- Ban đầu chỉ nuôi lấy thịt ăn vì thích, nhưng sau hơn 6 năm, anh Hoàng Thắng ở xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) có trong tay trang trại gà rừng lớn nhất Việt Nam với 5.000 con, mỗi năm doanh thu trung bình 15-20 tỷ đồng (tương đương gần 1 triệu USD).

Ăn thì thích, nuôi thì kỳ công

Trang trại gà rừng của anh Hoàng Thắng vào những ngày giáp Tết Nguyên đán tất bật. Công nhân bận rộn chăm sóc, bổ sung thêm thức ăn vào máng để đàn phục vụ gà cho kịp xuất bán Tết này.

Anh Thắng đã nuôi gà rừng thuần chủng được 6 năm nay. Ban đầu, thấy thịt gà rừng thơm ngon nên anh nuôi để lấy thịt ăn, với khoảng 100 con. Càng về sau, nhận thấy nhu cầu của thị trường rất lớn, anh bắt đầu lùng mua gà rừng thuần chủng của khắp hộ dân trong làng; thậm chí, anh còn lặn lội vào tận bản xa xôi ở các tỉnh miền núi phía Bắc để mua bằng được những con gà rừng xịn.

Sau một thời gian dài tìm kiếm, anh đã sở hữu một đàn gà rừng thuần chủng 500 con và bắt đầu lên ý tưởng làm trang trại nuôi gà. 

{keywords}
Gà rừng thuần chủng đang được nuôi với số lượng hàng ngàn con tại Hòa Bình

Tuy nhiên, thuần hóa được đàn gà rừng không phải dễ. Những ngày đầu, do không hiểu rõ về đặc tính sinh sống của gà rừng, trang trại đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thuần hóa và nuôi dưỡng. Đàn gà rất hay mắc phải dịch bệnh rồi chết hàng loạt.

“Sau lần thất bại đầu tiên, tôi càng quyết tâm nuôi bằng được loại gà này. Khi đó, tôi tập trung hết thời gian và công sức vào nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi gà rừng, tìm đến cả các chuyên gia, các nhà khoa học nhờ tư vấn. Kết quả, chỉ sau một thời gian, trang trại đã xây dựng được quy trình thuần hóa, nuôi dưỡng gà rừng hiệu quả và đem vào áp dụng thành công”, anh Thắng khoe.

Nói về quá trình chăm sóc gà rừng, anh chia sẻ, mặc dù là chăn thả tự nhiên nhưng việc chăm sóc gà rừng cũng không hề đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Ngoài thời gian nuôi úm, gà 1 tháng tuổi,... được chăm sóc giống như các loại gà khác, thì sau đó phải làm giàn đậu cho gà ngủ vào ban đêm. Ban ngày, phải làm hố cát để cho gà trừ mạt, bong các tế bào chết ngoài ra. 

{keywords}
Gà rừng thương phẩm hiện đang được bán với giá 700.000 đồng/con

Hố cát có thể xây bằng xi măng hoặc bằng gỗ ở góc sân chơi dài 1m, rộng 60cm, cao 15cm dùng cho 1 đàn gà 100-200 con. Trong hố gồm 1 phần cát, 1 phần tro bếp và 1% lưu huỳnh.

Đặc biệt, về khâu chuẩn bị thức ăn, ngoài các loại cám ngô, tấm, cám gạo, rau xanh,... người nuôi gà rừng còn phải bổ sung cho chúng chất đạm bằng cách cho ăn cào cào, giun quế, dế, mối.

Cụ thể, ở giai đoạn gà rừng con, cần cho ăn cám khi gà 1-21 ngày tuổi, sau đó mới cho ăn thêm cám gạo, tấm. Gà rừng đẻ, cho ăn thêm cám dành cho gà đẻ, bổ sung thêm canxi và cho ăn thêm mồi tươi. Gà rừng trống, khi thấy gà có biểu hiện thay lông cần cho ăn nhiều mồi tươi vì trong thời gian này gà trống rất mất sức.

“Đây cũng là bí quyết giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh, ít bệnh tật và khi bán thương phẩm thì thịt gà rừng luôn thơm ngon hơn những loại thịt gà khác”, anh Thắng bật mí.

{keywords}
Nhờ vào mô hình nuôi gà rừng, anh Thắng có doanh thu trung bình mỗi năm gần triệu USD

Thu triệu đô nhờ gà rừng

Áp dụng thành công mô hình nuôi gà rừng thuần chủng, anh Thắng bắt đầu xuất bán gà và thu được lãi cao. Nhờ đó, anh mạnh dạn vay mượn hẳn 5 tỷ đồng để đầu tư làm trang trại quy mô lớn; trong đó, 4 tỷ đồng đầu tư mua, thuê đất, xây dựng hệ thống chuồng, 1 tỷ đồng còn lại mua gà rừng giống, thức ăn.

Chỉ tay vào đàn gà say sưa kiếm mồi khắp cánh rừng rộng 30 ha, anh Thắng cho biết, trang trại gà rừng của anh hiện có 5.000 con, gồm gà rừng tai đỏ, tai trắng thuần chủng F1, F2, F3. Mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường khoảng 30 ngàn con gà giống và thương phẩm. Trong đó, gà thương phẩm bán thịt cho các nhà hàng, quán ăn trong khắp cả nước.

Theo anh Thắng, đặc điểm của gà rừng sinh sản nhanh, mỗi năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 8 đến 10 trứng, có lứa lên đến 15 trứng,... Trong khi đó, gà rừng thương phẩm chỉ cần nuôi tầm khoảng hơn 5 tháng là cho thịt thơm ngon, với trọng lượng khoảng 1kg/con. Do nhu cầu thị trường ngày càng cao, gà rừng luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán.

Hiện giá gà rừng thương phẩm là 700.000 đồng/con, còn các loại gà con giống có giá bán tùy thuộc độ tuổi.

Anh Thắng tiết lộ, trang trại gà rừng của anh đang cho doanh thu trung bình mỗi năm từ 15-20 tỷ đồng, giúp 35 công nhân có công ăn việc làm và thu nhập ổn định 4 triệu đồng/người/tháng. Anh cũng triển khai phối hợp với 195 hộ dân trên toàn quốc nuôi gà rừng, đem lại lợi nhuận cao cho các hộ chăn nuôi. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô trang trại nuôi nên có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Bảo Hân