Trước đề xuất của Bộ Công thương và ý kiến của nhiều địa về việc dừng triển khai các dự án thủy điện nhỏ không phù hợp, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo về xây dựng các dự án thủy điện ở Tây Nguyên nói:
Thời gian qua đã xảy ra những sự cố nghiêm trọng đối với một số dự án thủy điện vừa và nhỏ gây thiệt hại rất lớn, khiến cho người dân lo lắng. Nguyên nhân là do các địa phương đã làm thủy điện một cách dễ dãi, nóng vội. Chủ đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ phần lớn không có kiến thức, muốn giảm giá thành nên cố tình làm sai thiết kế, sai quy trình khiến cho công trình chất lượng kém.
Cùng với đó, những người làm công tác thẩm định, phê duyệt thủy điện nhỏ tại các địa phương hạn chế năng lực các khâu thiết kê, thẩm định, giám sát dễ dãi, bị buông lỏng.
Điều đáng sợ nhất đối với thủy điện nhỏ là đã xảy ra nhiều vụ vỡ đập nghiêm trọng, theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Đối với thủy điện, đập ngăn nước có vai trò rất quan trọng. Hiện thân đập được xây dựng theo 2 công nghệ là đất đá đổ và bê tông trọng lực. Với thủy điện nhỏ thường làm thân đập bằng đất đá đổ. Để xây dựng đập kiểu này, nguyên liệu phải hoàn toàn bằng đất sét, đổ từng lớp dày 15-20 cm, dùng máy đủ tải trọng đầm nén, sau đó đổ đá dăm lèn chặt, từng lớp, từng lớp như vậy cho lên đến mặt đập, ngoài cùng chèn đá hộc. Nếu làm đúng như vậy thì rất an toàn nhưng chi phí khá tốn kém.
Còn với đập bê tông trọng lực, có chất lượng rất cao, nhưng ngoài chi phí tốn kém ra còn phải có công nghệ cao, ở các địa phương không có kinh nghiệm và khả năng làm loại đập này.
Do chi phí tốn kém, trong khi cơ quan thẩm định, giám sát lại thiếu năng lực và buông lỏng nên nhiều chủ đầu tư đã ăn bớt, làm sai quy trình, sai thiết kế nên thân đập yếu, gặp 1 trận mưa lớn hay lũ cuốn là vỡ. Những vụ vỡ đập thủy điện tại Tây Nguyên vừa qua chính là như vậy.
Với những dự án đang thực hiện và dự án đã hoàn thành thì cần làm gì để đảm bảo an toàn?
- Các quy định về thủy điện và cụ thể hơn là đập thủy điện đều đã có đầy đủ các khâu từ khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, vận hành… Quy trình này đã có từ lâu, các cơ quan chức năng cần yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc. Đây là yêu cầu bắt buộc, phải củng cố ngay quy trình này.
Với những dự án đã đi vào hoạt động cũng nên có kiểm tra đánh giá lại, nếu chất lượng không đảm bảo, cũng phải yêu cầu dừng và làm lại. Vừa qua, sau các sự cố vỡ đập xảy ra người ta mới phát hiện có những dự án thủy điện khâu giám sát thi công không có, chủ đầu tư thay đổi thiết kế mà các cơ quan chức năng không biết. Với những công trình có hồ chứa nước lên tới hàng triệu m3, mùa mưa lũ về sẽ vô cùng nguy hại.
Thủy điện nhỏ cũng có những ưu điểm. Vậy, việc đề xuất loại bỏ một loạt dự án sau khi có các sự có có phải ‘không được thì cấm”?
- Chúng ta đừng thấy cứ có sông, có suối là có thể làm thủy điện, rồi tìm mọi cách huy động vốn để đầu tư mà chẳng tính đến hiệu quả kinh tế của dự án. Nhãn tiền đã cho thấy nhiều dự án thủy điện làm xong không biết bán điện cho ai, bán bằng cách nào và với mức giá ra sao.
Tôi chỉ ví dụ nên dừng tất cả các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở dòng sông Sê San. Còn gì nữa đâu mà đầu tư thủy điện, nếu làm tiếp tôi khẳng định là chỉ có thua lỗ, phá sản. Nguyên lý của sông là nước chảy từ cao xuống thấp. Sông Sê San đã có quá nhiều các dự án thủy điện rồi, khai thác hết ở các dự án thủy điện lớn rồi, dự án nhỏ không còn nước chảy nữa mà làm thủy điện.
Với nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Nguyên, mùa khô thì các hồ chứa đều dưới mực nước chết, không thể phát điện, mùa mưa thì Tập đoàn Điện lực VN (EVN) không cần mua điện của các nhà máy này vì lượng nước về hồ thủy điện của EVN rất tốt.
Theo tính toán, những dự án thủy điện có suất đầu tư dưới 15 tỷ đồng/MW và thời gian thu hồi vốn 7 năm thì vẫn có hiệu quả, còn cao hơn, suất đầu tư tới 20 tỷ đồng/MW điện và thời gian thu hồi vốn kéo dài tới 15 năm chắc chắn không có hiệu quả.
Sợ nhất là những dự án nếu tính đúng thì suất đầu tư rất cao nên chủ đầu tư tìm cách giảm chi phí bằng cách làm sai thiết kế, điều này đã gây ra hậu quả.
Không phải cứ là thủy điện thì đều có hiệu quả. Có nhiều thủy điện nhỏ và vừa hiệu quả rất thấp, trong khi tác động tiêu cực tới môi sinh môi trường, đời sống người dân rất lớn. Có dự án theo thiết kế, chỉ lấy 50 ha rừng, nhưng sau khi mở đường, thì lâm tặc vào phá lên tới 150 ha.
Có ý kiến đặt vấn đề cần xem xét lại việc giao thẩm quyền cấp phép dự án thủy điện vừa và nhỏ cho các tỉnh, do năng lực yếu, theo ông có nên như vậy?
- Theo tôi vẫn nên phân cấp, thủy điện nhỏ dưới 20 MW vẫn để các địa phương cấp phép, nhưng yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình. Nếu sai phạm phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật. Còn với thủy điện từ 20 MW trở lên, xây dựng mới phải được cấp phép bởi Bộ Công thương.
Trần Thủy