-  Sau khi dành 3.500 tỷ đồng tỷ đồng tiền lãi để bù lỗ kinh doanh điện các năm trước, EVN dự kiến dành số lãi còn lại khoảng 2.500 tỷ đồng "chia" cho các đơn vị thành viên. Con số này gấp 25 lần so với số công bố trước kia.


Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức cho biết, EVN kinh doanh điện năm 2012 có lãi 6.000 tỷ đồng. Đây là số lãi hợp nhất toàn Tập đoàn. Trong đó, EVN giảm lỗ lũy kế các năm trước 3.500 tỷ đồng, toàn bộ số lãi còn lại, khoảng 2.500 tỷ đồng sẽ phân bổ cho các công ty thành viên.

Như ông Vượng cho biết, EVN có 9 Tổng công ty  và 14 công ty trực thuộc sẽ được "hưởng lãi" này. Nhiều công ty của EVN năm qua sản xuất kinh doanh hiệu quả, có lợi nhuận nhưng cũng đã phải ưu tiên lấy lãi bù lỗ trước. Ví dụ như Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, năm 2012 đáng lẽ lãi tới 400 tỷ đồng nhưng vì phải dành 300 tỷ đồng giảm lỗ nên chỉ còn lãi 100 tỷ đồng

Đầu tháng 12/2012, sau khi công bố giá thành điện năm 2011, đại diện lãnh đạo Tập đoàn EVN cho hay, EVN dự kiến lợi nhuận 3.500-4.000 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn chỉ đăng ký với Bộ Tài chính kế hoạch lãi năm 2012 là 100 tỷ đồng.

Nhờ thủy điện thuận lợi, kinh doanh điện năm nay có lãi (ảnh: theo hanoipc)

So với con số kế hoạch trên, lợi nhuận năm 2012 của EVN đã tăng thêm 50-71%. Nếu so với số lãi kinh doanh điện được để lại mà EVN đăng ký với Bộ Tài chính thì con số cuối cùng đã vượt 25 lần.

Theo ông Hoàng Vượng, tổng doanh thu của EVN năm qua là 143.000 tỷ đồng. Số lợi nhuận trên của EVN cũng chỉ bằng 4%. So với tổng tài sản của EVN khoảng 18 tỷ USD, tương đương 360.000 tỷ đồng thì tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản chỉ bằng 2%.  Hiệu quả này thấp hơn nhiều so với lãi suất phải trả cho ngân hàng.

Tính đến nay, EVN sẽ còn khoản lỗ "treo" lại lên tới 34.000 tỷ đồng, bao gồm 26.600 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá và khoảng 8000 tỷ đồng lỗ kinh doanh điện.

Ông Vượng cho hay, từ nay đến năm 2015, EVN sẽ phải giải quyết hết số lỗ trên. Trong đó, lỗ tỷ giá theo quy định Bộ Tài chính sẽ chỉ phân bổ trong 2-3 năm, ngoại trừ điều kiện kinh tế không thuận lợi thì mới "được" lui lại.

Tập đoàn này còn một nguồn khác là được phân bổ lỗ vào giá điện hay nói cách khác, được phép tăng giá điện để giảm lỗ. Theo quyết định 24 của Thủ tướng, trong phạm vi tăng 5%, EVN sẽ được tự quyết định tăng giá, nếu tăng trên 5% giá điện, EVN mới phải báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ. Thời gian tăng giá được phép 3 tháng/lần.

Dù vậy, ông Hoàng Quốc Vượng vẫn nói rằng, tập đoàn cũng không thể biết khi nào sẽ tăng giá điện tiếp theo. Muốn tăng hay không tăng, EVN cũng không thể tự quyết.

Đơn cử như  vừa qua, giá than tăng 2 lần nhưng không phải lần tăng giá than nào, EVN cũng đã được tăng ngay giá điện. Lần thứ nhất, giá than tăng 10%, giá điện tăng 5% kể từ 1/7/2012. Nhưng ở lần thứ 2, giá than tăng có loại lên tới hơn 30% từ 15/9/2012 nhưng giá điện phải chờ đến 22/12/2012 mới được tăng.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị ngành công thương, ông Hoàng Quốc Vượng cũng đã khẳng định xu hướng giá điện còn tăng nữa.

Phạm Huyền