- Thiếu vốn, cạn tiền dù đã xoay xở đủ cách nhưng không thể cứu vãn
tình hình. Thế cùng, nhiều DN đã tính chuyện buông xuôi các dự án, thậm chí rút
lui và chạy trốn.
Tiền mặt đang ở đâu?
Bi hài 'đại gia' vung tiền tỷ xây lăng mộ
Hết tiền, thưởng Tết bằng tăng ngày nghỉ phép
Tiền huy động đi đâu?
Điêu đứng vì thiếu tiền
Ngày 14/12 tới đây, CTCP Viglacera Đông Triều (DTC) sẽ ĐHCĐ bất thường năm 2012
trong đó có bàn phương án hủy niêm yết tự nguyện; phương án đăng ký giao dịch
UPCOM.
Đây là một diễn biến thất vọng đối với các cổ đông, bởi cổ phiếu DN này từng có
hoạt động tốt với lợi nhuận/mỗi cổ phiếu (EPS) lên tới cả 10.000 đồng/cp và giá
cổ phiếu có lúc lên trên 50.000 đồng/cp (đã điều chỉnh), so với mức giá 4.500
đồng/cp hiện tại.
DTC đã gặp khó khăn từ quý IV/2011 cho tới nay, thua lỗ hàng chục tỷ đồng, nâng
tổng lợi nhuận chưa phân phối tới cuối quý III/2012 là - 55,27 tỷ đồng, vượt quá
vốn điều lệ 40 tỷ đồng của DN.
Tính tới cuối quý III/2012, tổng tiền mặt và các khoản tương đương tiền của DTC
chỉ còn 803 triệu đồng, giảm mạnh so với con số gần 9,8 tỷ đồng hồi đầu năm.
Hàng tồn kho khá nhiều với hơn 36 tỷ đồng và chiếm phần lớn của tài sản ngắn hạn
(55 tỷ đồng) nhưng thấp hơn nhiều so với nợ ngắn hạn (lên tới 202 tỷ đồng).
Trong một nỗ lực duy trì hoạt động trong những tháng đầu năm nay, DTC đã phát
hành 2 triệu cổ phiếu để huy động vốn nhưng để phát hành thành công DTC cũng
phải cầu viện đến sự hỗ trợ của Tổng công ty Viglacera, mua nốt hơn 651.000 cổ
phần bị ế.
Đại gia HT1 của Công ty Cổ phần Xi Măng Hà Tiên lũy kế 9 tháng/2012, HT1 lỗ gần
30 tỷ đồng. Mặc dù tiền mặt vẫn còn 160 tỷ đồng (cuối quý III) nhưng là thấp so
với một doanh nghiệp có quy mô gần 2.000 tỷ đồng, doanh thu cả năm lên tới hơn
5.300 tỷ đồng.
Điều đáng lo ngại là tổng nợ của HT1 lên tới trên 11.000 tỷ đồng, cao gấp gần 6
lần so với vốn chủ sở hữu. Nợ ngắn hạn cũng lên tới trên 4.300 tỷ đồng, gấp 2,5
lần so với tài sản ngắn hạn. Nguyên nhân lỗ của HT1 được xác định phần lớn do
chi phí lãi vay cao, với con số lũy kế cho 9 tháng năm 2012 lên tới gần 600 tỷ
đồng.
Quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động một chi nhánh là Xí nghiệp Xây dựng Hà
Tiên 1 hồi giữa tháng 8/2012 của HT1 rất có thể là để hạn chế tình trạng làm chỉ
để trả lãi.
Trong khi đó, đại gia thủy sản Phương Nam tại Sóc Trăng hiện đang có dự nợ liên
quan đến các ngân hàng tới thời điểm đầu tháng 11 lên đến trên 1.600 tỷ đồng,
trong đó có tới hơn 1.450 tỷ đồng là vốn vay ngắn hạn.
|
Với số nợ trên gấp gần 5 lần vốn điều lệ của công ty, trong khi tài sản thế chấp được đánh giá là không tương ứng và DN chỉ còn quan hệ tín dung ở mức thấp với một ngân hàng để mua nguyên liệu hoạt động cầm chừng.
Phương Nam gần như ngừng hoạt động, tiền không có và đã khiến cơ quan điều tra, ngân hàng phải vào cuộc để tìm phương hướng tái cơ cấu. Phương án khả thi nhất, giống như trường hợp giải cứu đại gia thủy Bình An Bianfishco, có lẽ là chuyển nợ thành vốn góp và bơm tiền để doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Dựa vốn vay quá nhiều
Tình trạng DN thiếu vốn, cạn tiền gần như không lối thoát trong việc duy trì sản xuất, phát triển dự án là khá phổ biến trong năm 2012. Trong lĩnh vực BĐS, không khó để có thể kể tên các dự án đang “đắp chiếu” hoặc chậm tiến độ như: Hesco (Văn Quán, Hà Nội), Tricon Tower (Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), Vĩnh Hưng Dominium (Hoàng Mai, Hà Nội)… Ở lĩnh vực sản xuất, đó là Bianfishco (Cần Thơ), đại gia thép Thái Sơn (Hải Phòng), gang thép Vạn Lợi (Hải Phòng)…
Rất nhiều doanh nghiệp còn không có phương án nào khác ngoài việc phải chịu chấp nhận rời cuộc chơi.
Nhìn lại các trường hợp DN khó khăn vì cạn tiền, vì thua lỗ nói trên, có thể thấy, một điểm chung là các DN này dựa vào vốn vay ngân hàng rất nhiều. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính luôn ở mức cao.
Khi mà sức cầu của nền kinh tế nói chung lớn, hàng hóa dễ bán thì việc sử dụng đòn bẩy giúp DN đạt được lợi nhuận cao cho các cổ đông. Tuy nhiên, lý thuyết cũng như thực tế của nhiều doanh nghiệp gần đây cho thấy, đó là con dao hai lưỡi. Doanh nghiệp đang từ tốt và rất tốt có thể lao dốc bất cứ lúc nào, không chỉ lợi nhuận tụt giảm mà rủi ro bể dự án, sản xuất đình trệ, thậm chí đối mặt với phá sản.
Trên thực tế, có không ít các DN không có vốn hoặc có vốn rất ít nhưng được ra đời trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nóng thì việc gặp khó khăn, giờ cạn kiệt tiền thì không phải là ngạc nhiên. Việc chiếm dụng vốn hoặc vay dễ dãi từ ngân hàng chỉ thực hiện được ở một giai đoạn nhất định.
Điều đáng buồn vào thời điểm hiện tại là tình trạng khó khăn của các DN lại đang rất phổ biến, trải trên diện rộng. Để tìm được một doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh bền vững ổn định, dựa vào nội lực trên TTCK chẳng hạn, không khó, nhưng số lượng không nhiều.
Không ít các DN khi tiền vay dễ thậm chí còn đổ vào BĐS, đổ dàn trải vào hàng loạt các dự án thì thời điểm thị trường suy thoái, DN rơi vào tình trạng cạn tiền, thiếu tiền cho cả hoạt động kinh doanh chính là điều khó tránh khỏi.
Trong trường hợp đại gia thủy sản Phương Nam, món nợ của DN này đã vượt quá nhiều so với vốn điều lệ. Lãi suất cao cộng với tình hình hoạt động kém hiệu quả, nguyên liệu đầu vào tăng giá… khiến công ty ngày càng lún sâu vào nợ nần. Những đánh giá ban đầu cho thấy, cân đôi tài sản và nợ, Phương Nam đang còn hao hụt mất khoảng gần 900 tỷ đồng.
Hiện tại, Phương Nam không còn tiền mặt, không có hàng tồn kho và không có khả năng vay vốn để hoạt động. Nó khiến các bên liên quan phải ngồi lại cùng nhau. Và phương án khả thi nhất có lẽ là chuyển nợ thành vốn góp và bơm tiền để doanh nghiệp hoạt động để các chủ nợ có thể lấy lại số tiền đã cho vay.
Có thể thấy, trong thời buổi kinh tế khó khăn, Chính phủ phải thực thi các chính sách tiền tệ thắt chặt để ổn định lạm phát, để tránh tình trạng bong bóng thì việc doanh nghiệp gặp khó khăn là tất yếu.
Những con số thống kê về số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, đóng cửa, phá sản cao khủng khiếp cùng với những gương mặt đại gia ngã ngựa trong khoảng thời gian này cho thấy, đã có quá nhiều doanh nghiệp hoạt động rủi ro, theo kiểu làm liều, hoặc “đã đâm lao phải theo lao”. Thế những cố không được thì đành buông xuôi hay tìm cách bỏ trốn
Mạnh Hà