Thời gian qua, tại một số xã thuộc huyện miền núi An Lão (tỉnh Bình Định) người dân đổ xô lên rừng hái lá trầu để bán. Qua tìm hiểu, nguyên nhân là do thương lái thu mua với giá 45.000 nghìn đồng/kg, gấp 10 lần so với trước đây.

Dù không biết đám thương lái xa lạ lùng sục tận thu trầu với mục đích gì, nhưng thu nhập cao nên nông dân vẫn kéo nhau lên trừng vơ vét lá trầu.

Ráo riết tận thu lá trầu

Thời gian qua, việc mua bán lá trầu diễn ra rầm rộ nhất tại các xã An Quang, An Hòa và An Hưng (huyện An Lão) khiến những dây trầu trồng ở vườn nhà và mép rừng bị vặt sạch, chỉ trơ lại dây. Bây giờ, người dân muốn hái lá trầu phải đi vào tận rừng sâu, quãng đường đi mất hơn 3 tiếng đồng hồ và phải đem theo cơm ăn đến chiều tối mới về. Tuy vậy, dòng người đi săn lùng lá trầu vẫn đông đảo bởi giá trầu từ 5.000 tăng lên 45.000 đồng/kg, lúc cao điểm.

{keywords}
Một thương lái đang thu mua lá trầu

Chị Đinh Thị Lai (33 tuổi, ở thôn 4, xã An Quang), một người đi hái lá trầu cho biết: “Từ sau Tết đến nay, một số gia đình có vườn trầu riêng bán cũng được bộn tiền. Nhưng khi hái hết vườn trầu của mình, họ cũng tranh thủ vào rừng hái để kiếm thêm. Thấy lá trầu có tiền, dân làng đổ xô vào rừng hái đem về bán nên mình cũng theo bà con vào rừng hái trầu”.

Anh Nguyễn Văn Lợt (40 tuổi, ở thôn 3, xã An Quang) thật thà: “Thời gian đầu, thấy nhiều người đổ xô hái lá trầu để bán với số lượng lớn nên tôi thấy rất lạ. Mình đi làm nương rẫy khổ cực mà không có tiền, còn nhiều người đi hái lá trầu bán có nhiều tiền nên tôi cũng vào rừng hái đem về bán. Thấy vậy, tôi cũng vào rừng hái, mỗi ngày hái được hơn 7kg, kiếm hơn 300.000 đồng, sướng hơn đi rẫy rất nhiều. Việc nương rẫy thì tạm gác đó vì mình không đi hái thì người khác sẽ hái hết mất...”.

Theo người dân phản ánh, việc thu mua lá trầu một cách lạ lùng của thương lái bắt đầu từ sau Tết Giáp Ngọ 2014. Ban đầu việc thu mua nhỏ lẻ và giá cả thấp chỉ từ 5.000-10.000 đồng/kg, nhưng lúc cao điểm lá trầu lên đến 45.000 đồng/kg.

Sau khi người dân hái lá trầu về xong thì đến bán cho những 4 điểm thu mua lớn, tập trung chủ yếu ở xã An Hòa. Khi thu mua đủ số lượng lớn, thương lái chất lên xe đưa xuống quốc lộ để chuyển ra miền Bắc và xuất khẩu.

Cần cảnh giác với thương lái Trung Quốc

Theo một người thu mua trầu ở xã An Hòa (huyện An Lão) cho biết, mỗi ngày điểm này thu mua từ 120-200kg lá trầu, với giá từ 35.000-45.000 đồng/kg. Sau đó thuê người sắp xếp lại gọn gàng thành từng luống trong bao ni lông rồi đến 4 giờ chiều thương lái từ ngoài Bắc lái xe đến nhận hàng, sau đó chở đi đâu thì không ai biết.

Việc thu mua lá trầu lạ lùng này đã khiến đời sống của người dân nơi đây bị xáo trộn. Nhiều người bỏ nương rẫy đi săn lùng lá trầu bán kiếm tiền, còn người có rừng, có rẫy thấy lá trầu có giá trị lại phải lo đi canh giữ.

Ông Giã Tấn Sơn, cán bộ nông nghiệp xã An Quang, cho biết: “Thời gian vừa qua, bỗng nhiên thương lái thu mua lá trầu với gia cao nên người dân địa phương đổ xô đi hái lá trầu về bán để lấy tiền. Lá trầu trước đây nhiều khi vàng úa rồi khô rụng vì chẳng làm gì hết nay lại rất khan hiếm. Việc ai mua và để làm gì thì nông dân không biết được mà họ cũng chẳng quan tâm. Chúng tôi cũng chỉ nghe nói là thương lái Trung Quốc thu mua, còn mục đích sử dụng ra sao thì chúng tôi chưa nắm được”.

Theo ông Phạm Minh Tâm, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão, xác nhận việc người dân ở địa phương vào rừng đi hái lá trầu về bán là có thật. Việc thu mua giữa thương lái và nông dân diễn ra bình thường, chưa có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi diễn biến sự việc, đồng thời cũng khuyến cáo bà con nên cẩn thận với những hành vi lừa đảo, không minh bạch.”.

{keywords}
Lá trầu được xếp gọn để chuyển đi tiêu thụ

Việc lá trầu đắt giá, việc thu mua lạ lùng nghi của thương lái Trung Quốc khiến người ta nhớ đến bài học về cây cau khoảng 6 năm trước ngay tại An Lão. Lúc đó, thị trường cau trái rất sôi động, lôi cuốn cả người mua, người bán. Việc mua bán theo kiểu tận diệt, cau non, cau tươi được mua ồ ạt, sơ chế tại chỗ rồi bán sang Trung Quốc, Thái Lan. Thế nhưng, chỉ được thời gian thì nước bạn này không mua cau nữa khiến cho các đại lý thu gom ôm hàng tấn cau “chết đứng”.

Theo Dân Trí