Tính đến thời điểm này, hàng hiệu cao cấp được bày bán tại các cửa hàng sang trọng ở Việt Nam có cả trăm thương hiệu, nhưng không phải tất cả là hàng chính hãng. Giới kinh doanh năng động và khôn khéo luồn lách để đưa hàng hiệu theo nhiều lối vào thị trường nội địa.

Những nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu trong lĩnh vực trang sức và phụ kiện, thời trang, mỹ phẩm…, được chính hãng cấp bản quyền thương mại tại Việt Nam mới chỉ có chừng 100 nhãn hàng, tập trung trong gần mười nhà kinh doanh.

Hàng hiệu ở Việt Nam

Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh hàng hiệu ở Việt Nam đều hoạt động với hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu. Các công ty thực hiện cả chức năng phân phối và nhập khẩu, vì quy trình thương mại của nhà phân phối chính thức đòi hỏi công ty phải đặt hàng trước mỗi mùa, kiểm soát hàng hoá và chịu trách nhiệm như đại lý bảo hành sau khi hàng đã bán, kể cả hàng do hãng bán ở nước khác mang đến.

Cũng từng có nhà phân phối hàng hiệu gặp rắc rối khi không kiểm soát hết được quá trình mua hàng, vận chuyển, nên khi kinh doanh hàng hiệu phải tự nhập, tự bán. Trong số này, chỉ riêng Milano đăng ký là hộ kinh doanh cá thể. Chính vì hộ kinh doanh cá thể, thực hiện chức năng bán lẻ, nên việc nhập khẩu và vận chuyển phải thông qua đơn vị khác. Nét khác biệt của hộ kinh doanh cá thể còn nằm ở cách tính thuế như các tiểu thương (thuế khoán) và thuế thu nhập cá nhân.
Những thương hiệu tốt, kinh doanh uy tín luôn được người tiêu dùng tin tưởng.

Muôn nẻo đường vào

Hàng chính hãng do nhà phân phối được cấp quyền tại Việt Nam có thể nhập hàng vào thông qua con đường tự nhập hoặc uỷ thác cho đơn vị nhập khẩu làm dịch vụ nhập và vận chuyển hàng về.

Một con đường khác để hàng hiệu về Việt Nam thông qua doanh nghiệp chuyên thu mua hàng giảm giá. Sản phẩm dạng này có giấy tờ chính thức. Bà Nguyễn Thị Huyền, giám đốc công ty Ánh Kim, đơn vị chuyên bán hàng hiệu giảm giá nói: “Thị trường Việt Nam cũng chuộng mua loại này vì giá rẻ, vì thời tiết Việt Nam không quá phụ thuộc vào bốn mùa, điều quan trọng là chứng minh cho khách các giấy tờ mua hàng để đảm bảo là hàng thật”.

Với mức thuế hàng hiệu khoảng 20 – 30%, hầu hết các nhà phân phối hàng chính hãng tại Việt Nam đều tìm cách nhập trực tiếp từ “đại bản doanh” các hãng, tránh né liên quan đến xuất xứ Trung Quốc, để có được chứng từ chứng minh hàng hiệu chính hãng cho khách mua hàng.

Hàng chính hãng bán lẻ tại các cửa hàng trên đường phố vừa có thể là hàng thật, vào Việt Nam qua đường xách tay, khách du lịch mang vào, hoặc có người trong nước đi nước ngoài, mua về bán lại… cũng vừa có thể là hàng fake (hàng giả đội lốt hàng xách tay, hàng giả siêu cấp – nhái đến từng chi tiết y như thật) từ Trung Quốc nhập vào được trà trộn bán với giá cao ngất ngưởng.

Loại bày bán với số lượng nhiều, công khai, dễ tìm mua là hàng giả, hàng nhái hiệu, nhập từ Trung Quốc hay sản xuất tại Việt Nam, với giá rẻ chỉ vài chục hoặc vài trăm ngàn đồng/món hàng.

1,5 triệu người đủ sức xài hàng hiệu

Ông Ralf Matthaes, giám đốc điều hành khu vực công ty nghiên cứu thị trường TNS, có khoảng 1,5 triệu người ở Việt Nam có đủ sức tiêu thụ các món hàng hiệu đắt tiền, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số dân cư sống ở thành thị.

Thị trường hàng hiệu ở Việt Nam hiện còn nhỏ về quy mô lẫn doanh số, tức tiềm năng thị trường còn rất lớn. Động lực thị trường nằm ở việc thu nhập của người Việt Nam đã tăng gấp bốn lần trong thời gian qua, và người giàu Việt Nam có nhu cầu lớn về hàng hiệu nước ngoài.


(Theo SGTT)