Nếu sử dụng dữ liệu giai đoạn 1990-2010 thay vì 2001-2007 như World Bank, Việt Nam chỉ kém Thái Lan 17 năm thay vì 95 năm, kém Singapore 45 năm thay vì 158 năm.
Một báo cáo của trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2009 đã được các báo trích dẫn với câu chuyện Việt Nam tụt hậu về tăng trưởng kinh tế so với các nước trong khu vực nay lại được khơi dậy. Báo cáo này đánh giá GDP Việt Nam giảm nếu tính theo tỷ lệ so với Trung Quốc.
Trong một báo cáo tương tự về Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.
Đây có phải là một góc nhìn công bằng cho Việt Nam?
WB sử dụng giai đoạn từ 2001-2007 để giả định về tốc độ tăng trưởng tương lai của Việt Nam và một số nước như Indonesia, Singapore, Thái Lan... Tuy nhiên, Việt Nam đã mở cửa kinh tế từ những năm 1986, đồng thời các nước trong khu vực đã có nền kinh tế thị trường từ hàng chục năm trước đó. Vì vậy việc sử dụng một quãng thời gian ngắn như vậy là chưa thực sự hợp lý.
Tuy nhiên, với khu vực có nền kinh tế đang phát triển và non trẻ như Đông Nam Á, cần so sánh ở một khoảng thời gian dài hơn để có cái nhìn công bằng và ổn định cho các nước.
Nếu tính từ năm 1990 tới năm 2010, khoảng thời gian 20 năm với 2 cuộc khủng hoảng lớn và cuộc khủng hoảng gần đây còn chưa có dấu hiệu kết thúc, thì nền kinh tế khu vực đã có những bước tiến đang kể.
Tính theo giá đô la Mỹ hiện tại, trong 20 năm từ 1990 tới 2010, GDP bình quân đầu người của Singapore đã tăng từ 11.841 USD, lên 41.987 USD. Indonesia tăng từ 620 USD lên 2.951 USD. Với nền kinh tế Việt Nam, GDP bình quân đầu người đã tăng từ 98 USD năm 1990 lên 1.224 USD năm 2010. Một nước khác trong khu vực là Thái Lan đã có GDP bình quân năm 2010 là 4.613 USD trong khi năm 1990 chỉ ở mức 1.495 USD.
Nguồn: WorldBank/CafeF, Đơn vị: USD |
Như vậy, trong 4 nước trên, tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân đầu người mạnh nhất là Việt Nam khi tăng tới gần 12,5 lần, trong khi Indonesia chỉ 4,8 lần, Singapore và Thái Lan lần lượt tăng trưởng 3,6 và 3,1 lần trong thời kỳ 1990 tới 2010.
Nếu sử dụng dữ liệu của giai đoạn 1990-2010, chỉ cần chưa tới 17 năm nữa GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ vượt Indonesia và Thái Lan. Và hơn 45 năm nữa, chứ không phải 158 năm, chỉ số này của Việt Nam sẽ vượt Singapore để tăng lên mức 1,192 triệu USD.
Việc sử dụng giai đoạn 20 năm 1990-2010 cho góc nhìn rõ ràng và chính xác hơn trong một thời gian ngắn chỉ 7 năm (2001-2007). Trong giai đoạn này, các nước Đông Nam Á đã vượt qua gần trọn 3 cuộc khủng hoảng: ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế Nhật Bản và chứng khoán Mỹ, khủng hoảng kinh tế năm 1997 và cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay bắt đầu tư 2008.
Trong mỗi cuộc khủng hoảng mỗi nước có lợi thế và ảnh hưởng khác nhau, vì vậy cách họ vượt lên khủng hoảng cũng chính là một yếu tố quyết định sự tăng trưởng hơn kém trong khu vực.
Trong giai đoạn 2011-2020 theo dự thảo Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội quốc gia, Việt Nam sẽ tăng GDP bình quân đầu người theo giá so sánh thực tế lên 2,2 lần, tương đương gần 3000 USD. Mức tăng này tương đối thấp so với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 1990-2020.
Theo một báo cáo của Đại học Harvard, Việt Nam sẽ phải đối mặt và giải quyết những khủng hoảng về Giáo dục, tài chính, cũng như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước với quốc tế trong giai đoạn 2011-2020. Nếu không giải quyết được các vấn đề trên, Việt Nam khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh như giai đoạn 1990-2010.
Điều quan trọng hơn hết, đó là tốc độ phát triển GDP dù ở mức nhanh, tuy nhiên nếu không bền vững và ổn định thì dù có đuổi kịp các nước bạn, chúng ta cũng lại sớm quay về vị trí chót bảng trong nền kinh tế khu vực.
(Theo CafeF)