Việc sáp nhập Sacombank–Southern Bank sẽ cho phép các cổ đông lớn của Southern Bank, cụ thể là gia đình ông Trầm Bê, xóa được cái “tiếng” sở hữu chéo giữa 2 ngân hàng.
Sáp nhập để cả 2 cùng có lợi
Trên website chính thức của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank cho biết, Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) đã đề nghị được sáp nhập vào Sacombank. Theo đó, Sacombank đã tiếp nhận đề nghị và hiện đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng đề án để trình Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan quản lý và đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp vào 25/3/2014 xem xét về mặt chủ trương trước khi tiến hành sáp nhập.
Trong khi nhiều người đặt dấu chấm hỏi nghi vấn về những bất thường trong việc sáp nhập của một ngân hàng lớn như Sacombank có tổng tài sản gấp đôi, vốn gấp 3, lợi nhuận gấp 7 lần so với Southern Bank thì chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng: Thương vụ sáp nhập này rất đỗi bình thường, có chăng nó liên quan tới tên tuổi của đại gia Trầm Bê nên trở thành chủ đề hot trong giới truyền thông những ngày gần đây.
Trước đó, Sacombank được biết đến là một trong các ngân hàng cổ phần hoạt động hiệu quả nhất và có vốn điều lệ nằm trong nhóm các ngân hàng lớn trong nước trong khi đó, với Southern Bank hiệu quả kinh doanh của trong mấy năm qua đều rất thấp. Báo cáo tài chính gần nhất cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 3,8%, tăng 25% so với cuối năm 2012. Việc Sacombank chấp thuận sáp nhập với một “thân thể yếu ớt” khiến nhiều người hoài nghi về những ẩn chứa phía sau câu chuyện sáp nhập này.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khó có thể phỏng đoán ai là người có lợi nhất trong việc Southern Bank muốn “về một nhà” với Sacombank. |
Ông nói: “Nếu ngân hàng Phương Nam có nhiều nợ xấu, theo nguyên tắc, sau sáp nhập, Sacombank sẽ tăng thêm gánh nặng lớn về nợ xấu, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Nhưng chưa chắc đây đã là điều bất lợi cho Sacombank vì ngoài vấn đề nợ xấu, Sacombank còn thừa hưởng những lợi ích khác như thị phần, nhân lực, quan hệ khách hàng của Phương Nam…Cụ thể, số lượng nhân viên của Sacombank từ 10.528 nhân viên sẽ tăng thêm 3.000 nhân viên của Southern Bank sau khi sáp nhập. Từ 416 cơ sở, chi nhánh, phòng giao dịch, Sacombank sẽ được cộng thêm 142 cơ sở cũ của ngân hàng Phương Nam. Vì vậy, không thể nói ai lợi hơn ai”.
Trên thực tế, có nhiều cách sáp nhập giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, giữa các ngân hàng tương đồng về tiềm lực với nhau. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, trong trường hợp này rõ ràng ngân hàng lớn sáp nhập với ngân hàng nhỏ sẽ có lợi cho cả 2 bên. Ngân hàng lớn được lợi vì thị trường mở rộng, nguồn nhân lực tăng, quan hệ khách hàng phát triển,… trong khi ngân hàng nhỏ bị thâu tóm sẽ giải quyết được vấn đề về vốn, thị phần và nợ xấu.
Cũng theo ông Hiếu, việc sáp nhập là xu hướng, giải pháp tốt cho các ngân hàng trong tương lai. Việc các ngân hàng tìm đến nhau để sáp nhập sẽ tạo ra vốn chủ sở hữu lớn hơn, thị phần lớn hơn, dịch vụ đa dạng hơn, lượng khách hàng lớn hơn, nhân sự tổng hợp của hai ngân hàng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh hơn. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đang được khuyến khích trong tái cấu trúc ngân hàng.
Ông Trầm Bê xóa được “tiếng” sở hữu chéo
Theo các chuyên gia đánh giá, nếu phương án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank diễn ra thành công, người được hưởng lợi đầu tiên là ông Trầm Bê cùng với các thành viên trong gia đình ông, bởi lẽ, đại gia này sẽ xóa được dấu tích về việc sở hữu chéo giữa hai ngân hàng Southern Bank và Sacombank.
Việc sáp nhập Sacombank – Southernbank sẽ cho phép các cổ đông lớn của Southern Bank, cụ thể là gia đình ông Trầm Bê, xóa được cái “tiếng” sở hữu chéo giữa 2 ngân hàng. |
Ông Trầm Bê từng là Phó chủ tịch HĐQT Southern Bank và hiện dù đã thôi chức này, ông vẫn là cổ đông lớn với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 8,36%, chiểu theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng thì ông Trầm Bê đã vi phạm: vượt trần sở hữu cho phép 5% đối với một cá nhân tại một tổ chức tín dụng. Đồng thời, nếu cộng tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông tại Southern Bank thì cũng vượt tỷ lệ 20% cho phép.
Hiện con trai ông Trầm Bê là ông Trầm Trọng Ngân (Phó Chủ tịch HĐQT Southern Bank) nắm giữ 4,42% cổ phần của ngân hàng này; con gái Trầm Thuyết Kiều (giữ chức Phó TGĐ) nắm 7,36% và con rể Lê Trọng Trí (chồng bà Trầm Thuyết Kiều) nắm 0,67%.
Trong khi đó, tại Sacombank, ông Trầm Bê, hiện là Phó chủ tịch HĐQT, cùng gia đình đang sở hữu tổng cộng 84,2 triệu cổ phần, chiếm 6,78% vốn điều lệ. Con trai thứ của ông Trầm Bê là Trầm Khải Hòa cũng là một thành viên của HĐQT Sacombank với tỉ lệ sở hữu 1,93%. Ngoài ra, Trầm Trọng Ngân và Trầm Thuyết Kiều sở hữu lần lượt 4,4% và 0,3% vốn của Sacombank.
Như vậy, theo ý kiến của nhiều người, việc sáp nhập sẽ cho phép các cổ đông lớn của Southern Bank, cụ thể là gia đình ông Trầm Bê, xóa được cái “tiếng” sở hữu chéo giữa 2 ngân hàng.
“Việc xoá được sở hữu chéo giữa 2 ngân hàng và đưa tổng tỉ lệ sở hữu của một nhóm cổ đông liên quan xuống mức Luật TCTD cho phép là điều tốt. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng phải xem xét xem việc sáp nhập này có lợi ích cho toàn ngành ngân hàng hay không, vì chức năng của ngân hàng là phục vụ cho đại chúng chứ không phải chỉ phục vụ cho các cổ đông. Nhà nước cũng cần nghiên cứu vụ sáp nhập trên liệu có tạo ra tiền đề cho khả năng những người tham gia vào việc sáp nhập này có cơ hội tạo nên một thế lực tài chính quá lớn, dẫn tới việc trong tương lai có thể sẽ làm khuynh đảo thị trường hay không?” – chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ sự băn khoăn.
Theo Trí Thức Trẻ