Các doanh nhân Ninh Bình liên tục tái xuất trong những ngày đầu năm mới với những thương vụ, dự án ngàn tỷ chấn động giới đầu tư.

Khai xuân ngàn tỷ

Sáng 17/2, tỉnh Thái Nguyên đã động thổ xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc. Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, dự án có tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến khoảng 15 ngàn tỷ đồng, được đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn của các NĐT và các nguồn vốn hợp pháp khác được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035.

Mục đích xây dựng một khu du lịch trọng điểm Quốc gia theo quy hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

{keywords}
Đại gia Ninh Bình nổi tiếng với nhiều dự án lớn.

Dự án được Tỉnh Thái Nguyên giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp Tỷ phú Nguyễn Văn Trường sinh năm 1963, tại Hoa Lư, Ninh Bình.

Ông Nguyễn Văn Trường là một doanh nhân nổi tiếng hàng đầu tỉnh Ninh Bình cũng như trên cả nước. Ông là người đã thành công với nhiều dự án du lịch tâm linh trên địa bàn cả nước, điển hình như dự án: Quần thể khu du lịch Tràng An - Chùa Bái Đính, tại tỉnh Ninh Bình; Khu du lịch Tam Chúc tại tỉnh Hà Nam. Đây là hai dự án tiêu biểu có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ông Trường được biết đến là một tỷ phú kín tiếng, giản dị, ăn chay trường. Ông cũng là doanh nhân đã đầu tư các khu du lịch và dự án như: hồ Đồng Chương, tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế, sang Ấn Độ đón Ngọc xá lợi về Việt Nam…

Gần như trùng lặp, ngày 16/2, tại Mỹ, Tập đoàn Khách sạn Hyatt đã bắt tay với Tập đoàn ThaiGroup của bầu Thụy về một dự án đầu tư trị giá 165 triệu USD giữa Tập đoàn ThaiGroup và Hyatt để xây dựng thương hiệu khách sạn Park Hyatt gần 300 phòng hạng sang tại Hà Nội.

Thông tin này khiến dư luận nghĩ tới việc đầu tư xây dựng khu khách sạn 5 sao trên khu “đất vàng” 3,5ha trên phố Đào Duy Anh (Đống Đa, Hà Nội) hiện là khách sạn Kim Liên. 

Trước đó, cuối tháng 1/2016, ông chủ tịch tập đoàn nghìn tỷ Thaigroup Nguyễn Đức Thụy (1976), người thường được gọi là bầu Thụy - cái tên được gắn liền với Tập đoàn Xuân Thành sau đó được đổi thành Thaigroup, đã chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT Du lịch Kim Liên sau khi bỏ ra cả ngàn tỷ đồng cho một thương vụ tại Hà Nội.

Hồi cuối 2012, doanh nhân có gốc Gia Viễn - Ninh Bình Nguyễn Đức Thụy đã vượt qua hàng chục đại gia khắp khu vực miền Bắc và chiến thắng trong cuộc “tranh chiếm” đất vàng Kim Liên sau khi Tập đoàn Thaigroup của ông bỏ ra 1 ngàn tỷ đồng để sở hữu 52,4% cổ phần khách sạn Kim Liên trong phiên đấu giá mua trọn lô 52% vốn mà Nhà nước thoái khỏi CTCP Du lịch Kim Liên.

{keywords}
Bầu Thụy chi ngàn tỷ trong vụ thâu tóm Khách sạn Kim Liên.

Đại gia cố đô ưa đầu tư du lịch

Không phải ngẫu nhiên mà cố đô Hoa Lư - Ninh Bình lại có nhiều doanh nhân nổi tiếng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Với tỷ phú Xuân Trường, siêu dự án Hồ Núi Cốc với vốn đầu tư lên tới gần tỷ USD sẽ mang tên tuổi của doanh nhân này đi xa.

Dự án Hồ Núi Côc được triển khai trên địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương: thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ với tổng diện tích quy hoạch sử dụng đất khoảng 18.940ha, trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500ha với các phân khu: Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc.

Nhưng đây cũng chỉ là một trong số các siêu dự án mà doanh nhân này tham gia. Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư được xem là một dự án để đời của “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” này.

Chùa Bái Đính nổi tiếng với nhiều kỷ lục. Nét kiến trúc thuần Việt của ngôi chùa này được 500 nghệ nhân đến từ khắp cả nước tạo dựng lên. Chùa có tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á (36 tấn), tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, hành lang La Hán dài nhất (gần 3km), nhiều tượng La Hán nhất, có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam… Dự án này đã mang việc làm thu nhập tương đối cao cho hàng ngàn người dân trong khu vực.

{keywords}
Chùa Bái Đính là một dự án có nhiều kỷ lục.

Ông Trường còn tham gia vào nhiều hoạt động của giới doanh nhân khác như: ủy viên Ban Chấp hành VCCI khóa V - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trong khi đó, doanh nhân Nguyễn Đức Thụy nổi tiếng nhiều hơn ở lĩnh vực sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, với chứng khoán, bóng đá và siêu xe. Trái với Xuân Trường Ninh Bình, hoạt động chủ yếu từ Ninh Bình ra phía Bắc thì Xuân Thành Ninh Bình lại hướng nhiều về phía Nam.

Sự tái xuất ngàn tỷ của bầu Thụy vào khu vực bất động sản du lịch cũng là một điểm chung nữa của 2 đại gia nổi tiếng Ninh Bình.

Bên cạnh bầu Thụy và tỷ phú Nguyễn Xuân Trường, giới đầu tư còn biết đến các đại gia đến từ cố đô như Hoàng Mạnh Trường - Tập đoàn The Vissai (còn được gọi là bầu Trường), hay Nguyễn Tăng Cường, ông chủ xí nghiệp cơ khí Quang Trung, người chế tạo được cần cầu đầu tiên ở Việt Nam…

Trên thực tế, đa số các doanh nhân gốc Ninh Bình không nằm trong danh sách những người giàu nhất do không có cổ phiếu niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, hầu hết đều rất nổi tiếng. Hàng loạt những dự án, thương vụ ngàn tỷ phần nào cho thấy quyền lực thực sự của họ trên thương trường.

A. Tú