Hàng chục chủ nợ của nhà máy cồn Ethanol Đại Tân (Đại Lộc, Quảng Nam) hơn 1 tháng nay lo lắng vì không đòi được nợ từ nhà máy để thanh toán cho người nông dân. Bản thân họ bị đòi nợ ráo riết cũng phải lấy cớ xuống nhà máy cắm trại trước cổng và làm đơn xin tạm trú với chính quyền địa phương như một cách để trốn nợ.


Hàng chục chủ đại lý cung cấp sắn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất cồn Ethanol Đại Tân suốt gần 1 tháng nay bỏ tất cả công ăn việc làm, xuống trước cổng nhà máy dựng lều, cắm chốt để đòi nợ nhà máy thanh toán tiền bán sắn.

Nhưng khổ nỗi nhà máy đóng cửa, chủ nợ cũng không gặp được con nợ là ban giám đốc của nhà máy. Nằm vạ vật trước cổng nhà máy cồn Ethanol Đại Tân gần 1 tháng nay, vợ chồng bà Nguyễn Thị Ánh Minh từ Gia Lai xuống túc trực trước cổng nhà máy để đòi nợ.

Số nợ mà nhà máy cồn Đại Tân nợ bà Minh đã lên đến hơn 2 tỷ đồng. “Nếu không đòi được nợ, chắc hai vợ chồng tui không thể về nhà. Bởi về thì lấy tiền đâu để thanh toán lại tiền mua sắn cho bà con nông dân…”, bà Minh nói trong nước mắt.

Còn ông Trần Quang Minh, chủ một đại lý sắn lát khô ở Ngọc Hồi, Kon Tum cho biết, nhà máy nợ ông hơn 1,3 tỷ đồng. Đó là số tiền mà ông đang nợ của bà con nông dân mua gom sắn cung cấp cho nhà máy.

“Gần 1 tháng nay tui bỏ hết công ăn việc làm để bám trước cổng nhà máy đòi nợ. Tìm gặp nhiều lần Ban giám đốc nhà máy lúc đầu họ còn hứa sẽ thanh toán. Nhưng chờ hoài cũng không thấy tiền thanh toán để mang về thanh toán cho bà con nông dân…”, ông Minh nói.

Trong câu chuyện đi đòi nợ của mình, ông Minh cũng như hàng chục chủ nợ tôi gặp những ngày qua nơi cổng nhà máy đều bảo việc buôn bán sắn lát khô cho nhà máy lời lãi chẳng bao nhiêu. Nhưng bây giờ nhà máy không chịu trả nên đều lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Nhiều chủ nợ không dám về nhà vì sợ bà con nông dân vây đòi nợ. Một số chủ nợ đã buộc phải cầm cố nhà cửa, xe ôtô để thanh toán nhưng vẫn không đủ.

Trong tổng số 21 chủ nợ là đại lý bán sắn lát khô cho nhà máy cồn Đại Tân, hầu hết đều ở các tỉnh Tây Nguyên. Tất cả đều bảo bây giờ nếu không đòi được nợ bán sắn cho nhà máy thì họ trắng tay và không dám về quê.

“Gần 1 tháng nay, anh em tụi tui cơm đùm gạo gói xuống nằm túc trực tại nhà máy để đòi nợ đến khi nào lấy được tiền mới về. Bởi tất cả tài sản nhà cửa, phương tiện đều thế chấp ngân hàng và vay mượn để làm vốn buôn bán. Thậm chí tiền mua nợ sắn của bà con vẫn chưa thanh toán. Không đòi được nợ mà về thì biết đâm đầu vào đâu…”, chị Phạm Thị Ngọc Thanh, nhà ở Kon Tum, nói như khóc.

Các chủ nợ đem xe tải án ngữ trước cổng nhà máy cồn Đại Tân để đòi nợ

Còn anh Nguyễn Văn Quảng, trú tại huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum thì bảo nhà máy cồn Đại Tân nợ anh hơn 1,5 tỷ đồng, hơn 1 tháng nay anh cùng người nhà bám trụ để đòi nợ.

“Anh em tụi tui phải bám trụ để đòi nợ cho bằng được. Có ai hiểu được tình cảnh của bà con tui vừa là chủ nợ của nhà máy cồn Đại Tân nhưng lại là con nợ của bà con nhân dân trồng sắn. Tụi tui đi đòi nợ cũng là đi trốn nợ chớ có sướng ích chi…”, anh Quảng nói.

Để tiếp tục cắm chốt trước cổng nhà máy đòi nợ, toàn bộ các chủ nợ đã làm đơn xin tạm trú gửi công an xã Đại Tân để tiếp tục ở lại đòi nợ mà như lời họ bảo là cũng để đi trốn nợ nếu nhà máy không trả tiền.

Tại cuộc làm việc với chủ dự án nhà máy cồn Đại Tân vào sáng 24/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đồng Xanh, chủ dự án, sớm có báo cáo tình hình công nợ và tài chính của công ty cũng như những vướng mắc cần tháo gỡ để tỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và tìm cách “giải cứu” cho nhà máy trên bờ vực phá sản.

Theo thống kê ban đầu, tổng số nợ của nhà máy cồn Đại Tân hiện có số dư nợ lên đến 700 tỷ đồng. Trong đó vay ngân hàng khoảng 600 tỷ và nợ mua nguyên liệu, lương công nhân, bảo hiểm... lên gần 100 tỷ đồng.

Vũ Trung