Hơn 1,6 tỷ USD giá trị cổ phiếu bốc hơi trong phiên 21/2 không phải là con số lớn nhất. TTCK đã chứng kiến gần 4 tỷ USD “không cánh mà bay” sau “sự kiện” bầu Kiên. Chứng khoán thời loạn cứ có tin đồn là mất cả tỷ USD. Đây là một sự thật đáng buồn.
Những vụ bốc hơi tỷ đô
Điểm lại trong 6 tháng qua, kể từ 21/8/2012-21/2/2013 có thể thấy có ba vụ TTCK chao đảo và mất cả tỷ USD trong chỉ 1-3 ngày.
Thống kê dữ liệu từ hai sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX) cho thấy, tổng giá trị vốn hóa thị trường trong phiên giao dịch ngày 21/02/2013 đã bốc hơi tổng cộng gần 34.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD) so với phiên liền trước.
Diễn biến tồi tệ này diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư nghe hơi nồi chõ thông tin thất thiệt chủ tịch Ngân hàng BIDV bị bắt và khả năng tăng giá xăng dầu.
Chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch giảm hơn 18 điểm xuống 476 điểm, trong khi HNX-Index giảm 5,3% (HNX30-Index đo lường 30 cổ phiếu lớn có thanh khoản cao nhất thị trường thậm chí giảm 7,23% - mức giảm mạnh nhất trong lịch sử kể từ khi HNX30-Index ra đời).
Trên thực tế tin đồn thất thiệt chủ tịch BIDV bị bắt như một chất kích động khiến hàng loạt nhà đầu tư bị tổn thương trong các thông tin lùm xùm liên quan tới hình sự trước đó, vốn đã bị tổn thương đồng loạt tháo chạy.
Tâm lý hoang mang không biết thực hư như thế nào khiến các nhà đầu tư từ tổ chức cho tới cá nhân đồng loạt xả hàng. Kinh nghiệm đã cho thấy, tháo chạy ở giá sàn đã giúp họ bớt phần thua lỗ và kết quả tệ hại cho những người hành động ngược lại.
Trước đó, ngày 2/11/2012, TTCK cũng đã có một phiên chao đảo với việc tổng vốn hóa thị trường mất khoảng 1,2 tỷ USD sau khi có tin cho biết ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Sacombank và các thành viên gia đình “bị bắt”.
Thực tế, cùng ngày ông Đặng Văn Thành chính thức rút khỏi ghế Chủ tịch Sacombank, một ngày sau khi bà Huỳnh Bích Ngọc, vợ ông Thành rút khỏi HĐQT Bourbon Tây Ninh, nhưng cho đến nay tin đồn “bắt bớ” được xác nhận là không đúng sự thật.
Mặc dù vậy, con số gần 400 mã giảm điểm và hơn 1 tỷ USD đã "không cánh mà bay" khỏi thị trường, gây thiệt hại cho không ít nhà đầu tư lớn nhỏ là một điều đáng bàn.
Không kể tới những cổ phiếu có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới gia đình ông Thành như STB, SBT, SCR, hàng loạt các cổ phiếu lớn nhỏ khác như ACB, SHB, VCG… cũng giảm giá mạnh, góp phần khiến chỉ số VN-Index mất gần 13 điểm, HNX-Index cũng mất 3%.
Trở lại vụ “bầu Kiên”, TTCK gần như không có biện pháp chống đỡ. Ba ngày sau đó, các kênh thông tin tài chính chứng khoán quốc tế lớn như Yahoo!Finance Japan, Morningstar Japan, Bloomberg… đã đồng loạt đưa tin về sự kiện hy hữu này.
Ngày 21/8/2012, tin đồn ông Nguyễn Đức Kiên - sáng lập viên của Ngân hàng. Tính tổng sau ba ngày (từ 21-23/8/2012), TTCK đã bốc hơi 3,85 tỷ USD. Chỉ số VN-Index mất 10% còn HNX-Index mất 13,4% giá trị. Đợt giảm giá này xảy ra trong bối cảnh giới đầu tư đã lao đao vì cổ phiếu giảm giá liên tục khoảng 4 tháng trước đó
Chứng khoán thời loạn
Sự cố một tin đồn thất thiệt từ trên trời rơi xuống ngày 21/2 vừa qua kéo theo đó là hàng trăm mã cổ phiếu đang từ tăng mạnh chuyển sang giảm sàn và “hút” mất 1,6 tỷ USD trên TTCK là một điều mà đa số mọi người cảm thấy bức xúc.
Trong những ngày gần đây TTCK không có nhiều thông tin hỗ trợ do những chuyển biến vĩ mô tích cực đã phản ánh vào đợt tăng giá vừa qua, trong khi nhiều thông tin về các doanh nghiệp lớn nhỏ vẫn khó khăn và Chính phủ vẫn đang xoay vần với các kế hoạch tái cơ cấu từ các tổng công ty cho tới nền kinh tế.
Sự cố hay tin đồn về một vài doanh nhân làm lung lay cả một TTCK rộng lớn là điều khiến nhiều nhà đầu tư, thậm chí cả những nhà quản lý lo ngại bởi một lẽ rất đơn giản là niềm tin vào thị trường - kênh huy động vốn dài hạn lại đứng trước thách thức sau những nỗ lực của nhiều bên liên quan.
Theo đánh giá của các trang tài chính thời điểm bầu Kiên bị bắt, hiện trạng nền kinh tế và chứng khoán Việt Nam gần giống với Nhật Bản thời kỳ những năm 1950-1960. Khi đó nền kinh tế Nhật cũng như Việt Nam, còn rất nhiều khó khăn, hệ thống ngân hàng khó kiểm soát, doanh nghiệp còn làm ăn manh mún, doanh nhân hoạt động thiếu minh bạch, gây ra rất nhiều sai phạm.
Ba vụ việc bán tháo gần đây cho thấy, vai trò quản lý dẫn dắt thị trường của các cơ quan chức năng quan trọng hơn bao giờ hết. Việc nâng cao nhận thức trong giới lãnh đạo doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về uy tín cá nhân cùng với những biện pháp thanh kiểm tra sát sao, xử phạt đúng mức có vai trò to lớn trong quá trình phát triển thị trường.
Ngày 22/2, Ủy ban Chứng khoán đã có công văn đề nghị các sở giao dịch phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán rà soát toàn bộ các giao dịch trong thời gian gần đây, đặc biệt phiên 21/2 để xử lý các hành vi tung tin đồn, đầu cơ trục lợi.
Trong phiên giao dịch đầy cảm xúc hôm 21/2, thực tế cho thấy tin đồn dường như được tung ra có hệ thống và bài bản. Ban đầu là thông tin thực PVX lỗ cả ngàn tỷ, sau đó tới tin đồn lãnh đạo BIDV bị bắt, tới buổi chiều là tin đồn xăng dầu tăng giá và một số tin đồn liên quan tới phá giá tiền đồng.
Gần đây, TTCK được kỳ vọng sẽ phục hồi và góp phần “kéo” nền kinh tế đi lên trong bối cảnh các doanh nghiệp đang đói vốn do ngân hàng thắt chặt, sàng lọc tín dụng. TTCK sẽ phát triển bền vững nếu định hướng đảm bảo tính minh bạch, công bằng… được thực hiện.
Chuyện tìm ra thủ phạm gây ra những cú sốc trên TTCK có lẽ cũng không quá khó trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển. Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ nỗ lực thật sự tới đâu.
Mạnh Hà