Nhiều xe biển ngoại giao được chuyển nhượng trái phép nhưng hải quan không truy thu được thuế vì “chính chủ” đã về nước ngoài, kéo theo, người Việt mua những xe này không thể sang tên đổi chủ, Cục Hải quan TP Hà Nội vừa phản ánh.

Đây là một trong những vướng mắc lớn trong quá trình thực hiện chính sách cấp giấy phép hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch thời gian qua.

Báo cáo tới Tổng cục Hải quan mới đây, Cục Hải quan TP. Hà Nội cho hay, vừa qua nhiều cá nhân người Việt mua xe đăng ký tên người nước ngoài đề nghị được nộp thuế, làm thủ tục sang tên đổi chủ. Tuy nhiên, cơ quan này không thể làm được thủ tục trên vì nhiều vướng mắc phát sinh.

Qua kiểm tra, đây đều là những xe của các cán bộ, thành viên cơ quan ngoại giao được hưởng ưu đãi miễn trừ thuế, nhưng đến nay, đã hết nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam và đã về chính quốc.

Theo quy định hiện nay, những chiếc xe này sẽ phải bị truy thu thuế, vì các cán bộ, thành viên trên đã không làm thủ tục chuyển nhượng trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hải quan TP Hà Nội cho biết, trên thực tế không thể truy thu thuế được vì các “chính chủ” người nước ngoài này đã về nước.

Thời gian tính thuế theo quy định phải được áp dụng từ thời điểm có chuyển nhượng, thay đổi mục đích sử dụng, tỷ giá cũng được lấy tại thời điểm chuyển nhượng xe. Nhưng hải quan khó xác định thời điểm này vì khi chuyển nhượng, những cá nhân người nước ngoài không khai báo về thuế theo luật định.

Cơ quan này cũng cho hay, nếu như lấy thời điểm kết thúc nhiệm kỳ làm thời điểm tính thuế truy thu và tính tỷ giá thì tổng số tiền thuế phải nộp sẽ lớn hơn cả giá trị xe ô tô hiện tại. Như vậy, những khách hàng đang sử dụng loại xe này sẽ gặp khó khăn lớn và cơ quan hải quan cũng khó cấp phép chuyển nhượng xe.

Trước vướng mắc này, hải quan Hà Nội đề nghị Tổng cục Hải quan cần sửa đổi lại Thông tư 03 trên, hướng dẫn cụ thể về các trường hợp xe biển ngoại giao đang sử dụng sai mục đích đang lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong thời gian chờ sửa đổi, cơ quan này đề nghị giải pháp được truy thu thuế các loại xe này vào thời điểm hiện tại, khi cấp giấy phép chuyển nhượng. Điều kiện để hưởng “ưu đãi này” là các chủ xe người Việt hiện tại phải có được giấy xác nhận của các cơ quan đại diện ngoại giao- nơi quản lý các cán bộ người nước ngoài vẫn đang đứng tên chủ sở hữu xe.

Tính tới tháng 11 năm nay, theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt, cả nước đang có 540 xe của các nhân viên cơ quan ngoại giao, lãnh sự và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam hết thời hạn đăng ký xe. Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao đã ra thông báo thời hạn làm các thủ tục như gia hạn, chuyển nhượng, tái xuất, trả biển số… cho các chủ xe người nước ngoại thực hiên là trước ngày 19/12/2012. Quá thời hạn này, số xe vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Phạm Huyền