Năm 2014, hai hãng Jetstar Pacific và VietJet Air sẽ mua thêm nhiều máy bay trong bối cảnh bến đậu máy bay bắt đầu “kêu cứu”.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2013 là năm ngành hàng không có tốc độ phát triển khá nóng, tăng trưởng khoảng 6,7% so với năm 2012. Mới đây, hãng tin Reuter còn đưa ra số liệu dự đoán phi đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi, gấp ba trong một vài năm tới.
Đua nhau “sắm” máy bay
Hiện Vietnam Airlines đang là hãng có số máy bay lớn nhất trên thị trường với trên 70 chiếc. Tuy nhiên, nếu nhắc về việc sắm thêm máy bay mới, có lẽ người ta nghĩ ngay đến VietJet Air. Đây là hãng hàng không tư nhân đầu tiên với tham vọng mua thêm 100 máy bay trong thời gian tới.
Cộng đồng mạng và nhiều chuyên gia trong ngành hàng không cho rằng chỉ tiêu 100 chiếc của VietJet Air là khó khả thi. Lý lẽ mà nhiều người đưa ra đều liên quan đến yếu tố tài chính. Một hãng hàng không tư nhân còn non trẻ như VietJet Air mà dám nghĩ đến 100 máy bay với giá trị 9 tỉ USD thì quả là điều “trên mây”. Tuy nhiên, thay vì giải thích, VietJet Air đã công bố lợi nhuận 120 tỉ đồng sau bảy tháng kinh doanh.
Sân bay quá tải vào giờ cao điểm. (Ảnh:Zing) |
Kèm theo đó, hãng VietJet Air cũng liên tiếp công bố các thỏa thuận tài chính với các ngân hàng quốc tế về việc mua thêm máy bay. Mới đây nhất, VietJet Air đã ký với Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) để có thể nhận những chiếc máy bay đầu tiên trong năm 2014. Trước đó, VietJet Air cũng đã ký thỏa thuận tài chính với ngân hàng Trung Quốc để mua thêm máy bay.
Bên cạnh VietJet Air, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cũng sẽ tham gia cuộc đua tăng “đội máy bay”. Đại diện Jetstar Pacific cho biết năm 2014 là dấu mốc quan trọng vì hãng sẽ khởi động cho kế hoạch phát triển đội bay Airbus A320. Tính riêng năm 2013, Jetstar Pacific vận chuyển trên 2 triệu lượt khách, với hiệu suất sử dụng đội máy bay tăng 37%. Ngoài ra, hệ số sử dụng ghế đạt 90%, tỉ lệ lý tưởng mà nhiều hãng hàng không trên thế giới mong đợi. Theo đó, trong năm 2014, hãng này sẽ nhận thêm năm máy bay mới nâng tổng số máy bay khai thác lên 11 máy bay.
Việc tăng máy bay của các hãng hàng không sẽ mở ra những đường bay mới. Dự báo năm 2014 sẽ là năm làm ăn phát đạt của ngành hàng không.
Bến đậu máy bay: Bài toán khó
Bên cạnh những hứa hẹn về kinh tế, việc “chạy đua trang bị máy bay” khiến nhiều người “đau đầu” vì cơ sở hạ tầng phát triển chưa tương xứng.
Theo ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các hãng hàng không liên tục tăng đội máy bay trong khi nơi đậu máy bay của cảng hàng không Tân Sơn Nhất chỉ có giới hạn.
“Hiện sân đậu máy bay của Tân Sơn Nhất chỉ có 42 chỗ. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo các hãng thay vì dồn về Tân Sơn Nhất, nên chuyển qua các sân bay xung quanh. Ví dụ, các hãng có thể đưa khách về TP.HCM nhưng việc đỗ qua đêm thì có thể chuyển sang các sân bay xung quanh. Cứ dồn hết về Tân Sơn Nhất thì kẹt lắm” - ông Tú nói.
Sân bay Nội Bài đang được nâng cấp. (Ảnh:Zing) |
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific, giải pháp mà ông Tú đưa ra như trên sẽ rất khó khả thi. Bởi lẽ việc di chuyển máy bay sang các sân bay khác sẽ làm tăng chi phí rất nhiều. Có chăng, theo ông Hà, nên khuyến khích các hãng mở những đường bay trực tiếp đến các sân bay lân cận khi khách có nhu cầu ở đường bay đó.
Đồng tình với quan điểm ông Hà, đại diện hãng VietJet Air cũng cho rằng việc đỗ máy bay hoặc xuất phát từ các sân bay lân cận là một câu chuyện rất khó, cần thời gian cũng như năng lực tài chính của các hãng. Trong đó, quan trọng nhất là yếu tố thị trường. Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, nhấn mạnh phải giải quyết chuyến bay theo nhu cầu của khách hàng chứ không thể giải quyết giống như kiểu hành chính để máy bay “di cư”.
Giới quan sát cho rằng các giải pháp vừa nêu chỉ là những biện pháp tình thế mà Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất đưa ra. Giải pháp lớn nhất mà nhiều người hướng tới vẫn là việc xây dựng thêm sân bay Long Thành. Tuy nhiên, có hay không sân bay Long Thành thì chưa ai trả lời chính xác.
Kín chỗ đậu máy bay giờ cao điểm Hiện nay, mỗi ngày tại sân bay Tân Sơn Nhất có khoảng 400 chuyến bay cất và hạ cánh. Có ba khoảng thời gian cao điểm trong ngày, đó là từ 5 đến 7 giờ. Vì các máy bay đêm đều đỗ lại sân bay này, sau đó sáng hôm sau cùng bay đi. Sau đó là từ 16 đến 18 giờ, cuối cùng là từ 22 đến 0 giờ. Theo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đối với ba khoảng thời gian cao điểm trên, cảng không thể tiếp nhận thêm bất cứ chuyến bay nào nữa. Ngoài ra, các giờ khác trong ngày vẫn có thể tiếp thu thêm máy bay. Dự kiến tết Nguyên đán năm nay, số chuyến bay của các hãng sẽ tăng lên gấp rưỡi và lượt khách đến nhà ga quốc nội tăng lên gấp đôi. |
(Theo PLTPHCM)