Một phép tính đơn giản, lấy tiền tổng huy động từ đầu năm tới nay trừ đi các loại như tiền gửi NHNN, dư nợ tín dụng, dự trữ… thì vẫn còn dư 213.460 tỷ đồng không biết nằm ở đâu.


Tại hội trường Quốc hội ngày 13/11 vừa qua, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương của Ninh Thuận đã chất vấn: Xin hỏi Thống đốc tiền huy động đi đâu và làm sao để tăng trưởng được tín dụng? Câu hỏi này được doanh nghiệp và cả xã hội chú ý vì thiếu vốn thì kinh tế phát triển bằng gì.

Thống đốc: Một cộng một bằng hai

Trả lời của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, thoạt nhìn, cụ thể là đâu vào đấy. Đầu tiên ông cho biết, tăng trưởng huy động của hệ thống ngân hàng cỡ khoảng 14%, trong khi tín dụng đến tháng 10 tăng trưởng 3,36%.

Và tính toán, 14% quy ra tiền tương đương 400.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng 3,3% nhân với 2,7 triệu tỷ đồng (dư nợ tín dụng toàn hệ thống), tức xấp xỉ 80.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã mua 183.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, cộng với tăng trưởng tín dụng, chúng ta đã thấy 260.000 – 270.000 tỷ đồng.

Kế đó, NHNN còn phải hút bớt tiền về vì sợ lãi suất xuống quá thấp. Hiện NHNN đã hút về cỡ 30.000 tỷ đồng. Các ngân hàng còn phải dự trữ, gửi ở NHNN xấp xỉ 100.000 tỷ đồng, trong đó 50.000 tỷ là dự trữ bắt buộc và 50.000 tỷ đồng là tiền dư thừa cho vay ra được.

Ngoài ra, còn khoảng 40.000 tỷ đồng là tiền đảm bảo thanh toán, tiền đảm bảo thanh toán, tiền ở quỹ của các ngân hàng.

Thống đốc đã đưa ra các khoản mục mà tổng cộng lại không phải có 400.000 tỷ mà tới 440.000 tỷ đồng.


Trái phiếu không phải tín dụng

Theo công bố của chính NHNN, con số tuyệt đối tăng trưởng tín dụng đến 31/7 là 2.880.061 tỷ đồng. Từ tháng 8 đến nay, cũng theo NHNN, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng, không giảm, mặc dù mắc tăng rất thấp. Như vậy, 3,36% của tăng trưởng tín dụng ít nhất phải là 96.770 tỷ đồng.

NHNN đã từ lâu không công bố cón ố tuyệt đối của tổng vốn huy động. Tuy nhiên trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 25/10, NHNN đã khẳng định hiện nay tổng dư nợ cho vay của hệ thống đã kéo xuống bằng 90% tổng vốn huy động và đã có dư 10% để đảm bảo thanh khoản.

Căn cứ vào khẳng định trên, chúng ta đã có số dư tuyệt đối tổng vốn huy động ước 3.168.067 tỷ đồng và 14% của số này là 443.530 tỷ đồng.

Hiện nay theo quy định, dự trữ bắt buộc tiền đồng là 3% tổng vốn huy động và nó tương đương 13.300 tỷ đồng, chứ không phải lên tới 50.000 tỷ đồng như Thống đốc chỉ ra. Không biết 50.000 tỷ mà Thống đốc nói dựa trên mức dự trữ bắt buộc nào?

Quan trọng hơn, tổng số trái phiếu chính phủ và trái phiếu được chính phủ bảo lãnh đã phát hành từ đầu năm tới nay, theo công bố của Bộ Tài chính khoảng 115.000 tỷ đồng. Nếu cộng thêm cả 5.000 tỷ đồng vừa phát hành trong tuần qua thì con số trái phiếu đạt tới 120.000 tỷ đồng. Sự chênh lệch giữa số liệu công bố của Bộ Tài chính và số liệu của Thống đốc về trái phiếu (183.000 tỷ) là quá lớn và bây giờ dư luận không biết tin ai?

Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề không dừng ở đấy. Từ trước tới nay, chưa bao giờ có tiền lệ trái phiếu chính phủ được sử dụng để tính vào tăng trưởng tín dụng. Trái phiếu chính phủ thường được dùng để bù đắp bội chi ngân sách mà chủ yếu dành cho đầu tư công. Không cần viện đến các thuật ngữ kinh tế học, những sinh viên còn đang ở giảng đường cũng hiểu rằng đầu tư công và tín dụng là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Làm thế nào để đưa trái phiếu chính phủ trở thành một phần của tăng trưởng tín dụng, chắc chỉ NHNN mới trả lời được.

Chưa kể không phải toàn bộ trái phiếu chính phủ do các ngân hàng thương maijmua. Các tổ chức tín dụng có thể là người mua chủ yếu, nhưng bên cạnh đó còn có các công ty tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư…cũng giải ngân vào trái phiếu.

Phép tính đơn giản: 443.530 tỷ đồng (vốn huy động)- 96.770 tỷ đồng (tăng trưởng tín dụng)-13.300 tỷ đồng (dự trữ bắt buộc) – 50.000 tỷ (tiền dư thừa các ngân hàng gửi NHNN) – 30.000 tỷ (NHNN hút về vì sợ lãi suất xuống thấp) – 40.000 tỷ (tiền đảm bảo thanh toán, tiền quỹ ở lại các ngân hàng). Số tiền huy động còn lại là 213.460 tỷ đồng không biết nằm ở đâu?

Mua 60 tấn vàng bằng tiền huy động

Trong lần chất vấn này, Thống đốc cung cấp một số liệu hết sức có ý nghĩa: đến cuối tháng 9 tổng số nợ được cơ cấu lại trong hệ thống ngân hàng là 252.000 tỷ đồng. Việc cơ cấu này được thực hiện theo văn bản 780 từ cuối tháng 4/2012.

Cơ cấu lại nợ, nói một cách khác là cho phép các ngân hàng đảo nợ một cách hợp pháp. Nếu không cơ cấu lại, nợ xấu có thể sẽ không dừng lại ở tỷ lệ 8,82% như hiện nay. Đặc biệt cơ cấu lại nợ giúp cho các ngân hàng đảm bảo thanh khoản. Đó là lý do tại sao Thống đốc nhắc đi nhắc lại thanh khoản cũng mới được cải thiện thôi, chứ chưa vững chắc, chưa bền vững.

Trên thực tế, có hai cách để cải thiện thnah khoản: hoặc ngân hàng thu hồi nợ và tăng được vốn huy động; hoặc NHNN bơm tiền, tái cấp vốn.

Trong lần trả lời chất vấn UBTVQH tháng 8/2012, Thống đốc nhấn mạnh, tiền tái cấp vốn cho các ngân hàng yếu kém đã thu hồi đủ. Lần này, NHNN hút tiền về như đã trình bày ở trên, không hề bơm ra. Vậy thanh khoản ngân hàng tốt lên là nhờ huy động vốn tăng, chứ không phải thu hồi được nợ (bằng chứng là nợ xấu tăng tới 66% trong 10 tháng qua).

Số tiền huy động còn lại tương đương 10 tỷ USD đã không thể chảy vào nền kinh tế qua tăng trưởng tín dụng vì nó đã được dùng để cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng!

Ở đây cần nói rõ số tiền 3 tỷ USD mà các ngân hàng đã xuất ra để mua 60 tấn vàng nhằm đảm bảo thanh khoản vàng là từ tiền huy động. Các ngân hàng không xuất vốn tự có để mua vàng.

Ngân hàng đang sử dụng phần lớn tiền huy động của dân để đảm bảo thanh khoản, đảm bảo sự an toàn của chính họ, bất chấp doanh nghiệp giải thể, phá sản. Hẳn sẽ còn nhiều trăn trở đọng lại từ phát biểu của Thống đốc “Như tôi đã có báo cáo, có khoảng 250.000 tỷ đồng đã được ngân hàng cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp rồi, đấy là một chia sẻ rồi. Bởi vì khi cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, có nghĩa là họ cơ cấu lại chính lợi nhuận của họ rồi”. Hèn gì lợi nhuận của ngân hàng quý 3 tụt mạnh đến thế!

(Theo TBKTSG)