Giá vàng đang theo chiều hướng cả nhà nước và người dân mong muốn là thu dẹp khoảng cách giá trong nước sát giá thế giới. Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp có những động thái khiến cả thị trường rung động. 

NHNN đã ký hợp đồng gia công vàng miếng với SJC và chạy thử phiên đấu thầu vàng đầu tiên. Đây là những bước chuẩn bị để bán vàng, trực tiếp can thiệp vào cung cầu nhằm bình ổn thị trường ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc NHNN trực tiếp mua bán vàng miếng.

Lãnh đạo NHNN tiết lộ, hàng loạt văn bản quy định, hướng dẫn khác cũng đã được chuẩn bị để tạo ra một cơ chế đẩy đủ để có thể can thiệp vào thị trường một cách hiệu quả nhất.

Một nguồn tin từ NHNN cũng tiết lộ cho biết, một lượng vàng từ dữ trự quốc gia đã được điểu chuyển để chuẩn bị để bán ra thông qua các phiên đấu thầu. Đồng thời một lượng ngoại tệ đủ lớn cũng đã được chuẩn bị cho NHNN thực thị nhiệm vụ của mình.

Liền trước đó, NHNN đã đồng ý cho các NH thương mại thực hiện tạm xuất tái nhập vàng, thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC để trả lại cho người dân, đẩy nhanh việc tất toán huy động và cho vay vàng. Dự kiến, chỉ trong vòng tháng 3 sẽ có khoảng 9 tấn vàng sẽ được chuyển đổi thông qua hình thức này.


Trước những diễn biến này, một tay buôn vàng lâu năm, lãnh đạo DN kinh doanh vàng số 1 ở Việt Nam - ông Lê Hùng Dũng đã phải thừa nhận: Những diễn biến này cho thấy NHNN “đã nói là làm” và đã có đủ mọi điều kiện đánh mạnh vào chênh lệch giá vàng. Với kinh nghiệm qua nhiều cơn sóng gió của thi trường, ông này dự báo, chỉ trong vòng một tuần thì giá vàng trong nước sẽ về sát với giá thế giới.

Dường như thị trường cũng nhận thấy sức ép này nên chỉ qua một đêm, giá vàng đã giảm hơn 1 triệu. Những ngày tiếp theo, giá vàng vẫn tiếp tục giảm mạnh có thời điểm xuống thấp nhất trong vòng hơn nửa năm qua. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có lúc đã thu hẹp xuống còn hơn 2 triệu đồng.

Sức ép từ động thái chính sách và nhất là sức ép từ chính thị trường khiến dân chơi vàng nhận ra rằng, thị trường sẽ có diễn biến rất nhanh khiến họ có thể bị thua lỗ. Bài học mới nhất từ việc chuyển đổi hệ thống kinh doanh vàng khiến cho họ cảm thấy sức ép đang đến rất gần. Mới chỉ là những động thái chuẩn bị đã khiến giá rung lắc mạnh, đến khi lượng vàng vật chất của NHNN bung ra cộng với hơn 9 tấn vàng chuyển đổi từ các ngân hàng sẽ tạo ra một nguồn cung mà như ông Dũng nói: “không thị trường nào chịu nổi” thì buộc chênh lệch giá sẽ giảm.

Cảm nhận được nguy cơ nguy cơ, chính dân đầu cơ là những người đầu tiên xếp hàng đi bán vàng trong mấy ngày qua. Nhưng bán được vàng lúc này cũng đã chuốc lấy thua thiệt khi mua vàng ở thời điểm khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới chênh đến 4 -5 triệu đồng.

Những nguyên nhân giá vàng chênh lệch cao, những cảnh báo rủi ro đã được NHNN, các chuyên gia và DN buôn vàng đưa ra. Thậm chí, khi quyết tâm bình ổn thị trường, NHNN đã công khai toàn bộ các mục tiêu, chính sách điều hành cho đến các bước thực thi cụ thể từ rất sớm một cách nhất quán để định hướng cho toàn thị trường, tránh những đồn đoàn và kỳ vọng sai lệch gây bất ổn.


Nhưng lạ thay, dân mua và buôn vàng có vẻ không tin và không muốn tin việc giảm giá vàng có thể về sát với giá thế giới nên đa số vẫn bỏ qua mọi cảnh báo và không ít người vẫn đầu cơ và kinh doanh trên kỳ vọng chênh lệch giá cao. Và cho đến nay, khi đối mặt với thực tế giá vàng giảm thì họ mới giật mình.

Chuyện không tin, không muốn tin rồi chuốc lấy thiệt hại đã từng xảy ra trên chính thị trường vàng. Gần hai năm trước, NHNN đã phát lệnh yêu cầu chấm dứt huy động và cho vay vàng của các TCTD. Nhưng trong gần cả năm đầu, yêu cầu đó không được mấy ai quan tâm thực hiện. Thậm chí, khi gặp khó khăn về nguồn vốn và thanh khoản các NH còn đẩy mạnh huy động vàng.

Điều này khiến cho việc tất toán vàng của các NH không theo đúng kế hoạch và phải gia hạn thêm nhiều lần. Tuy nhiên, từ đầu 2012, việc tất toán vàng đã được yêu cầu thực hiện gắt gao. Các NH hiểu không thể coi thường nên mới cấp tấp thực thi. Và trả giá cho việc này là không ít ngân hàng đã chuốc lấy khoản thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng vì cố đánh đu với vàng.

Một tình huống khác cũng đã xảy ra với tỷ giá. Cuối 2011cho đến 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ít nhất đã hai lần chủ động cam kết ổn định tỷ giá. Thậm chí nói rõ trước về mức điều chỉnh tỷ giá có thể xảy ra để định hướng và tạo bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, cái bệnh cảnh báo không nghe, nói không tin nên nhiều người vẫn kỳ vọng vào biến động tỷ giá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy họ đã sai và không ít người đã thất vọng, chấp nhận thua trong ván bài tỷ giá. Tình huống này khiến cho lãnh đạo NHNN đã phải thốt lên: Thống đốc cam kết mà sao vẫn không tin.

Theo các chuyên gia, thành tựu đáng kể nhất điều hành tiền tệ thời gian qua không nằm ở giảm lãi suất, ổ định tỷ giá mà sự thay đổi trong cách điều hành. Đó chính là việc chủ động và công khai sớm và minh bạch các định hướng, mục tiêu và biện phá điều hành cho toàn thị trường rồi kiên trì theo đuổi các mục tiêu đề ra. Điều này tạo ra định hướng rõ ràng, tránh những kỳ vọng không đáng có, ổn định cho thị trường.

Tuy nhiên, dường như ở Việt Nam lại chưa không quen với điều đó. Nên mới xảy ra chuyện, nói nhưng không tin, cảnh báo không nghe nhưng đến khi thất bại và thua lỗ mới kêu ca và tìn cánh đổ lỗi.

Nhưng trong thị trường, đã chơi thì phải chịu. Nói về thua lỗ vàng ngàn tỷ của các NH, các chuyên gia cũng sòng phẳng, thua lỗ thì kêu ca nhưng khi họ kiếm tiền ngàn tỷ thì không thấy ai liên tiếng. Mọi người phải chịu trách nhiệm trước quyết định kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, việc mất niềm tin vào các chính sách có phần do sự thiếu nhất quán và bất ổn trong điều hành đã từng xảy ra. Vì thế, để lấy lại niềm tin, cơ quan quản lý cần tiếp tục kiên trì và mạnh mẽ để tạo ra một phong cách điều hành và thực thi các chính sách mới. Nói là làm và có làm đúng như nói mới tạo được niềm tin của cho thị trường.

Lê Khắc