Thị trường BĐS khó khăn, nhiều chủ đầu tư dự án trong nước do vốn ngắn phải chuyển nhượng dự án đã đành, song cũng có không ít các nhà đầu tư nước ngoài đang tính toán, lựa chọn thời điểm để rút khỏi thị trường.

Thoái vốn, rao bán dự án

Vào hồi đầu năm 2012, thị trường BĐS Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khách sạn xôn xao trước thông tin khách sạn Daewoo đổi chủ. Thông tin này ngay lập tức được lan truyền với tốc độc nhanh chóng mặt, nhiều nhà đầu tư hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này cũng rất ngạc nhiên bởi đây là một trong những khách sạn 5 sao đầu tiên tại Hà Nội lại được nhà đầu tư có tiếng là Daewoo E&C đến từ Hàn Quốc xây dựng và điều hành.

Được biết, trước đó, vào đầu năm 2011, Daewoo cũng đã dự tính chuyển nhượng khách sạn cho Lotte, một tập đoàn lớn khác của Hàn Quốc nhưng kế hoạch này không thành.

Tiếp đó, cũng vào tháng 3/2012, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã mua 50% khách sạn Century (Huế) của Tập đoàn Crowndale International Corporation đến từ Hong Kong và trở thành chủ sở hữu toàn bộ khách sạn này. Đây là khách sạn bốn sao nằm bên bờ sông Hương được đánh giá là “đất kim cương” của Huế.

Và mới đây, giới đầu tư trong lĩnh vực này tại Việt Nam lại thêm một thông tin bất ngờ nữa, đó là Tập đoàn VinaCapital đã thuê công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle rao bán 50% cổ phần trong khách sạn Metropole Hà Nội.

Không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, gần đây, thị trường BĐS Việt Nam chứng kiến hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn. Mới đây, cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (NVT) - Spinnaker GEMF Ltd. đã bán hết 3,15 triệu cổ phiếu NVT, tương đương 5,21%.

Điển hình là Tập đoàn VinaCapital, ngoài sự kiện vừa rao bán một nửa khách sạn Metropole Hà Nội thì trước đó, quỹ đầu tư VinaCapital, cũng đã bán toàn bộ 50,1% cổ phần của mình trong dự án cao ốc A&B tại (Tp.HCM), bán 70% cổ phần của mình tại khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội Opera.


Tiếp đó là VinaLand (do VinaCapital quản lý) cũng đã rút vốn khỏi dự án nhà ở quốc tế tại quận 9, Tp.HCM, sau khi bán 85% vốn trong khu Mandarin Garden tại Hà Nội cuối năm ngoái.

Dừng đầu tư dự án mới

Không chỉ tháo vốn khỏi thị trường BĐS, năm 2012 nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã không tham gia đầu tư vào các dự án BĐS tại Việt Nam nữa.
 
Điển hình là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Ngay khi thị trường BĐS phát triển mạnh, một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhiều nhất trong lĩnh vực BĐS đều đến từ Hàn Quốc, thì nay cũng có khá nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc rời thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho thấy, tính đến tháng 9/2012, Việt Nam chỉ có 8 dự án bất động sản có yếu tố đầu tư nước ngoài. Theo đó, tổng vốn đầu tư của các dự án này là 1,35 tỷ USD, chủ yếu là nhà đầu tư Nhật. Đặc biệt, trong 9 tháng qua, các nhà đầu tư Hàn Quốc chưa tham gia vào dự án bất động sản mới nào tại Việt Nam. Trong khi đó lại có khá nhiều dự án là chủ đầu tư đến từ Hàn Quốc rút vốn bằng hình thức chuyển nhượng dự án.

Mặc dù giới chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho biết, Hàn Quốc là quốc gia có thế mạnh về lĩnh vực nhà ở. Trong vòng 5-10 năm qua nhiều nhà đầu tư từ Hàn Quốc đã đến và đầu tư vào nhiều dự án tại Việt Nam. Nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay có khá nhiều nhà đầu tư từ nước này rút khỏi thị trường BĐS Việt Nam.

Theo dự báo, nhiều khả năng làn sóng thoái vốn bất động sản của nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ mạnh dần lên. Một trong những nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư Hàn Quốc rút khỏi thị trường BĐS Việt Nam đó là do các nhà đầu tư gặp vấn đề về tài chính. Nhưng quan trọng hơn, đó là xu hướng dịch chuyển kinh doanh sang các ngành khác là chủ yếu.

Theo phân tích của ông Micheael Modler, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC), thị trường BĐS Việt Nam phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, do sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư quay sang các kênh đầu tư khác an toàn hơn so với BĐS.

Nếu làm một phép tính so sánh, sẽ cho thấy, năm 2010, vốn đầu tư nước ngoài rót vào bất động sản chiếm 25% tổng số vốn, nhưng đến năm 2011 thì con số này chỉ còn 8%. Bên cạnh đó, giá trị vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS cũng giảm.

Năm 2008, vốn đầu tư nước ngoài vào BĐS đạt 23 tỉ USD, năm 2009 là 7,4 tỉ USD, năm 2010 là 6,8 tỉ USD, và năm 2011 chỉ còn 845 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm 2012, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam chỉ đạt 1,7 tỉ USD.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến kinh tế nhiều nước cũng gặp khó khăn nên. Doanh nghiệp nước ngoài cũng nằm trong vòng xoáy đó, nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, cắt giảm nhân sự và những danh mục đầu tư khác.

Thị trường BĐS Việt Nam trước đây đã mang lại không ít lợi nhuận cho các nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển nóng, thị trường BĐS Việt Nam hiện đang giống như quả bóng xì hơi. Trong khi nhiều doanh nghiệp BĐS đang tìm “phao” cứu thì các doanh nghiệp ngoại khôn ngoan đã nhanh chóng tìm đường rút lui.

An Dương