Nếu đằng nào cũng phải cứu ngân hàng, thì cứ cứu luôn đi rồi còn làm việc khác.

Các tin liên quan

DN nhà đất 'thách đấu' trực tiếp với Alan Phan

Alan Phan “né” trả lời, xin dừng tranh luận

Động chạm quyền lợi, DN nhà đất ‘bật lại’ chuyên gia


TS. Alan Phan gần đây nổi tiếng với những liều thuốc sốc để giải quyết bong bóng bất động sản và các hệ lụy của nó đối với hệ thống ngân hàng. Theo ông cứ để giá bất động sản rớt thêm 30-50% nữa, cứ để một nửa số ngân hàng phá sản và giới quan chức cứ đừng làm gì cả và kéo nhau đi “nghỉ mát” là nền kinh tế sẽ khởi sắc.

Ông có ví những việc trên cũng khó khăn như “nuốt sống một con cóc xấu xí”, và cách tốt nhất là ‘nhắm mắt bịt mũi mà nuốt ngay vào sáng sớm, để còn thì giờ làm việc khác”. Ông nói thêm: “Ngồi nhìn nó suốt ngày sẽ không làm con cóc đẹp hơn hay ngon hơn.”

Trong con mắt của Alan Phan, có lẽ những thứ như chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng hay mua lại nợ xấu qua Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đều là tung tiền cứu nguy cho các “xác chết biết đi” (zombie), và về lâu dài sẽ cản trở sự phát triển của xã hội.

Có lẽ, với Alan, chấp nhận những giải pháp kể trên cũng y hệt như “nuốt sống một con cóc xấu xí”. Thế thì người viết cũng mạn phép khuyên ông, nên “nhắm mắt bịt mũi mà nuốt ngay vào sáng sớm, để còn thì giờ làm việc khác”.

{keywords}

“Không phải xấu, mà là cực xấu”

Chính thức mà nói, tỷ lệ nợ xấu vừa mới giảm từ 8,8% vào giữa năm ngoái xuống chỉ còn 6% (tức khoảng 179.000 tỷ). Các con số trên đều chưa gần với sự thật.

Theo tiết lộ của “một quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)” với nhà báo Hải Lý của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 260.000 tỷ đồng nợ xấu đã được cơ cấu lại và biến thành nợ tốt nhờ Quyết định 780 do NHNN ban hành hồi giữa năm ngoái.

Như vậy trong trường hợp không “cơ cấu lại”, nợ xấu là 439.000 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng dư nợ. “Đây mới là sự thật của nợ xấu!”, Hải Lý viết.

Số nợ xấu do Hải Lý tính toán dựa trên hai giả định. Thứ nhất, nợ xấu-biến-thành-tốt nhờ QĐ 780 không tăng kể từ đầu quý IV năm ngoái tới nay. Thứ hai, số nợ xấu theo kết quả giám sát của NHNN đã phản ánh toàn bộ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Tiếc là cả hai giả định ấy đều có vẻ tương đối lạc quan, nói cách khác, số nợ xấu thực sự có thể còn lớn hơn con số 439.000 tỷ đồng kể trên.

Tình hình tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ở trong trạng thái rất bi đát và nếu thiếu có sự can thiệp kịp thời, hậu quả là khôn lường. Nhiều người nhắc đến thất nghiệp, đến an sinh xã hội, nhưng cái đáng sợ hơn cả là sự sụp đổ của toàn hệ thống.

Riêng thị trường sẽ không cứu được chúng ta

Alan Phan không phải người đầu tiên kê đơn thuốc “thị trường” để giải quyết khủng hoảng. Ở trong chính pháo đài của thị trường tự do, Hoa Kỳ, cũng có vài lần người ta “thử thuốc” rồi.

Thời Đại suy thoái 1930, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) kê cao gối ngủ với tâm lý rồi một ngày “thị trường sẽ cứu chúng ta”. Chẳng có thị trường nào cả, kinh tế Mỹ vẫn bi đát suốt 10 năm sau đó. Có cái gì đó hơi mỉa mai, nhưng chính Hitler và Thế chiến thứ hai là thứ khiến kinh tế Mỹ hồi phục khi chính phủ Roosevelt buộc phải chi tiêu ồ ạt cho chiến tranh.

Sau khi dành gần như cả đời nghiên cứu Đại suy thoái 1930, Chủ tịch FED Ben Bernanke đã kết luận việc ngồi im không can thiệp là sai lầm lớn của FED.

Bài học ấy có lẽ nước Mỹ chỉ học một cách ‘ngập ngừng’. Thực vậy, dù hiểu phải ra tay cứu ngân hàng và thực tế đã cứu lần lượt từ Bear Sterns, Fannie Mae tới Freddie Mac (toàn các công ty tư nhân), nhưng Bộ Tài chính Mỹ không chịu nổi sức ép từ Quốc hội và bỏ mặc cho Lehman Brothers sụp đổ.

Chứng kiến sự hoảng loạn sau đó, chính giới Mỹ không còn dám để bất kỳ một tổ chức tài chính lớn nào sụp đổ nữa vì chi phí khắc phục hậu quả quá lớn, thà cứu từ đầu còn hơn (dù có phải bỏ tiền thật từ ngân sách để cứu Citigroup và AIG).

Bài học Lehman vẫn sống động trong tâm trí giới lãnh đạo Châu Âu, chẳng thế mà ngay cả một nền kinh tế chỉ chiếm có 0,2% GDP khu vực eurozone như CH Síp, họ vẫn không dám “cho phá sản”.

Tâm lý người Việt yếu ớt và thông tin trên thị trường Việt nhiễu loạn hơn nhiều so với Mỹ và Châu Âu, nếu ở cương vị ra quyết định, ắt ít ai muốn “thử xem thế nào” trong cái cảnh huống hiện tại.

Nếu không để các NHTM “từ từ đối diện với những sai lầm của mình” mà cứ muốn họ “đối diện luôn”, thì người phải “đối diện” tiếp theo sẽ là chính chúng ta. Đòi ngay lập tức tính sổ với giới ngân hàng là mất bình tĩnh và thiếu sáng suốt.

Hãy cứu sống chúng, và bắt chúng kéo cày trả nợ cho ta

Nếu cứu sống hệ thống tài chính đã là điều bắt buộc phải làm, thì tốt nhất không nên dồn sức để tranh cãi xem có nên làm hay không mà hãy cứ làm đi, và bắt giới tài chính trả một cái giá thật đắt.

Trong dài hạn Việt Nam cần một hệ thống quy định mới đủ khả năng đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động vừa an toàn, vừa hiệu quả. Giới tài chính sẽ phản đối kịch liệt một hệ thống như thế, đơn giản vì nó làm họ khó kiếm lời hơn.

Nếu sóng yên biển lặng, sức mạnh của nhóm lợi ích ngân hàng là quá lớn và khó ai có thể buộc họ phải cúi đầu. Thế thì tại sao không tận dụng làn sóng giận dữ của công luận hiện nay để buộc họ phải chấp nhận một hệ thống quy định như thế? Hãy đặt lên bàn cả gói cứu trợ lẫn hệ thống quy định mới và nói với giới ngân hàng: “Hoặc anh lấy cả hai, hoặc anh chẳng có gì cả”.

Xây dựng một hệ thống quy định như thế mất nhiều công sức và rất tốn thời gian, từ viết ra luật cho tới bảo vệ nó trước đủ chiêu vận động của giới tài chính.

Tại sao chúng ta không nuốt luôn con cóc xấu xí mang tên giải cứu ngân hàng, và tập trung vào những việc nhiều ý nghĩa hơn trong dài hạn, thay vì cứ ngắm nghía và tranh luận những chuyện vốn không thể khác. Nuốt luôn con cóc đi, ông Alan à …

(Theo Cafe F)