Chuyện thuê bố mẹ chú rể sẽ trót lọt nếu vào ngày sinh của cháu nội, ông bà thật không bất ngờ xuất hiện.

Nhiều cửa hàng chuyên cưới hỏi trọn gói cho ra đời dịch vụ “độc nhất vô nhị”: cung cấp “diễn viên đóng thế” vào vai bố mẹ trong đám cưới với chi phí dao động từ 2 đến 5 triệu đồng một người. Một cửa hàng nhỏ nằm khuất trong phố N.K, Hà Nội có diện tích chưa đến 20 m2, bên ngoài chỉ treo tấm biển nhỏ "Cưới hỏi trọn gói".

Theo anh Dũng, chủ cửa hàng, từ mùa cưới đến nay, anh đã giúp cho gần 10 đám hỏi cần thuê bố mẹ dâu, rể. Phần lớn khách hàng tìm đến đầu mùa cưới đều là những đôi vợ chồng trẻ, tuổi đời từ 27 đến 35 tuổi, độc lập tài chính. 8-10 đám đã "trót lọt" đều tìm đến dịch vụ vì bị cha mẹ cấm đoán, ngăn cản do không hợp tuổi, hợp mệnh.

Chị Hương và anh Minh (Hà Nội) đã tìm đến dịch vụ thuê bố mẹ ngày cưới để xây dựng gia đình. Con trai họ mới 5 tháng, nhà cửa bộn bề yếm tã. Ông bố trẻ ngập ngừng: "Yêu nhau hơn 2 năm, nhưng chưa bao giờ Hương được bố mẹ em chấp nhận. Với lý do bố mẹ cô ít học, chỉ buôn bán hoa quả ở chợ đầu mối, trong khi bố mẹ em đều là tiến sĩ giáo sư, ông bà tìm mọi cách để chia rẽ hai đứa. Chúng em đánh liều "ăn cơm trước kẻng", hy vọng tình thế thay đổi. Nhưng đến lúc mang bầu, Hương càng bị bố mẹ em chỉ trích, rằng gia đình không gia giáo nên con gái "đổ đốn".

Chúng em kiên nhẫn thuyết phục, xin phép, năn nỉ, cầu xin. Đợi đến tháng thứ 5 vẫn không thấy ông bà suy nghĩ lại, em quyết định tự tổ chức lễ cưới cuối tháng 3. Lúc đầu chỉ định làm bữa tiệc nhỏ mừng hạnh phúc, sau thương Hương thiệt thòi, em liên hệ với một cửa hàng chuyên phục vụ cưới hỏi trên đường Quang Trung (Hà Đông) lo đội ngũ bưng tráp, thiên thần… Thấy bạn bè rỉ tai có dịch vụ thuê bố mẹ ngày cưới, em hỏi giá và thuê luôn".



Vì bỏ khâu đón dâu, chỉ tổ chức đám cưới tại khách sạn nên chi phí thuê không đắt, chỉ 2 triệu đồng một người. Giá bao gồm cả chi phí trang phục, thù lao cho "nhà trai" phát biểu… Nhờ những "diễn viên đóng thế" chuyên nghiệp, lễ cưới của họ diễn ra suôn sẻ. Hàng xóm láng giềng quanh khu tập thể ai cũng phấn khởi trước hình ảnh bố mẹ Hương nắm chặt tay "thông gia", mừng rơi nước mắt khi thấy "bên ấy" đều là giáo sư, tiến sĩ mà không khinh rẻ dân chợ.

Còn anh Vũ (Hà Nội) thì lại lén lút tìm đến dịch vụ thuê bố mẹ trong đám cưới để lấy lòng nhà… vợ bé. Vốn là người đã một vợ, một con, nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, Vũ một mình lên Hà Nội thuê trọ và làm việc. Sau 5 năm "đơn chiếc" ở thủ đô, anh kiếm được vị trí ổn định trong một Viện nghiên cứu, cũng kiếm được luôn một phụ nữ mới.

Người yêu của Vũ sống tại Hà Nội, chỉ là nhân viên bán hàng cho một cửa hàng đồ lưu niệm. Hai người quen nhau khi anh đang đắn đo mua quà tặng sếp. Yêu nhau 2 năm, cô bé đòi cưới để ổn định gia đình. "Bỏ thì thương, vương thì tội". Trong lúc suy nghĩ bạc đầu để tìm cách chia tay thì Vũ được một người bạn mách nước đến dịch vụ thuê bố mẹ dâu, rể.

Có dịch vụ trợ giúp, Vũ tổ chức một lễ ăn hỏi hoành tráng, một đám cưới đông đủ "nhà trai" để "lòe" nhà gái, làm ngơ chuyện đăng ký kết hôn. Vợ bé bị Vũ gạt ra ngoài hôn nhân hợp pháp với lời thuyết phục ngon ngọt: "Mình đã ra mắt hai họ rồi, giấy đăng ký chỉ là hình thức, quan trọng là sống tốt với nhau". Cứ thế, vợ Vũ vẫn tận tụy ở nhà làm ruộng, nuôi con, trong khi anh ta ung dung sống cùng vợ bé.

Theo một chủ cửa hàng trên đường Lê Thanh Nghị, có những đôi bạn trẻ vì muốn đám cưới bài bản, sang trọng cũng tìm đến dịch vụ, "diễn viên đóng thế" sẽ phát biểu, ứng xử giúp bố mẹ ruột của họ vốn quê mùa, chân chất, ít khi giao tiếp chỗ đông người. Nhiều trường hợp chính bố mẹ cô dâu, chú rể do già yếu, không có điều kiện dự đám cưới con cũng "nhờ" công ty chuẩn bị cho con một đám cưới đông vui.

Sau một đám cưới đông đủ "nhà trai", chị Hương và anh Minh thuê một căn hộ riêng ở một khu chung cư. Đến kỳ sinh nở đầu tháng 6, bố mẹ chị bỏ hẳn mấy buổi chợ để túc trực tại bệnh viện. Sợ bố mẹ vợ nghi ngờ, Minh nhờ cậy dịch vụ thuê thông gia "hờ" đến chia vui. "Cái kim" sẽ mãi trong "bọc" nếu ngày đứa trẻ ra đời không bất ngờ xuất hiện thông gia "thật".

Tuy không hỏi han con trai, nhưng mẹ Minh thường xuyên tìm hiểu qua bạn bè con về nơi ở, về công việc và về mái ấm riêng của con. Đến ngày Hương sinh nở, bà cứ đi ra đi vào không yên. Đến tối muộn, sau khi được chồng động viên, hai ông bà tất tả đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trong khi ông bố bà mẹ trẻ đang ríu rít bên con trai nhỏ thì 6 người cao tuổi "hội ngộ" ngoài tiền sảnh. Ngày cháu ra đời cũng là ngày ông bà thông gia biết mặt nhau. Ông bà nội giận dỗi vì bị qua mặt. Ông bà ngoại tự ái chẳng biết đến bao giờ mới nguôi ngoai.

Không phải là diễn viên đóng thế, nhưng ông Tuấn thỉnh thoảng vẫn nhận lời vào vai thông gia khi có người nhờ giúp. Hôm đó, ông phải chạy 2 đám cưới trong một ngày. Từ sáng, ông cứ luýnh quýnh chuẩn bị trang phục, chuẩn bị bài phát biểu sao cho không lẫn lộn giữa hai đám. Đến giờ khởi hành, ông quên uống thuốc ổn định huyết áp. Đám cưới đầu tiên, vừa phát biểu được 2-3 câu ông đã thấy ù tai, chóng mặt, đầu óc choáng váng. Uống chén nước ấm trấn tĩnh, ông lấy lại phong độ được một lúc.

Đến giây phút quan trọng nhất khi đưa con dâu lên xe hoa, ông ngã khuỵu xuống đất, cả đám đông xúm lại, cấp tốc gọi xe cấp cứu. Bố mẹ nhà gái bỏ đưa dâu, theo ông vào tận bệnh viện để hỏi han khiến sự việc vỡ lở. Đám cưới sau, ông hủy luôn, cửa hàng phải sấp ngửa thay thế "diễn viên" khác trong thời gian gấp gáp.

Theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý học (Viện Tâm lý học), so với chuyện thuê chú rể cho những cô gái làm mẹ đơn thân, chuyện thuê bố mẹ tiềm ẩn nhiều hệ lụy hơn. Nếu thuê chú rể là để "ngụy trang" với người ngoài thì thuê bố mẹ "giúp" người trẻ lừa dối chính người thân. Dịch vụ cũng vô tình tiếp tay cho những kẻ lừa đảo có cơ hội thực hiện ý đồ của chúng.

(Theo PNTĐ)