định xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán ra của công ty thương mại có quan hệ công ty mẹ, công ty con trong cùng công ty mẹ; bỏ quy định về tỷ lệ 7%, giữ nguyên mức 10% như trước đó.

Việt Anh