Mua theo nhóm phát triển tự phát nên dễ chết yểu. Trong khi đó, quy định pháp luật về lĩnh vực này còn lỏng lẻo khiến người tiêu dùng dễ bị thiệt.

Voucher của Nhóm Mua vẫn bị từ chối
Nhóm Mua lại có chuyện
Nhóm Mua, cuộc chiến quyền lực chưa dứt

Mua theo nhóm (groupon) với mức giảm giá 40%-90% được biết đến rộng rãi tại Việt Nam từ nửa cuối năm 2010. Dịch vụ này nở rộ từ giữa năm 2011 với khoảng 100 website hoạt động, tập trung chủ yếu tại các TP lớn như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhiều vụ bê bối liên quan đến các website mua theo nhóm khiến sự tín nhiệm của khách hàng đối với dịch vụ này giảm sút trầm trọng. Do hầu hết hình thành và phát triển trên một nền tảng yếu ớt, nhiều công ty cung ứng dịch vụ này cũng đã không thể trụ vững.

Bỏ “thượng đế” bơ vơ

Đầu tiên, deal.zing.vn - một trong 10 trang web mua theo nhóm hàng đầu Việt Nam - thông báo đóng cửa. Mới đây nhất, dealsoc.vn và nhommua.com cũng đột ngột ngưng hoạt động, hàng loạt nhà cung cấp dịch vụ từ chối nhận voucher (phiếu mua hàng) của 2 trang web này, hàng ngàn khách hàng đối diện nguy cơ mất tiền oan. Sau những sự cố này, nhiều khách hàng của các trang web mua theo nhóm mới giật mình nhìn lại voucher mình đang sở hữu. Đó chỉ là những tờ phiếu ghi nơi cung cấp dịch vụ mua hàng, công ty đối tác mà không có thông tin địa chỉ để khách hàng có thể tìm đến trong trường hợp website hoặc nơi cung cấp sản phẩm, dịch vụ… biến mất!

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Trưởng Văn phòng Giải quyết khiếu nại - Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho biết sau vụ lùm xùm ở Công ty Nhóm Mua, một số người tiêu dùng đã liên hệ văn phòng nhờ hỗ trợ. Có trường hợp khách hàng mua 20 voucher giảm giá của 1 nhà hàng, đã sử dụng được 10 voucher nhưng sau khi website nhommua tạm ngưng hoạt động, nhà hàng này từ chối nhận voucher.

Một số trang web mua theo nhóm đã tạm ngưng hoạt động.

“Khách hàng bị xâm phạm quyền lợi, tìm đến văn phòng nhờ giúp đỡ nhưng chúng tôi chỉ là tổ chức xã hội chịu trách nhiệm hòa giải, không biết được hợp đồng liên kết giữa Nhóm Mua và nhà cung cấp dịch vụ thế nào và không liên lạc được với đại diện công ty để mời đến hòa giải nên đành chịu. Trường hợp Nhóm Mua đóng cửa ngưng hoạt động hoặc bỏ trốn, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng muốn đại diện khách hàng kiện công ty này ra tòa cũng khó. Tuy nhiên, cơ bản nhất là giá trị các voucher không lớn nên hầu hết người tiêu dùng chấp nhận chịu thiệt, không kiện cáo vì ngại mất thời gian”- bà Thu nói.

Theo các doanh nghiệp thương mại điện tử, hình thức mua theo nhóm hiện đang phát triển tự phát. Thời gian qua, tình trạng khách hàng gặp rắc rối với voucher diễn ra khá phổ biến, tuy chưa có vụ kiện tụng nào xảy ra nhưng không ít người tiêu dùng bắt đầu dè dặt, thậm chí tẩy chay loại hình mua theo nhóm.

Không ai quản lý

Mặc dù mối quan hệ giữa khách hàng mua voucher và các website bán hàng theo nhóm, nhà cung cấp dịch vụ là dân sự, được giải quyết theo Bộ Luật Dân sự nhưng trên thực tế, các giao dịch mua theo nhóm có giá trị không lớn (chỉ vài triệu đồng trở lại) nên người tiêu dùng không muốn nhờ đến pháp luật để giải quyết tranh chấp. Họ chỉ dừng lại ở mức tẩy chay dịch vụ và kêu gọi người thân, bạn bè cùng không sử dụng.

Luật gia Phan Thị Việt Thu cho biết pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên đối với hình thức mua hàng theo nhóm nên khi xảy ra rủi ro, khách hàng thường chịu thiệt. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM đã nhiều lần kiến nghị sớm đưa hình thức kinh doanh này vào quản lý. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại điện tử cần nghiên cứu hệ thống pháp luật hiện nay đã phù hợp để xử lý các tranh chấp gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi tham gia mua hàng theo nhóm hay chưa. Nếu chưa, phải sớm bổ sung, sửa đổi để quản lý và tạo điều kiện cho loại hình kinh doanh này phát triển bền vững.

Trước ý kiến của đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương cho rằng bán hàng theo nhóm không thuộc lĩnh vực thương mại điện tử ông Lê Minh Loan, Trưởng Phòng Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đề nghị bộ này có ý kiến chính thức để người dân được rõ. Nếu hình thức này là thương mại điện tử thì nên đưa vào nội dung quản lý của các thông tư, nghị định về quản lý thương mại điện tử chuẩn bị ban hành.

Người tiêu dùng giảm mua sắm online

Mới đây, tại Diễn đàn Thương mại điện tử 2012, ông Hà Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường Sở Công Thương TPHCM, cho biết tại TPHCM, doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nhiều hơn nhưng người tiêu dùng ít mua hàng trên mạng hơn. Năm 2012, tỉ lệ người tiêu dùng mua sắm qua internet giảm 1% so với năm 2010, chỉ còn 10%. Nguyên nhân là do họ không tin tưởng vào chất lượng sản phẩm dịch vụ (tăng 16,1%), nhất là các vụ bê bối gần đây của dealsoc.vn, nhommua.com; không an tâm thanh toán trực tuyến và sản phẩm không phong phú, đa dạng.

(Theo NLĐ)