Việc mua căn hộ tập thể chỉ có giấy viết tay là không hợp pháp, vô hiệu về mặt hình thức do không thực hiện đúng quy định trên và chứa đựng rất nhiều rủi ro.

Độc giả Nguyễn Thị Hương (Hà Nội): Năm 2000 mẹ tôi có mua 1 căn hộ tập thể ở Cầu Giấy, Hà Nội, nhưng chỉ có giấy tờ viết tay chỉ có chữ kí của chủ nhà, mẹ tôi và bác tổ trưởng tổ dân phố làm chứng. Giờ tôi muốn làm thủ tục sang tên thì phải làm như thế nào?

{keywords}

Việc mua căn hộ tập thể chỉ có giấy viết tay là không hợp pháp. Ảnh minh họa

Trả lời:

Mẹ bạn có mua một căn hộ tập thể ở Cầu Giấy chỉ có chữ kí của chủ nhà, mẹ bạn và bác tổ trưởng tổ dân phố làm chứng. Việc mua bán này chưa phù hợp với quy định do không hoàn thiện hình thức của hợp đồng tại khoản 1 Điều 93 Luật nhà ở 2014 quy định: “Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.”

Như vậy, việc mua bán nhà chỉ có giấy viết tay là không hợp pháp, vô hiệu về mặt hình thức do không thực hiện đúng quy định trên và chứa đựng rất nhiều rủi ro. Do đó, gia đình bạn và người bán cùng làm lại các thủ tục theo đúng quy định về hình thức của giao dịch chuyển nhượng nhà đất như đã nêu trên.

Tuy nhiên, nếu có tranh chấp phát sinh hoặc trong trường hợp yêu cầu tòa án giải quyết thì tại Điều 129 Bộ luật dân sự 2005 quy định giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức thì Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

“1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”

Như vậy, mặc dù năm 2000 việc mua bán đất thông qua hình thức viết tay nhưng gia đình nhà bạn đã giao tiền và nhận nhà đất để sử dụng tới nay thì có quyền làm đơn yêu cầu TAND quận/huyện công nhận hiệu lực của giao dịch này. Khi TAND ra quyết định công nhận giao dịch này thì gia đình bạn có thể căn cứ vào quyết định đó để làm thủ tục đăng kí sang tên.

Luật sư Vũ Văn Toàn (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

(Theo Viet Q)