Bán hàng đa cấp, thương mại điện tử hay nhóm mua là những hình thức kinh doanh mới mẻ tại Việt Nam và đang phát triển ở dạng tiềm năng trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, năm nay, thị trường được nhiều phen rúng động khi chứng kiến hàng loạt vụ phá sản, sụp đổ tai tiếng của những loại hình kinh doanh này.
Bán hàng đa cấp hết đất sống, phá sản
Tránh là 'con mồi' của đa cấp bất chính
Vạch trần chiêu lừa đảo từ bán hàng đa cấp
Đại gia mất tiền tỷ vì bán hàng đa cấp
Tránh là 'con mồi' của đa cấp bất chính
Vạch trần chiêu lừa đảo từ bán hàng đa cấp
Đại gia mất tiền tỷ vì bán hàng đa cấp
Muaban24, đa cấp trá hình
Muaban24 là vụ sụp đổ được cho là tai tiếng nhất của bán hàng đa cấp khiến thị trường được một phen chấn động.
Từ giữa năm 2011, website muaban24.vn đi vào hoạt động dưới danh nghĩa sàn giao dịch thương mại điện tử. Với những hoạt động truyền thông, hội thảo, các khóa học đào tạo rình rang, sàn muaban24.vn đã gây được sự chú ý và nhanh chóng phát triển hệ thống hội viên lên tới hàng vạn người, với hệ thống chi nhánh ở hầu hết các tỉnh thành cả nước.
Song song với sự phát triển “siêu tốc” đó thì trên các diễn đàn, các mạng xã hội… số lượng ý kiến chỉ trích, phê phán và “tố” sàn giao dịch này có nhiều hoạt động thiếu minh bạch, với dấu hiệu phát triển mạng lưới theo mô hình đa cấp và thu tiền mặt từ việc bán gian hàng ảo trên website.
Cụ thể, mỗi người khi tham gia “dự án” của muaban24 sẽ phải bỏ ra 5,2 triệu đồng để mua một gian hàng ảo. Ngoài việc được quyền đăng tin mua, bán trên gian hàng ảo đó, người mua gian hàng sẽ trở thành hội viên của muaban24. Theo đó, cơ hội kiếm tiền mở ra với họ bằng cách chèo kéo người khác mua gian hàng để hưởng 1,5 triệu đồng trong số 5,2 triệu đồng mà người mua gian hàng nộp vào muaban24.
Không chỉ như vậy, nếu hội viên phát triển được 2 nhánh, mỗi nhánh có 99 gian hàng thì sẽ được nâng bậc VIP và được thưởng gần 100 triệu đồng trực tiếp. Ngoài ra, hội viên này còn được hưởng phần trăm gián tiếp nếu những người dưới họ lôi kéo được người khác mua gian hàng.
Mạng lưới Muaban24 có hơn 50 chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành cả nước. Trong vòng 1 năm, Muaban24 đã phát triển tới 120.000 gian hàng, với số tiền nộp vào hệ thống này lên tới hơn 600 tỷ đồng.
Sau khi báo chí vào cuộc thì đường dây này đã nhanh chóng bị phanh phui. Qua quá trình điều tra của Bộ Công an và Công an các tỉnh thành, các đối tượng cầm đầu đường dây này đã bị khởi tố và tạm giam. Nhiều người đã phải ngậm đắng nuốt cay vì trót mất tiền cho những “gian hàng điện tử ảo” này.
Du lịch cũng kinh doanh đa cấp
Tháng 3 vừa qua, Công an TP. Hà Nội đã có thông báo về kết quả điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp đặc biệt lớn, với gần 90.000 người bị hại ở các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, với giá trị hàng chục triệu USD.
Vụ lừa đảo này thông qua hình thức kinh doanh đa cấp trên mạng internet (với sản phẩm là gói dịch vụ du lịch đặt phòng 4 ngày, 3 đêm do tập đoàn Diamond Holiday Travel (DHT) Hoa Kỳ cung cấp) do Lâm Phúc Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á cầm đầu.
Theo đó, khách có thể đi du lịch thế giới chỉ với 375 USD, nghỉ tại khách sạn 3 đến 5 sao. Ngoài ra, khách còn có thể kiếm tiền thưởng bằng cách cứ kêu gọi được nhiều người tham gia thì sẽ được “lên tầng” cao hơn.
Khi đóng 375 USD, khách được xếp “bàn du lịch tầng 1”, cho đến khi leo qua “bàn bậc 4” sẽ được chuyển sang “bàn kim cương” và được thưởng 1.000 USD.
Bản chất chương trình này là huy động vốn đa cấp, lấy tiền của người dưới thưởng cho người trên, đánh trúng lòng tham của người chơi khi bỏ ra một số tiền nhỏ mà lợi nhuận lại không có giới hạn. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền, rất ít người được đi du lịch.
Tiếp sau muaban24, công ty cổ phần Tâm Mặt Trời và công ty cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ Cộng Đồng Việt cũng bị Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) khai trừ tư cách thành viên.
Nhommua tạm ngừng hoạt động
Không chỉ có bán hàng đa cấp, mới đây nhất, ngày 11/12, sàn giao dịch thương mại điện tử Nhommua.com thuộc công ty TNHH Nhóm Mua, đột ngột thông báo dừng hoạt động khiến không chỉ người tiêu dùng mà các doanh nghiệp đối tác vô cùng hoang mang.
Nhommua.com là trang thương mại điện tử hoạt động theo hình thức mua hàng theo nhóm. Đối tác trực tiếp gửi hàng vào Nhóm Mua. Doanh nghiệp này sẽ rao bán hàng trên trang Nhommua.com, lấy chiết khấu hoặc phát hành các voucher (phiếu mua hàng). Khi khách hàng trả tiền cho Nhóm Mua lấy phiếu đó, có thể đến doanh nghiệp đối tác để mua hàng. Sau đó, Nhóm Mua sẽ chịu trách nhiệm thanh toán lại tiền cho đối tác.
Doanh nghiệp này ngừng hoạt động, nhiều đối tác có khả năng sẽ bị mất tiền voucher còn người tiêu dùng thì lo lắng vì đã mua voucher nhưng không thể sử dụng được. Vì vậy mà các khách hàng và đối tác đã tụ tập rất đông trước trụ sở công ty để đòi lại hàng và tiền.
Sự cố của các công ty mua hàng theo nhóm qua mạng trong thời gian vừa qua ít nhiều đã làm giảm lòng tin của người tiêu dùng vào loại hình kinh doanh này.
Trước Nhóm Mua, vào đầu tháng 2/2012, Công ty cổ phần VNG cũng đã chính thức thông báo ngừng mọi hoạt động của website bán hàng theo nhóm Zingdeal sau 15 tháng kinh doanh đã làm rung động thị trường. Đây là trường hợp được dự báo là mở đầu cho "trào lưu" đóng cửa của những trang web mô hình này ngay trong năm 2012.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường đã đi vào ổn định sau những bùng phát ban đầu. Người dùng đã được "đào tạo" rằng các dịch vụ giảm giá mua theo nhóm là "tiền nào của nấy" nên giảm bớt sự hồ hởi. Còn bản thân các doanh cung cấp dịch vụ cũng nhận thấy khả năng sinh lợi của dịch vụ mua theo nhóm không dễ dàng như ban đầu. Do đó, thị trường sẽ phát triển chậm lại và cuối cùng, theo quy luật kinh doanh chỉ còn là cuộc chơi của "hai con ngựa" khỏe nhất. Các công ty còn lại phải tìm hướng kinh doanh mới, đóng cửa hoặc mua lại, sáp nhập. "Điều này đã và đang xảy ra ở Trung Quốc, Mỹ và chắc chắn sẽ xảy ra ở Việt Nam”.
Bảo Hân