Nằm trong lộ trình tái cơ cấu các ngân hàng (NH) yếu kém, những thông tin mới nhất cho thấy sắp diễn ra những vụ tái cơ cấu ngân hàng mới.
Tái cơ cấu, sắp xử lý thêm 3 ngân hàng
Cổ phiếu rẻ, Nhật âm thầm thâm nhập ngân hàng Việt
Sự xuống dốc của ngân hàng qua con số và sự kiện
Tái cơ cấu NH: Cố tình làm khó nhau
Thị trường vừa đón thông tin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hợp nhất Western Bank với PVFC. Đây là diễn biến mới nhất trong lộ trình tái cơ cấu ngân hàng, là sự kiện đáng nhớ cho thị trường sau cú sáp nhập HBB vào SHB. Sự kiện này không chỉ là bước ngoặt đối với PVFC - Western Bank mà còn cả với PVN và hệ thống tổ chức tín dụng.
PVFC là công ty tài chính lớn nhất, hoạt động của nó từ lâu đã vượt ra khỏi cái áo “tài chính dầu khí”. PVFC hiện có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 100.000 tỷ đồng. PVFC thuộc top 12 trong hệ thống các TCTD hiện nay. WesternBank là ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và là ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc.
Việc hợp nhất này tạo ra một ngân hàng thương mại mới có lợi cho cả PVFC và WesternBank. Ngân hàng mới với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng, có mạng lưới khắp các tỉnh, thành lớn trong cả nước.
Không những thế, việc hợp nhất giữa PVFC và WTB sẽ khắc phục điểm yếu và gia tăng lợi thế của hai tổ chức chuyên về mảng NH đầu tư (PVFC) và NH bán lẻ (WTB). Bên cạnh đó, NH sau hợp nhất có cơ hội thực hiện đầy đủ các giao dịch huy động vốn, dịch vụ thanh toán, phát triển mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ...là những hoạt động mà PVFC hiện nay bị hạn chế. Ngân hàng sau hợp nhất có quy mô trên 100.000 tỷ, có khả năng tiếp cận các khách hàng lớn, dự án trọng điểm... là những điều mà WTB không có khả năng thực hiện.
Việc hợp nhất này cũng có lợi cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) khi đang chịu áp lực thoái vốn ngoài ngành. PVN là cổ đông lớn, chiếm 78% cổ phần của PVFC. Thực tế, thời gian qua, yêu cầu thoái vốn ngoài ngành nhất là ở các TCTD là một thách thức với PVN. Tỷ lệ sở hữu 78% trong quy mô 6.000 tỷ đồng vốn điều lệ là rất lớn. Phải bán với lượng hàng lớn trong điều kiện bất lợi của thị trường là một thách thức với PVN.
Với kế hoạch hợp nhất giữa PVFC với Western Bank thì gánh nặng của PVN đã được gỡ. Theo kịch bản hợp nhất, PVFC có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng và Petro Vietnam sở hữu 78%. Western Bank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Với việc hợp nhất, ngân hàng hình thành sau đó có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng; tỷ lệ sở hữu của Petro Vietnam sẽ chỉ còn lại 52%.
Được biết, hiện một số nhà đầu tư đang để mắt đến khả năng hợp nhất hai tổ chức trên để đón việc thoái vốn của PVN tại NH sau hợp nhất. Nhiều khả năng các tổ chức này sẽ đàm phán mua lại 288 triệu cổ phần, tỷ lệ sở hữu của PVN sẽ giảm xuống còn 20%.
Thiên Thanh nhảy vào Đại Tín
Ngân hàng Đại Tín đã tổ chức đại hội cổ đông. Đây là 1 trong 4 ngân hàng thuộc nhóm 9 ngân hàng yếu kém vẫn chưa thực hiện tái cấu trúc. NH này đã tuyên bố sẽ dựa vào nguồn lực trong nước chứ không dựa vào Ngân hàng Nhà nước hay tổ chức nước ngoài.
Trước thời điểm ĐHCĐ, đã có nhiều tin đồn về việc Tập đoàn Thiên Thanh sẽ nhảy vào làm chủ ngân hàng này. Những biểu hiện cho thấy, TrustBank tổ chức ĐHCĐ lần này tại trục sở của Thiên Thanh ở TP. Hồ Chí Minh - một cái tên mới hoàn toàn trong danh sách cổ đông của Đại Tín. Trong khi đó, động thái mới nhất là chính Thiên Thanh cũng rất tích cực công bố thông tin về tái cơ cấu Đại Tín thông qua các kênh chính thức của mình.
Câu trả lời đã rõ, Đại hội cổ đông TrustBank đã thông qua phương án tái cơ cấu, trong đó cổ đông mới mua lại 84% cổ phần, Thiên Thanh dự kiến sở hữu 9,67%.
Dự kiến cổ đông mới sẽ mua 252,1 triệu cổ phiếu (tương ứng với 84,04%) vốn của ngân hàng từ các cổ đông hiện tại. Trong đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh dự kiến sở hữu 9,67% và 20 cổ đông cá nhân khác sở hữu 74,37%.
Theo lộ trình, bước đầu sẽ chuyển nhượng cổ phần và khoản nợ của cổ đông hiện hữu cho nhóm cổ đông mới giá trị 4.500 tỷ đồng từ 29/02/2012 đến 30/06/2013 thông qua việc mua gần 85% vốn Trustbank. Sau đó, tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng từ nhóm cổ đông Thiên Thanh (30/06/2013). Tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm 2.500 tỷ đồng từ thanh lý tài sản và nguồn tiền khác từ nhóm cổ đông Thiên Thanh (30/09/2013). Tiếp theo là các bước tái cấu trúc về cơ cấu tổ chức…
Đại Tín được thành lập vào năm 1989, tiền thân là ngân hàng TMCP nông thôn Rạch Kiến, trụ sở chính tại Long An. Từ 2007, Đại Tín trở thành ngân hàng TMCP đô thị có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính được kiểm toán, năm 2011, tổng doanh thu của Đại Tín đạt 3.606 tỷ đồng, chi phí hoạt động là 3.129,6 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 164 tỷ đồng. Tổng tài sản tại thời điểm cuối 2011 đạt 27.129,5 tỷ đồng, vốn điều lệ của ngân hàng này là 3.000 tỷ đồng.
Thiên Thanh là tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực: Kinh doanh Vật liệu xây dựng –Trang thiết bị nội thất, Ô tô, Bất động sản - Dự án, Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn và đặc biệt là có cả hoạt động tư vấn đầu tư tài chính.
Năm 2011, Tập đoàn Thiên Thanh đạt 2.025 tỷ đồng doanh thu và 188 tỷ đồng LNST. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2011 lần lượt là 3.000 tỷ và 1.218 tỷ đồng (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng).
Mô hình tái cơ cấu của Đại Tín gần giống với một kịch bản thành công ở TienPhongBank. TienPhongBank đã bán 20% cổ phần cho DOJI, người của DOJI nắm giữ các chức vụ quan trọng tại TienPhongBank. Việc một ngân hàng có cổ đông chiến lược mới đồng nghĩa sẽ phải có thêm "ghế" cho người đại diện phần vốn góp của đơn vị đó trong HĐQT.
Và như thế, về bản chất đã có một cuộc xâm lấn âm thầm vào ngân hàng này. Điều này chắc chắn sẽ tạo nên nhiều thay đổi tiếp theo tại NH nhỏ này. Điều duy nhất được kỳ vọng là một tổ chức tín dụng có nguồn lực vào sức mạnh mới sẽ sớm ổn định và đi vào hoạt động.
Như vậy, trong 9 tổ chức thuộc diện phải tái cơ cấu thì có 3 đã hợp nhất thành NH Thương mại cổ phần Sài Gòn, HBB sáp nhập vào SHB, Tienphongbank tự tái cơ cấu. Bây giờ đến hai NH tiếp theo là Western Bank và Đại Tín… Và người ta đang trông đợi các ngân hàng tiếp theo. Đó có thể là GPBank và Navibank.
Ngọc Sơn