Ngày 5-4, tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, nhiều doanh nghiệp (DN) khẳng định đã vay được vốn ngắn hạn với mức 8%-9%. Tuy nhiên, lãi suất dài hạn vẫn còn cao.

Các tin liên quan

Bỏ trần lãi suất: Đã đến lúc?

Rối bời lãi suất mới

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động

Huy động vốn của TP.HCM tăng

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, tổng huy động vốn tại TP.HCM tính đến đầu tháng 3 đạt 1.011 ngàn tỉ, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, tổng dư nợ tín dụng tính đến đầu tháng 3 lại đạt 850,8 ngàn tỉ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Còn ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, khẳng định xu hướng chuyển dịch gửi tiết kiệm bằng USD đang giảm, trong khi VND thì tăng. Cụ thể, đến 31-3 tiền gửi VND tăng 3,28%, tiền gửi ngoại tệ giảm 1,1% so với cuối năm 2012. Tổng tiền gửi tiết kiệm tăng tới 9,2% so với cuối năm 2012 và chiếm gần 54% tổng nguồn vốn huy động.

Đáng lưu ý là các ngân hàng thương mại tại TP.HCM đã cho khoảng 22.300 khách hàng vay theo năm nhóm lĩnh vực ưu tiên (đến 21-3), tăng 92% so với thời điểm bắt đầu thực hiện hồi tháng 7-2012.

{keywords}
Xu hướng gửi tiết kiệm bằng VND đang tăng so với cuối năm 2012 (ảnh LĐ).

Về các khoản vay cũ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay đã được đưa về dưới 15% chiếm đến 84% cả nước, nghĩa là các khoản vay cũ cao chỉ còn xấp xỉ 16%. “Năm nay, lạm phát có thể kiểm soát dưới 7% và lãi suất cho vay quanh mức 10%. Hiện chỉ còn hai khoản phải chịu lãi suất cao là một số lĩnh vực trong bất động sản và vay tiêu dùng” - ông Bình nói.

Đặc biệt, theo thống đốc, hiện nay hộ nông dân cũng có thể vay tín chấp lên đến 200 triệu đồng, hợp tác xã được vay tới 500 triệu đồng… cho thấy chỉ cần dự án tốt, ngân hàng sẵn sàng cho vay tín chấp chứ không cần thế chấp. “Chúng ta không thiếu tiền để phục vụ sản xuất, kinh doanh” - thống đốc khẳng định.

DN muốn lãi suất giảm tiếp

Thế nhưng cũng tại hội nghị, nhiều DN cho biết vẫn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng dù là một đơn vị kinh doanh tốt, đơn cử là trường hợp của Công ty Cổ phần Hùng Vương. “Các ngân hàng đang có mặt đầy đủ ở đây, vấn đề nào giải quyết được chúng tôi sẽ giải quyết ngay” - ông Bình đáp.

Đại diện Công ty Hùng Vương cho biết tổng số vốn DN bỏ ra là 3.400 tỉ đồng, vốn vay từ các ngân hàng cũng khoảng 3.400 tỉ đồng. Dòng vốn này là vốn lưu động, trong khi vòng quay đầu tư vào cá tra mất đến chín tháng nhưng ngân hàng chỉ cho vay trong bốn tháng. Điều này gây khó khăn cho DN. Trong số 3.400 tỉ đồng, DN vay Vietcombank 1.500 tỉ đồng với mức lãi suất 9,5%, 400 tỉ đồng vay của BIDV, phần còn lại là tín chấp của một số ngân hàng khác.

Trước hết, theo thống đốc, mức lãi suất DN được vay là hợp lý. Riêng về thời hạn vay vốn, trong cơ chế tín dụng của NHNN, thời hạn cho vay vốn lưu động là hơn 364 ngày sao DN chỉ vay trong bốn tháng? Bởi thế các bên cần cùng xem lại khúc mắc chính nằm ở đâu để giải quyết triệt để.

Còn ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Công ty Thép Việt, kiến nghị mong muốn mức lãi suất dài hạn giảm xuống dưới 10%, mức lãi suất dài hạn DN đang vay là 13%.

Về vấn đề này, thống đốc cho biết: “Nếu lãi suất cho vay xuống thấp thì lãi suất đầu vào phải giảm nữa. Mà muốn lãi suất đầu vào giảm lại phụ thuộc vào lạm phát. Trong khi DN thấy đang mùa bán rồi tăng giá khiến chỉ số giá cả tiêu dùng tăng lên thì sẽ làm bùng lạm phát. Muốn vậy thì phải đưa lạm phát xuống thấp hơn nữa. Vì thế, việc bình ổn giá cũng là chuyện của DN. Chứ thấy mùa này hàng bán chạy lại tăng giá lên thì không được. Đó là kiểu ăn xổi ở thì, không bền vững”.

(Theo Pháp luật TP.HCM)