Các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Quý Tỵ đã đồng loạt tăng giá mạnh. Tuy nhiên, người dân khó khăn nên càng thờ ơ hơn với việc mua sắm Tết.


Tăng từng ngày

Tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, giá các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán đợt này đã bắt đầu tăng mạnh, nhiều mặt hàng còn tăng tới 30% so với những tháng trước đó.

Tại chợ đầu mối Đồng Xuân, hàng tết bày bán tràn ngập chợ, nhất là tại các gian hàng thực phẩm khô, bánh kẹo, đồ phụ kiện trang hoàng tết… Hiện, tại chợ này măng củ khô có giá 250.000 đồng/kg loại ngon, loại bình thường có giá 220.000 đồng/kg, măng vầu có giá 150.000 – 240.000 đồng tùy loại, mộc nhĩ không chân có giá 150.000 đồng/kg, nấm hương loại 1 có giá 300.000 đồng/kg, tôm nõn loại nhỏ giá 400.000 đồng/kg, loại to giá 730.000 đồng/kg…

Các loại hạt như: hạt bí ta loại nhỏ giá 150.000 đồng/kg, loại to giá 160.000 đồng/kg, hạt điều giá 200.000 đồng/kg, hạt dẻ 280.000 đồng/kg, hạt hướng dương loại 1 giá 80.000 đồng, loại 2 giá 60.000 đồng/kg. Các loại mứt tăng khoảng 10% như mứt hạt sen, mất dừa dẻo, mứt bí… Giá hiện tại dao động từ khoảng 80.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại.

Một tiểu thương chuyên bán sỉ bán lẻ thực phẩm khô tại chợ Đồng Xuân cho biết, giá các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán đợt này tăng mạnh. Nhìn chung các loại hàng hóa đều tăng từ 10 – 20%, loại tăng mạnh nhất là các mặt hàng thực phẩm khô như: măng khô, mộc nhĩ, nấm hương… giá cào bằng còn tăng khoảng 30% so với tháng trước.


Các tiểu thương tại chợ bán lẻ cũng thừa nhận giá hàng hóa phục vụ tết đang tăng mạnh. Bà Thơm tiểu thương tại chợ Bưởi cho biết, khoảng hai tháng trước đi xem hàng giá còn ổn định chứ giờ qua chợ Đồng Xuân nhập buôn hàng, giá đã tăng bằng với giá mình bán lẻ ở chợ trước kia.

Thờ ơ mua sắm

Bà Lâm, tiểu thương chuyên bán thực phẩm khô tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết, vào tầm này năm ngoái khi thời gian chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, người dân đã chen chân nhau đi chợ mua sắm hàng tết. Còn năm nay, ngồi cả ngày mới thấy một vài khách hỏi thăm giá chứ không mua.

Ghi nhận tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội như: Nghĩa Tân, Cổ Nhuế, Bưởi, Đồng Xa… hàng tết về chợ vẫn khá èo uột, trông chẳng khác mấy so với số lượng, chủng loại hàng hóa ngày thường. Thay vì tất bật bán hàng, “năm nay hàng hóa tăng giá mạnh, ế ẩm, sức mua giảm sút. Chúng tôi chỉ bày ít hàng còn tồn lại từ trước ra gọi là cho có hàng bán chứ chưa nhập hàng mới về”, bà Lâm tâm sự.

Tương tự, chị Nguyệt tiểu thương tại chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm) cho biết: Nói là hàng hóa tăng giá mạnh, tiểu thương chợ lẻ không dám nhập về sợ ế thì cũng đúng, tuy nhiên, sức mua chắc chắn sẽ tăng lên vào những ngày cận kề tết nhưng vì hàng tồn đọng nhiều ngốn hết sạch vốn. Do vậy, giờ muốn cũng đành chịu không có tiền nhập hàng tết về.


“Mặt khác, nếu có tiền nhập hàng về bây giờ nhưng với sức mua yếu như thế này thì dân buôn bán ai cũng sợ tình trạng đọng hàng lại tiếp tục diễn ra. Và nếu như vậy thì tới ra tết lấy đâu tiền nhập hàng mới duy trì hoạt động buôn bán chứ”, chị Nguyệt cho hay.

Chị Thu Phương ở Hoàng Hoa Thám (Ba Đình) chia sẻ: “Năm nay, thưởng tết bị cắt đi phân nửa so với năm ngoái, thu nhập hàng tháng giảm trong khi giá cả điên, nước, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu thi nhau tăng… Giờ thấy hàng hóa phục vụ tết tăng giá ầm ầm mình cũng muốn đi mua sớm để tránh tết lại tăng thêm. Tuy nhiên, hiện gia đình đang “đói” tiền, ngay cả tiền chi tiêu sinh hoạt cũng còn phải dè xẻn thì lấy tiền đâu mà mua sắm tết”.

“Chắc đợi đến lúc nhận được tiền thưởng tết rồi xem tình hình thế nào mới tính chuyện mua sắm, ăn lo tết cho gia đình được” , chị Phương nói.

Còn bác Trâm tại ngõ 20 Hồ Tùng Mậu cho biết, ngày này năm ngoái bác đã tranh thủ sắm tết sớm cho gia đình vì sợ cận tết giá sẽ tăng cao. Nhưng năm nay, công ty của mấy đứa con đang làm, đứa nào cũng kêu bị giảm lương còn tiền thường tết đến giờ này vẫn thấy lãnh đạo nhắc gì tới. “Khó khăn, gia đình cũng tính chuyện ăn tết tiết kiệm, cắt giảm một vài thứ không cần thiết. Thế nên, năm nay để gần tết sắm cũng được”, bác chia sẻ.

Theo phần lớn tiểu thương tại chợ bán lẻ, người tiêu dùng năm nay có xu hướng mua sắm muộn chứ không như mọi năm. Do đó, hàng hóa ứ đọng, ế ẩm, sức mua giảm sút mạnh so với cùng thời điểm những năm trước đó.

Chị An, tiểu thương chợ Đồng Xuân, cho biết, không chỉ tại các chợ bán lẻ hàng hóa mới ế ẩm do dân có xu hướng sắm tết muộn mà ngay cả tại các chợ đầu mối, đến bây giờ tiểu thương chợ lẻ vẫn chưa đến nhập hàng nhiều khiến hàng hóa cũng đang chị cảnh ngóng khách.


 Bảo Hân