Dù rau an toàn (RAT) được bày bán và quảng bá ở khá nhiều nơi nhưng người tiêu dùng (NTD) vẫn còn ngờ vực, khó nhận biết thật giả bởi chưa có cơ sở kiểm chứng. 

Theo kết quả điều tra ý kiến của NTD về RAT và rau hữu cơ của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tại 6 tỉnh thành phố phía Bắc (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình) thực hiện từ năm 2011 - 2013 cho thấy: gần 90% NTD nhận thức RAT có ảnh hưởng tốt đến sức khỏe, nhưng cũng có đến hơn 90% NTD được hỏi không thể nhận biết được giữa RAT và rau không an toàn, và chỉ có 5% NTD là có thể nhận biết được RAT bằng mắt thường.

Đồng quan điểm về chuyện khó có thể nhận biết được RAT bằng mắt thường, bác Nguyễn Thanh Nhàn ở đường Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Đi chợ thấy các quầy sạp có treo biển bán rau an toàn nhưng hỏi tới giấy chứng nhận thì họ đều lắc đầu không có, chỉ giải thích rau được nhập từ các vùng trồng RAT lớn ở Hà Nội.Trong khi đó, bằng mắt thường làm sao người mua có thể phân biệt được giữa rau thường và RAT”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho biết, nhiều người tiêu dùng vẫn bị nhầm lẫn giữa rau sạch và RAT.

Rau an toàn và không an toàn vẫn được trồng xen nhau.

Trong khi người tiêu dùng vẫn còn mập mờ về cách nhận biết rau an toàn, thiếu thông tin về các điểm bán RAT thì việc quản lý trong toàn bộ quá trình từ sản xuất, chăm bón… tới tiêu thụ vẫn chủ yếu dựa vào niềm tin, độ thành thật của người trồng, người bán khiến không ít người tiêu dùng tỏ ra e ngại và đặt ra câu hỏi liệu RAT mình mua có thật sự an toàn, đúng theo tiêu chuẩn quy định không?\

Khảo sát tại vùng tập kết (chợ bán buôn) rau an toàn Vân Nội (Đông Anh) không còn thấy xuất hiện những chiếc thẻ chứng nhận được cấp cho những hộ dân trồng rau đeo khi đi bán nữa.

Người dân ở đây cũng không dám nhận đây là chợ rau an toàn những cái lắc đầu của những người nông dân trồng rau trong vùng. Một phần vì nguyên do không chỉ có rau được trồng tại xã Vân Nội mà các xã lân cận khác cũng đem về đây bán.

Phần còn lại, theo những người trồng rau trong vùng, không phải nhà nào cũng trồng RAT nhưng cả rau không an toàn và an toàn trồng tại xã Vân Nội thì đều được đem ra chợ này bán xuất buôn cho các thương lái chở về các chợ đầu mối ở nội thành bán.

Một người dân bán rau tại chợ này cho biết, rau bán ngoài chợ không phải tất cả đều là rau an toàn. Ở đây, loại nào cũng có, những người trồng rau ở xã khác cũng đem về chợ này bán khá nhiều. Người mua lẻ, ai may mắn thì mua được thôi bởi nhìn bằng mắt thường rau nào cũng giống nhau cả.

Trong khi đó, ngay tại vùng trồng rau thì ranh giới giữa RAT và không an toàn còn hết sức mong manh. Anh Trần Văn Thảo, một hộ trồng rau tại xã Vân Nội cho biết, kỹ thuật trồng rau an toàn nhìn chung không khác rau thường là mấy, chỉ khác ở chỗ RAT hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật hơn, đặc biệt không được sử dụng trong thời gian chuẩn bị cho thu hoạch.

“Tuy nhiên, trong vùng ruộng trồng rau an toàn nằm cạnh ruộng trồng rau không an toàn mà khi thu hoạch rồi đem ra chợ bán lại được cào bằng giống nhau. Còn quá trình trồng, chăm bón… do dân tự làm nên rau có đạt độ an toàn hay không còn phụ thuộc vào lương tâm của những người trồng rau chứ cơ quan chức năng cũng không phải kiểm tra được hàng ngày”, anh Thảo cho hay.

Ông Nguyễn Trần Khánh đại diện cho Chi cục bảo vệ thực vật Phú Thọ (nơi đang thực hiện dự án trồng RAT và rau hữu cơ) cho biết, hiện chúng tôi đang quản lý người trồng rau bằng hình thức cấp thẻ chứng nhận cho các hộ đạt tiêu chuẩn, thực hiện thanh kiểm tra quy trình sản xuất. Tại vùng trồng RAT trên địa bàn Tân Đức (Việt Trì) mới có 96 hộ đạt tiêu chuẩn trong tổng số 263 hộ sản xuất và gần 100 hộ chưa tham gia.

Bảo Hân