Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết, các hộ dân thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang tất bật chuẩn bị để đưa những "mẻ" bánh chưng đầu tiên xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Xuất khẩu khoảng 20.000 chiếc/ngày

Chúng tôi tìm về thôn Tranh Khúc đúng vào đúng lúc "cao điểm" làm bánh chưng chuẩn bị phục vụ cho tết ở đây. Ông Nguyễn Văn Na - Bí thư Chi bộ thôn Tranh Khúc cho biết: "Bình thường, mỗi hộ dân ở đây chỉ làm khoảng 100 chiếc/ngày, nhưng những ngày giáp tết như thế này, các hộ đã nâng "công suất" lên 500 -1.000 chiếc/ngày".

Theo ước tính, với số đơn hàng đã đặt, từ nay đến tết, mỗi ngày làng bánh chưng Tranh Khúc sẽ xuất khẩu trung bình được khoảng trên dưới 20.000 chiếc mỗi ngày. Ông Nguyễn Đăng Ngữ - Chủ tịch Hợp tác xã và dịch vụ nông nghiệp Tranh Khúc nói: "Thị trường xuất khẩu bánh chưng của Tranh Khúc chủ yếu là ở các nước có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống, nhất là các nước Đông Âu như Czech, Ba Lan, Nga, Đức. Ngoài ra, một số nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc...".


Hiện tại, ở Tranh Khúc có khoảng 20 hộ chuyên làm bánh chưng xuất khẩu từ một số năm trở lại đây. Ông Phạm Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà cho biết: "Việc xuất khẩu bánh chưng ra các nước hiện phần lớn vẫn theo đường tiểu ngạch. Các hộ dân trong thôn thường tự giới thiệu sản phẩm và tự nhận đơn đặt hàng từ nước ngoài". Tuy nhiên, để hỗ trợ các hộ sản xuất bánh chưng xuất khẩu, theo ông Vũ, xã Duyên Hà đã tổ chức các buổi tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm và cấp giấy chứng nhận thương hiệu cho một số hộ.

Thương hiệu "Bánh chưng Tranh Khúc"

Chia sẻ với chúng tôi, cụ Nguyễn Văn Bảy (80 tuổi) - người có thâm niên gần 60 năm làm bánh chưng ở Tranh Khúc cho biết: "Để có được những chiếc bánh ngon, người Tranh Khúc phải chuẩn bị rất cầu kỳ, từ khâu chọn lá, chọn gạo, chuẩn bị nhân đến gói bánh". Cụ Bảy cho biết: Người Tranh Khúc tâm niệm "thịt lợn ngon, tạo nên chiếc bánh ngon". Do đó, chỉ thịt lợn đã qua kiểm dịch mới được thợ làm bánh trong làng sử dụng.

Một đặc điểm nổi bật của bánh chưng Tranh Khúc là, dù không dùng khuôn để gói, nhưng bánh vẫn đều chằn chặn. Chị Lê Thị Mai - một thợ làm bánh trong thôn cho biết: "Gói bằng tay, thì có thể co gạo tùy ý, bánh sẽ chắc và ngon hơn. Bánh chưng sau khi gói, được luộc bằng nồi điện hoặc nồi hơi từ 7 - 8 giờ. Khi bánh chín rền, những người thợ sẽ vớt ra rửa nước, rồi ép nhẹ để bánh vuông và giữ được lâu".

Tại thời điểm này, cả thôn Tranh Khúc có khoảng 200 hộ chuyên sản xuất bánh chưng. Đầu năm 2011, Tranh Khúc được Sở Công Thương Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Đồng thời, "bánh chưng Tranh Khúc" cũng đã được cấp thương hiệu, bước đầu đã có hơn 100 hộ làm bánh trong thôn đã đăng ký sử dụng thương hiệu này.

Ông Vũ cho biết thêm: "Xã Duyên Hà đã trình UBND huyện Thanh Trì đề án phát triển du lịch làng nghề tại địa phương. Chúng tôi mong muốn sẽ tổ chức các tour tham quan và giới thiệu về nghề truyền thống của quê hương. Tới đây, du khách sẽ được những người thợ hướng dẫn cách làm bánh và sẽ có sản phẩm mang về làm quà".

Dự kiến, trong Tết Nguyên đán 2013, thôn Tranh Khúc sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1,6 triệu chiếc bánh chưng, chiếm hơn 30% thị phần của Hà Nội và các tỉnh lân cận.

(Theo LĐ)