Liên tiếp các cuộc làm việc, các kế hoạch và lời hứa giải cứu BĐS, các đại gia BĐS như mở cờ trong bụng. Đã đến lúc các đại gia có thể mở tiệc ăn mừng. Còn trên thị trường chứng khoán, rất nhiều cổ phiếu đã tăng giá đưa các đại gia “lên hương”.
Loại bỏ doanh nghiệp BĐS không đủ năng lực
Tồn kho BĐS, chả biết đâu mà lần
Dồn dập sức ép giải cứu BĐS
Không còn lờ mờ như trong các tuyên bố trước đây, phát biểu trong buổi làm việc với TP.HCM ngày 18/12 nhằm tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và xử lý nợ xấu, lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã đưa ra những thông điệp khá rõ ràng.
Theo đó, chỉ trong vài ngày tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giảm lãi suất trên cơ sở lạm phát đang được giữ ổn định, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng này dưới 0,5% và cả năm chỉ khoảng 7%.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cam kết tại cuộc họp sẽ đưa ra khoảng 100.000-150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, chủ yếu tập trung xử lý nợ xấu liên quan đến BĐS ngay từ quý II/2013. Bên cạnh đó, cung ứng khoảng 20.000-40.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà với lãi suất hợp lý khoảng 8% trong thời hạn 5-10 năm và sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án phục vụ mục đích này…
Chính phủ sẽ tập trung giải quyết vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho, BĐS ứ đọng ngay từ đầu năm tới bằng các giải pháp tổng thể, đồng bộ cả trước mắt và lâu dài. Thậm chí, có ngân hàng đề xuất gói giải pháp trong đó gắn cho vay với áp lực yêu cầu chủ đầu tư giảm giá bán nhà… và thực hiện ngay từ cuối 2012, nhằm tạo tâm lý ổn định cho thị trường và tạo điều kiện cho người mua nhà.
Các thông tin được đưa ra dồn dập trong một buổi họp đã gây tác động rất mạnh tới giới đầu tư và kỳ vọng về một thị trường BĐS hồi phục, các doanh nghiệp BĐS hưởng lợi từ các chính sách này đã bùng lên mạnh mẽ.
Trên TTCK tập trung, phản ứng với các thông tin hỗ trợ mạnh nói trên, sáng 19/12, hàng loạt cổ phiếu BĐS, xây dựng và vật liệu xây dựng đã đồng loạt tăng trần như DIG, ITC, LCG, NTL, SJS, TDC, TDH, VPH, ITA, DID, DIC, DAG, PTC, PSG, PXA, S96… Nhiều cổ phiếu đang trong tình trạng rất khó khăn như STL, SCR… cũng đang đã nhanh chóng tăng hết biên độ cho phép ấn tượng vào cuối phiên buổi sáng.
Cùng với tuần diễn biến tích cực hơn trước đó, thông tin “hạ lãi suất trong vài ngày tới” và kế hoạch xử lý nợ xấu đã khiến các nhà đầu tư tin tưởng mãnh liệt vào một con sóng dài trên thị trường chứng khoán (TTCK), mức lãi kỳ vọng được đặt ra lên tới vài chục phần trăm trước kỳ nghỉ Tết.
Theo nhiều nhà đầu tư, đối tượng chính có lợi trong lần này là các doanh nghiệp BĐS và các ngân hàng. Dòng tiền lần này sẽ là dòng tiền chính sách và đầu cơ giai đoạn này dường như “ăn chắc”.
Hết thời giảm giá?
Hướng đi đã được xác định khá rõ ràng. Theo đó, tiền sẽ được đưa ra để xử lý nợ xấu, lãi suất sẽ được hạ để doanh nghiệp dễ thở, người có nhu cầu thực sự có thể mua nhà… Đây là giải pháp có lẽ được rất nhiều người mong muốn.
Trong cuộc họp với TP.HCM hôm 18/12, lãnh đạo NHNN có một nhận định khá rõ ràng cho rằng, BĐS đang bóng bóng và có thể xì hơi, vỡ vào một thời điểm nào đó. Đây cũng là nhận định đã được nhiều chuyên gia đưa ra trước đó.
Có thể thấy, nợ xấu ở mức cao như hiện nay là một vấn đề nghiêm trọng và cần được giải quyết để ổn định kinh tế, xã hội, giống như nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc đã từng phải làm.
Mặc dù vậy, vấn đề được đặt ra là chúng ta sẽ lấy nguồn tiền nào để giải quyết nợ xấu, để tài trợ lãi suất cho vay mua nhà… Về vấn đề này, NHNN chưa đề cập rõ nhưng cho biết có thể cân đối được.
Bên cạnh đó, nhiều người tỏ ra lo ngại nếu thực sự tiền được bơm ra để giải quyết nợ xấu, qua đó cứu BĐS thì lạm phát có tăng trở lại? Bong bóng BĐS sẽ tiếp tục được duy trì? Khi đó vòng xoáy khủng hoảng có trở lại hay không? Và giải quyết nợ xấu trong vòng bao lâu (Mỹ đã mất 4 năm, Nhật mất 10 năm, Hàn Quốc 5 năm).
Thanh khoản trong phiên giao dịch buổi sáng 19/12 tăng mạnh lên gần 600 tỷ đồng trên sàn HOSE và hơn 200 tỷ đồng trên sàn Hà Nội. Tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu BĐS, xây dựng, vật liệu xây dựng và ngân hàng đã khiến đa số các cổ phiếu trong các lĩnh vực này tăng giá.
Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, dòng tiền lần này sẽ là dòng tiền của chính sách, chính sách hỗ trợ cho một dạng hàng hóa đặc biệt là BĐS. Theo đó, đầu cơ trong giai đoạn này tỷ lệ “ăn sóng” là rất lớn, tối thiểu thì cũng là dòng tiền đang nằm im trong túi của nhiều nhà đầu tư chảy vào thị trường, chưa kể tới khoản tiền được bơm vá.
Trên thực tế, các ngân hàng được cho là đang bị kẹp vốn rất lớn trong BĐS, nợ xấu đang nằm nhiều trong BĐS. Do vậy, giải quyết nợ xấu cũng là khơi thông những bế tắc đang ngăn cản hoạt động của ngân hàng, doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Và khi dòng tiền được khơi thông, chắc chắn một phần sẽ được đổ vào chứng khoán để chờ đón cơ hội. “Dân” BĐS trong khi đó đang chờ đợi một làn gió mới với giao dịch được kỳ vọng ấm áp trở lại.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều người nghi ngại về khả năng tươi sáng của các thị trường này. Theo đó, với BĐS, một điều quan trọng đối với thị trường này là dòng tiền của giới đầu cơ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những đối tượng có tiền này có lẽ không ít người đã ngán ngẩm với ba từ BĐS. Trong khi đó, người dân làm công ăn lương, người dân lao động thì không nhiều người có số tiền vài trăm triệu tới một hai tỷ đồng để mua nhà đất, căn hộ.
Tuy vậy, trong số họ, cũng có những người đang chờ đợi giải pháp tổng thể với một tia hy vọng về khả năng ép chủ đầu tư hạ giá sản phẩm, cùng với hướng tín dụng ưu đãi dễ tiếp cận.
Mạnh Hà