Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã đi vào hoạt động hơn chục năm nhưng người dân vẫn phải sống trong cảnh thiếu thốn và quá tải về hạ tầng.
Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính là một khu đô thị điển hình của Hà Nội, mang dáng dấp của các khu đô thị tại các nước phát triển, do Vinaconex đầu tư, tự thiết kế và thi công nằm ở phía Tây Nam thủ đô, với tổng diện tích đất trên 30 ha.
Theo quy hoạch, Trung Hòa - Nhân Chính là một trong những trung tâm trọng yếu nhất của thành phố, nối liền khu công nghệ cao Hòa Lạc với các khu phố trung tâm của Thủ đô, có tầm quan trọng chiến lược về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa. Dự án là sự mở đầu cho một chuỗi đô thị dọc theo đường Láng Hòa Lạc mở rộng, tạo ra một bộ mặt không gian đô thị rộng lớn phía Tây và Tây nam Hà Nội.
Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến này đã hơn chục năm mà người dân vẫn phải sống trong cảnh thiếu thốn và quá tải về hạ tầng.
Theo KTS Ông Cao Tính, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến khu đô thị này “mất điểm” là vấn đề quy hoạch. Cụ thể, quy hoạch thiếu về cơ sở hạ tầng, mặc dù là khu đô thị hiện đại nhưng không hề có trạm y tế, trung tâm thương mại, trường học công lập, mà thay thế vào đó là những trường mẫu giáo tư thục cao cấp và những trường THCS dân lập với mức học phí khá cao.
Chợ dân sinh tự phát |
Quy hoạch không có trung tâm thương mại nên chợ dân sinh của phường Nhân Chính cũng trở nên chật chội để đáp ứng nhu cầu của hơn 1 vạn dân. Người dân trong tự hình thành chợ cóc, chợ tạm, gây nên cảnh nhếch nhác, bừa bãi và khó khăn cho các phương tiện qua lại.
Hầu hết các vườn hoa cũng được “bê tông hóa” để bán hàng, nhiều hành lang chung của các tòa nhà xuất hiện các quán trà đá, hàng ăn, cùng hàng loạt bếp than tổ ong, gây ô nhiễm môi trường. Thiếu không gian vui cho trẻ, không gian cây xanh còn hạn chế, quy hoạch hạ tầng dày đặc nên không gian chung ở Trung Hòa - Nhân Chính có cảm giác ngột ngạt.
KTS Tính còn cho rằng, các tòa nhà được xây mới nhưng hầu hết đều không được thiết kế nơi trông giữ xe ô tô, nên các lòng đường, vỉa hè vô hình dung biến thành bãi đỗ xe, gây cản trở giao thông rất lớn đối với người dân.
“Nhìn chung, quy hoạch phường Trung Hòa - Nhân Chính còn manh mún, tầm nhìn hạn chế, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chất lượng công trình không đảm bảo cho cuộc sống sinh hoạt của người dân”, ông Tính cho hay.
Vỉa hè công cộng bị chiếm dụng làm chỗ gửi xe |
Còn KTS Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP kiến trúc A1, nhận định, sự quan tâm lớn của đa phần người dân khi vào một khu đô thị cao cấp đó là không gian xanh, khu vui chơi công cộng tương xứng. Tuy nhiên, ở đây không gian vui chơi với quy mô bé, không thân thiện và phần lớn ở dạng dịch vụ hơn là không gian xanh. Sự tiếp cận của người dân, vì thế, sẽ e dè hơn, không được thân thiện như ở khu đô thị cao cấp khác.
Nhìn chung, tính thương mại đã lấn át đi tính cộng đồng cần có trong một khu đô thị. Có lẽ kỳ vọng về một không gian lý tưởng sau vài năm đã không được như mong muốn đối với một khu đô thị cao cấp, ở một vị trí khá đắc địa tại trung tâm thành phố.
“Nếu có lựa chọn cùng số tiền, có lẽ nhiều người sẽ lựa chọn để ở một khu đô thị khác thoáng đãng hơn”, ông Tùng cho hay.
Để giải quyết những bất cập trên, KTS Tính kiến nghị, cần có biện pháp chấm dứt hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, sửa chữa kịp thời các hạng mục bị hư hỏng. Chủ đầu tư cần giải tán ngay các bãi trông giữ xe ô tô để lấy lại diện tích vườn hoa, sân chơi cho trẻ nhỏ, và cấm ô tô đỗ ngang nhiên ở vỉa hè, lòng đường, gây tai nạn giao thông và hư hỏng các công trình hạ tầng.
Ông Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc sàn Info, nhận định, vai trò các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng. Không thể bỏ qua việc kiểm soát kỹ càng về chất lượng, nếu không chúng ta sẽ chỉ dịch chuyển người dân từ những khu ổ chuột dưới đất lên các khu ổ chuột trên cao và tác hại của quá trình này sẽ lớn vô cùng. Bài học này đã từng xảy ra với nhiều đô thị trên thế giới, ở Việt Nam, đây chính là lời cảnh báo cho nhiều đô thị mới của Việt Nam.
Những bất cập ở Trung Hòa - Nhân Chính và sự ra đi của người mua nhà là bài học cảnh báo tới nhiều chủ đầu tư trong việc phát triển khu đô thị.