Ra trường đi làm vài tháng đến 1 năm, lương thưởng vốn chẳng được là bao nhiêu lại rơi vào năm khó khăn nên nhiều bạn trẻ năm đầu tiên đi làm, góp tết với bố mẹ không dấu được nỗi niềm. 

Ra trường từ tháng 6, bơ vơ không kiếm được việc làm trong các trường dân lập, Ngọc Như, cựu sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội chấp nhận đi dạy ở trung tâm tiếng anh với mức lương tính theo giờ. Số tiền cô kiếm được 1 tháng đủ để chi tiêu ăn ở, đi lại, và thi thoảng mua chút quà biếu mẹ ở quê.

Miền quê Cao Bằng xa xôi chưa có chỗ cho cô dừng chân, nên cô vẫn lặng lẽ làm công việc của một giáo viên trung tâm tiếng anh ăn lương khoán.

Ngọc Như tâm sự: Nhà cô chỉ có một mẹ một con, ở cùng với bà ngoại, bố đã mất vì bạo bệnh khi cô còn đang theo học cấp 3. Mẹ cô cũng là công chức nhà nước về nghỉ hưu, có thể tự lo cho bản thân, nên cô cũng không nặng nề về vấn đề tài chính lo cho gia đình.

Với cái tết sắp tới, cô chia sẻ: “Mình sẽ tìm mua những thứ trên nhà không có hoặc có mà đắt hơn ở Hà Nội. Vừa là tiết kiệm, vừa mới lạ… chẳng gì cũng làm ở Hà Nội mà.

Ngọc Như tính toán, mua đồ rẻ hơn trên nhà thì có thể tiết kiệm được khoản tiền kha khá, mà lại có đồ sắm Tết. “Chả nhẽ đi làm rồi lại không mua được cái gì cho cái Tết gia đình, mang tiếng lắm”. Vì vậy, lựa chọn đồ giá hợp túi tiền là ưu tiên số 1 của cô.


Ngoài việc mua bán đồ ăn thức uống phục vụ Tết, nhiều người trẻ lại tính đến việc mua các vật dụng gia đình như bếp điện, bếp từ, nồi cơm điện… vừa tiện dụng, vừa mang tính kỷ niệm lần đầu đi làm,

Nguyễn Oanh, cựu sinh viên Đại học Nội vụ, hiện đang công tác trong một công ty xây dựng, tâm sự: “Bố mình rất thích có một cái bếp từ nho nhỏ để Tết ăn lẩu. Năm ngoái mình còn đi học, không có tiền mua tặng bố. Năm nay, mình đã cố gắng dành dụm mua tặng bố cái bếp từ để bố thỏa nguyện. Dù sao con gái tặng bố cũng có ý nghĩa hơn là bố tự đi mua”.

Oanh cũng cho biết thêm, năm nay công ty làm ăn không thuận lợi nên nhân viên mới đi làm như Oanh vẫn có việc để làm, có tiền lương hàng tháng là tốt lắm rồi. “Tết năm nay chưa có tiền, chưa lập gia đình, thôi thì vẫn nhờ bố mẹ sắm Tết. Sang năm khá giả hơn thì sẽ mua sắm nhiều hơn, đỡ đần bố mẹ”, Oanh nói.

Trần Yến, cựu sinh viên Đại học Huế, hiện đang làm việc tại một cửa hàng đồ ăn nhanh tại Hà Đông với mức lương gần 5 triệu/tháng “méo mặt” khi nói đến Tết. Vốn là chị cả trong một gia đình có 3 chị em, 2 em của Yến cũng đang học Đại học nên Yến đi làm vừa nuôi thân vừa phụ với bố mẹ nuôi 2 em ăn học.

Ba chị em ở 3 nơi khác nhau, tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống, đi lại…cũng làm hao hụt kha khá số lương của cô, thành ra chả có nhiều mà dành dụm. Nói đến Tết, cô than thở: “Ước gì 2 tháng nữa hãy đến Tết để mình có thêm thời gian kiếm tiền. Chỉ gần tháng nữa là Tết, mình treo niêu mất. Chả giúp được bố mẹ cái gì, mà còn phải may vá chứ. Tết nhất cũng phải có manh áo mới đi chơi, mừng tuổi cho bố mẹ, hai em”.

Không nói đến mua sắm, may vá hay mừng tuổi người lớn, Nguyễn Hải, cựu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, vừa ra trường được gần 1 tháng và hiện đang thử việc 2 tháng không lương tại một công ty dịch vụ kế toán trên đường Tây Sơn – Hà Nội lắc đầu ngán ngẩm khi nói về Tết.

Cô cho biết, thử việc 2 tháng không lương đồng nghĩa với việc xin tiền bố mẹ trợ cấp thêm 2 tháng. Trong đó, số tiền 1,5 triệu bố mẹ chu cấp bao gồm tiền nhà, tiền ăn, tiền xăng xe đi lại… Số tiền ít ỏi của việc mới đi làm khiến cho một sinh viên mới ra trường như cô phải chạy vạy đi dạy thêm tứ tung để duy trì cuộc sống. Sau 2 tháng, tương lai sẽ đi về đâu, cô còn chưa biết.

Khi được hỏi về cái Tết sắp đến, cô thành thật: “Mình chưa hề nghĩ đến sẽ mua gì cho Tết này, sống được đến tết là tốt lắm rồi. Bây giờ, bữa ăn từng ngày mình phải lo thì lấy đâu ra tiền mà mua cái gì”.

Cô không ngại ngần nói về những cái tết năm trước của gia đình, với sự thiếu thốn đủ bề và cũng nhiều cay đắng khi có nhiều khoản nợ cần chi trả, những cái tết không còn tiền mua lá, mua gạo về gói bánh chưng… “Đã từng hi vọng, đi làm thì giúp được bố mẹ, sẽ sắm một cái Tết đủ đầy như nhà người ta nhưng mình không thể làm được năm nay. Sang năm cố gắng vậy”, cô nói đầy nuối tiếc.

Khổng Chiêm