Giá cá tra đang ngày một đi xuống khiến người nuôi càng nuôi càng lỗ. Nông dân giờ phải treo ao và treo luôn cả tết.

Càng làm càng lỗ

Chờ đợi cứu trợ vẫn chưa thấy đâu trong khi mới đây nông dân nuôi cá lại bị dội thêm một gáo nước lạnh khi giá cá tra nguyên liệu đang ở mức 19.500-20.500 đồng/kg (giá vốn ở mức 23.000 đồng/kg). Theo nhận định của Hiệp hội Thủy sản của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, với mức giá cá tra nguyên liệu hiện nay nếu tính đúng tính đủ mỗi kg cá người nông dân lỗ từ 3.000-4.000 đồng.

Ông Hoàng Thế Việt chủ trại cá tra tại Cần Thơ chia sẻ: “Mười mấy năm theo nghề này chưa bao tôi thấy cá tra lại bị rớt giá thê thảm như năm nay. Vừa qua tôi bán khoảng 5-6 ngàn tấn cá tra song, vị chi thua lỗ hết 10 tỷ đồng. Nuôi cá tra giờ “đắng” quá nên nông dân bỏ cá tra rất nhiều. hiện tại riêng tôi đang bỏ không 15 ha diện tích ao nuôi cá tra nhằm chờ thời giá mới, chứ hiện nay khả năng lợi nhuận của cá tra là 10% thì thua hết 9%”.

Khó khăn khi giá cá tra sụt giảm nhiều nông dân có xu hướng “treo ao” thậm chí, có nhiều hộ nông dân bán thốc bán tháo để nghỉ nuôi và bỏ nghề. Trước tình hình trên, diện tích ao nuôi cá tra của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây giảm đáng kể.


Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang cho rằng, cả tỉnh có trên 1300 ha nuôi cá tra nhưng đến thời điểm hiện nay có khoảng 70% nông dân “treo ao”.

Họa vô đơn chí

Kinh tế khủng hoảng, sức tiêu thụ sản phẩm cá tra tại các thị trường nước ngoài giảm hơn bao giờ hết; doanh nghiệp trong nước hoạt động cầm chừng; nông dân thiếu vốn nên phải bán cá cuối cùng dẫn đến tình trạng ép giá, phá giá. Hiện nay thị trường một cá tra đang xảy ra tình trạng người bán nhiều, người mua ít. Tính chung cả đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn khoảng 15 doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh cá tra một cách bình thường. Như vậy, không thể không tránh được tình trạng phá giá, ép giá.

Theo phản ánh của nông dân nuôi trồng cá tra, hiện doanh nghiệp chỉ mua cá với giá 20.000 đồng/kg trong khi đó, cũng loại cá trên khi đưa ra chợ bán sẽ có mức 21.500 đồng/kg.

Nông dân phải bán cá tra nguyên liệu với mức giá dưới giá thành sản xuất đã thường xuyên xảy ra những năm qua. Không phải giá cá tra nguyên liệu chỉ bị sụt giảm nghiêm trọng khi đầu ra trong xuất khẩu gặp "vấn đề", mà ngay cả thời điểm xuất khẩu tốt giá cũng giảm.

Theo nhiều nông dân nuôi cá ở Cần Thơ, doanh nghiệp kêu thiếu vốn, không có khả năng mua cá hoặc vì lượng cá nguyên liệu trong dân tới lứa xuất bán nhiều, doanh nghiệp không mua kịp đó chỉ là cái cớ để doanh nghiệp "ép giá" nông dân. Ngoài ra, ngày càng nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu bỏ vốn đầu tư mua, thuê đất để tự nuôi cá dẫn đến dễ bị "kẹt vốn" khi đầu ra có vấn đề. Khi đó, doanh nghiệp cũng dễ quay lại ép giá thu mua cá tra của nông dân khi phải "ưu tiên" tiêu thụ cá tra do mình nuôi.

Hầu hết nông dân đều cho rằng, nếu như mấy năm trước nghề nuôi cá tra có thể là một nghề làm giàu nhưng những năm gần đây thì ngược lại, người nông dân nuôi cá tra đang khổ trăm bề. Bởi đầu ra sụt giá, chi phí đầu vào tăng cao đáng kể. Điều nghịch lý nhất hiện nay, giá cá nguyên liệu giảm sụt chưa từng thấy giá thức ăn chăn nuôi lại lên cao ngất ngưởng. Cụ thể, vừa qua giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức 12.700-13.000 đồng/kg.

Ông Lê Trung Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang bày tỏ quan ngại: “Nếu tình hình như hiện nay cứ kéo dài đến một lúc nào đó chúng ta phải đóng cửa ngành cá tra. Người chăn nuôi không muốn tái đầu tư bởi đầu ra thấp, đầu vào tăng cao. ”.

Riêng về nguồn vốn hỗ trợ 9.000 và 38.000 tỷ trong năm 2012 áp dụng cho ngành cá tra đến nay người nông dân và doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa thể chạm vào. Như vậy, có thể thấy rằng, chính sách Nhà nước hỗ trợ cho con cá tra đã có nhưng việc thực hiện chính sách lại là vấn đề khác và cứ kéo tình trạng này người nông dân vẫn phải cầm cự để đắp đổi qua ngày.

Nam Phong