Từ 5-10 năm trước, dạng tin đồn liên quan đến đồng Việt Nam như đổi tiền, thu hồi tiền polymer hay phát hành tiền 1 triệu đồng đã xuất hiện, gây hoang mang cho người dân.
Thu hồi tiền polymer mới
Tháng 12/2003, ngay sau tin đồn thất thiệt về việc mất tích và bỏ trốn của cựu Tổng giám đốc ngân hàng Á Châu Phạm Văn Thiệt, trên thị trường Hà Nội lại rộ tin Ngân hàng Nhà nước sẽ thu hồi loại tiền mới đưa vào lưu thông thời kỳ đó là đồng polymer. Ngay khi thông tin nói trên xuất hiện, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng khẳng định đây là tin đồn thất thiệt, không có cơ sở.
Thời điểm tin đồn này được phát tán là lúc Ngân hàng Nhà nước vừa đưa vào lưu thông 2 mệnh giá tiền polymer mới là 50.000 đồng và 500.000 đồng, song song với những mệnh giá cũ. Cơ sở của tin đồn nói trên là việc không in năm phát hành (2003) lên các tờ tiền này. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết do năm phát hành không phải yếu tố bảo an hay quy tắc bắt buộc nên sẽ không xuất hiện trên tờ tiền. Việc thay đổi mẫu tiền, theo Ngân hàng Nhà nước, sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như độ chống giả, sự thuận tiện trong giao dịch, hoặc lượng tiền giả mà nhiều sau khi phát hành sẽ có thể thay đổi mẫu mã.
Phát hành tờ tiền 1 triệu đồng
Tin đồn Việt Nam sẽ phát hành tờ tiền mệnh giá 1 triệu đồng rộ lên vào ngày cuối năm 2009. Thời điểm đó, Việt Nam vừa trải qua một thời kỳ khó khăn với mức lạm phát dự đoán của chuyên gia có thể lên tới 20%, chính sách tiền tệ những tháng cuối năm thắt chặt, lạm phát tăng cao nên tin đồn nói trên càng có cơ sở phát tán ra công chúng. Nhiều lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia kinh tế nhận được câu hỏi về thông tin này. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã chính thức khẳng định mệnh giá tiền lớn nhất vẫn là 500.000 đồng và tin đồn sẽ phát hành tiền 1 triệu đồng là vô căn cứ.
Hai năm sau, những tháng đầu năm 2011, trên một diễn đàn về tài chính cũng xuất hiện tin đồn liên quan đến tờ tiền 1 triệu đồng. Mục đích của người tung tin, theo điều tra từ phía cơ quan công an, là để gây hoang mang tâm lý nhà đầu tư lợi dụng mua cổ phiếu giá rẻ. Thời kỳ đó, Chính phủ và các bộ ngành vẫn đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. So với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI)- một chỉ tiêu kinh tế để đo lạm phát cả năm của 3 tháng đầu năm 2011 đã tăng 6,12%. Ngân hàng Nhà nước đã chính thức vào cuộc và khẳng định thông tin sắp phát hành tiền 1 triệu đồng là tin đồn vô căn cứ, có mục đích xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người dân, gây bất ổn thị trường và an toàn kinh tế xã hội. Cơ sở để tin đồn này xuất hiện là 4 lần phá giá tiền đồng Việt Nam trong vòng hơn 1 năm.
Tin đồn sẽ thu hồi tiền polymer mệnh giá 50.000 đồng ngay khi mới phát hành năm 2003 do trên tờ tiền không in năm phát hành khiến thị trường xôn xao và Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức phải lên tiếng bác bỏ |
Việt Nam đổi tiền lần thứ tư
Cuối năm 2010, tin đồn Việt Nam sẽ đổi tiền khiến cho giá vàng và đôla Mỹ ở thị trường trong nước tăng mạnh. Thời kỳ đó, giá vàng trong nước dao động trong khoảng trên 37 triệu đồng. Còn với tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát bắt đầu tăng lên, càng khiến cho tin đồn nói trên “dựa hơi” phát tán rộng rãi. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ là ông Lê Đức Thúy đã phải lên tiếng khẳng định không đổi tiền mà sẽ bổ sung tiền mới vào lưu thông.
Kể từ sau năm 1975, Việt Nam đã tiến hành 3 lần đổi tiền: một vào ngày 2/9/1975, lần thứ hai là ngày 3/5/1978 và lần thứ ba là 4/9/1985.
Tiền 2.000 đồng seri 70 đổi được 70.000 đồng
Không có độ “phủ sóng” rộng rãi như những tin đồn thất thiệt bên trên, thậm chí, tính xác thực còn thấp hơn so với những tin đồn cùng loại, song việc tung tin tiền cotton 2.000 đồng seri đuôi 70 đổi được 70.000 đồng cũng khiến không ít người dân tỉnh Bạc Liêu hoang mang. Nội dung tin đồn này là những ai có tiền 2.000 đồng seri 70 đem đến công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết Bạc Liêu đổi sẽ được trả 70.000 đồng (gấp 35 lần).
Tuy nhiên, đích thân Tổng giám đốc công ty xổ số Bạc Liêu đã bác bỏ thông tin này và cho rằng đó chỉ là thông tin thất thiệt, mang tính chất lừa đảo. Những kẻ tung tin đồn này nhận đổi tờ tiền 2.000 đồng seri 70 cho người dân với giá 20.000 đồng và cho biết nếu đem đến công ty xổ số đổi thì sẽ được 70.000 đồng (lời 50.000 đồng/tờ).
Về cơ chế xuất hiện tin đồn, theo lời một số chuyên gia, là do tính minh bạch của thông tin trên thị trường còn hạn chế cũng như tâm lý của nhà đầu tư, người dân Việt Nam còn chưa vững vàng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có biến động.
(Theo Infonet)