“Giá điện Việt Nam hiện nay tương ứng 7,2 cent/kWh, tuy thấp hơn một số quốc gia trong khu vực nhưng không còn rẻ nữa. Vì vậy, chất lượng cung ứng điện phải tương ứng”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.


Ngày 11/1, tại Hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2012 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu giá điện phải đi đôi với chất lượng.

Lãi cũng phải tăng giá

Kể từ năm 2011, giá điện bán lẻ trong nước đã tăng 2 lần mỗi năm. Năm 2011, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng khoảng 20,3% so với trước và năm 2012, tổng hai lần tăng giá đã lên tới hơn 10% so với năm trước.

Sau 2 năm liên tiếp báo lỗ, năm 2012 ghi nhận EVN đã có lãi trở lại ở kinh doanh điện. Theo báo cáo tổng kết do ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN công bố, doanh thu bán điện ước đạt 143,419 tỷ đồng. Sản xuất kinh doanh điện có lợi nhuận, đã giảm lỗ lũy kế các năm trước được 3.500 tỷ đồng.

Cũng trong năm này, giá bán điện bình quân toàn Tập đoàn ước đạt 1.361 đồng/kWh. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp tục phải bù chéo về giá điện. Trong đó, giá bán điện bình quân khu vực sản xuất chỉ là 1.229 đồng/kWh, tuy tăng 121 đồng/kWh so với năm 2011 nhưng lại chỉ bằng 90% giá bán điện bình quân năm 2012 và vẫn thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011 (1.281 đồng/kWh).

Tiết lộ bên lề hội nghị, đại diện lãnh đạo EVN còn cho biết, năm 2012 EVN lãi khoảng 6000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính, bù lỗ giai đoạn trước mà con số lãi lại vẫn lơn hơn con số 100 tỷ đồng theo kế hoạch báo cáo Bộ Tài chính, Tập đoàn này sẽ có tính toán để ưu tiên lấy lãi bù lỗ trước.


Đóng góp vào bức tranh tài chính khá sáng sủa đó là nỗ lực giảm tỷ lệ tổn thất của ngành điện.

Theo ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN, lần đầu tiên tỷ lệ tổn thất đã được đưa xuống 9%. Trước đó, trong nhiều năm tỷ lệ tổn thất đều trên 10%, ông Thanh nói nhiều lúc chỉ “mơ” làm sao đưa tỷ lệ này dưới 2 con số và nay đã thành hiện thực.

Theo tính toán của ông Thanh, tiết kiệm mức tiêu hao điện được 0,1% thì tương đương 100 triệu kWh, vào khoảng 100 tỷ đồng. Như vậy, tiết kiệm được 0,2% tiêu hao điện thì EVN sẽ tiết kiệm được tới 200 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2013, EVN vẫn tiếp tục đặt mục tiêu phải có lãi. Dự kiến, giá bán điện bình quân sẽ đạt 1.459 đồng/kWh.

Dù có lãi nhưng sắp tới, giá điện Việt Nam sẽ còn tăng nữa. Điều này đã được chủ tịch Tập đoàn EVN ông Hoàng Quốc Vượng đã khẳng định trong sáng cùng ngày, báo cáo tại Hội nghị tổng kết ngành công thương.

Ông cho hay, khi thị trường phát điện cạnh tranh vận hành từ 1/7/2012, các chi phí đầu vào đã gia tăng, EVN đã phải bỏ thêm tới 300 tỷ đồng. Tới đây, khi thị trường cấp độ bán buôn, bán lẻ điện hình thành thì chắc chắc, còn nhiều chi phí phải đưa vào đầy đủ trong giá bán điện nên giá có xu thế tăng cao.

Hiện nay, con số giảm lỗ khoảng 3.500 tỷ đồng công bố trên như “muối bỏ bể” với gánh lỗ khổng lồ hơn 11.000 tỷ đồng kinh doanh điện và 26.600 tỷ chênh lệch tỷ giá. Thủ tướng đã cho phép từ năm 2013, EVN được nâng dần giá bán điện và phân bổ các khoản lỗ tỷ giá vào giá điện.

Vẫn lo mất điện, thiếu điện

Tuy nhiên, dường như chưa song hành với xu hướng giá điện tăng, chất lượng phục vụ cung cứng điện của EVN vẫn còn nhiều tồn tại. Về điểm này, chính ông Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh cũng đã tự nhìn nhận: “Năm 2012 không hề có cắt điện nhưng số lần mất điện, thời gian mất điện vẫn rất nhiều. Chất lượng dịch vụ cung ứng điện còn kém”.

Mặc dù dư thừa công suất nhưng vân hành hệ thống điện vẫn luôn quá tải đường dây và trạm biến áp ở cả 3 miền. Năm 2012, một số sự cố chủ quan do không tuân thủ đúng quy trình, quy phạm và kỷ luật vận hành lưới điện đã xảy ra nghiêm trọng như ở các Trạm biến áp Thành Công, Bắc Giang, Đình Vũ, Bờ Hồ… Hệ quả là việc cung ứng điện bị gián đoạn như ở Hà Tĩnh tháng 11/2012, sự cố mất điện diện rộng ở ngay thủ đô tháng 6/2012.

Năm 2013, khả năng truyền tải từ Bắc vào Nam còn kém nên khu vực miền Nam vẫn có thể bị thiếu điện. Nghiêm trọng hơn, Hà Nội cũng có thể sẽ bị thiếu điện chỉ vì công trình trạm biến áp vẫn chưa xây dựng xong.

Ngoài ra, ông Thanh cho hay tính đến nay, thủy điện năm 2013 đang có nguy cơ thiếu hụt lớn tới 1,43 tỷ kWh. Cuối năm 2012, mực nước các hộ thủy điện, nhất là khu vực miền Trung và Tây nguyên thiếu rất nhiều so với mực nước dâng bình thường. Bên cạnh đó, khả năng thiếu khí cho phát điện ở miền Nam sẽ xảy ra vào tháng 7, tháng 9 nên dự kiến năm 2013 sẽ phải huy động từ 1,8 -2,4 tỷ kWh chạy dầu.

Như ông Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, nếu chạy dầu như vậy, EVN lại có thể quay trở về trạng thái lỗ như trước.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói những vấn đề tồn tại đang ở tình trạng báo động, phải xử lý khẩn trương ở EVN. Đó là vấn đề quá tải, mất điện, chất lượng điện năng kém... phải có chương trình khắc phục.

Chỉ rõ những yếu kém trong công tác quản lý, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói, 80% thời gian ngành điện đi tập trung xây dựng cơ bản thì thật đáng lo. Như vậy, chỉ còn 20% thời gian công sức dành cho sửa chữa, vận hành lưới. Nếu không bố trí lại thì sẽ thất bại dù chúng ta đủ điện.

EVN từng có thời được gọi là Tổng công ty đấu thấu, tức là chỉ lo đi đấu thầu, khởi công mà quên mất, khởi công chỉ là bước đầu, mất 4-5 năm. Trong khi đó, còn mấy chục năm sau phải lo quản lý vận hành điện cho tốt.

Ông Hải nhấn mạnh: “Năm nay, giá điện Việt Nam đã tương ứng 7,2 cent/kWh, thấp hơn các quốc gia nhưng không còn rẻ nữa. Vì vậy, phải có chất lượng dịch vụ tương xứng”.

Phạm Huyền