Nhiều gia đình luôn trong tình trạng làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Mỗi khi dư được vài trăm nghìn lại tặc lưỡi “tiết kiệm thế chả bõ bèn gì”.

Các tin liên quan

Tiết kiệm, khách đổ dồn mua điện lạnh bình dân

Khó khăn, mẹ trẻ cho ô sin nghỉ vô thời hạn

Khó khăn: Xoay đủ nghề vẫn đói

Tích lũy phòng thân

Chị Thu Nga (Đăng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, nhiều lần lên kế hoạch tiết kiệm rất chi tiết song tháng nào thu - chi cũng gần như tương đương. Cuối tháng rồi dư ra được 500.000 đồng, định để dành mà chị cảm thấy xấu hổ: số tiền này có bỏ bèn gì, gom đến bao giờ mới được khoản kha khá đây?.

Cùng tâm lý như chị Nga, nhiều chị em phụ nữ từng "hạ quyết tâm" mỗi tháng dù ít, dù nhiều cũng phải để dành một khoản. Nhưng rồi lại bỏ cuộc sau vài tháng do số tiền dư ra quá ít.

Chị Ngọc Bích, Ngõ 80 Chùa Láng - Hà Nội kể lương hai vợ chồng 14 triệu/tháng. Nhà có con nhỏ nên tháng nào cũng tiêu hết veo. Thi thoảng có khoản thêm mới dư ra được 1-2 triệu nhưng lại hứng chí lại mua cho chồng cái áo sơ mi, mua cho mình cái váy mới thế là quỹ tiết kiệm hết vèo.

{keywords}
“Kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ” - phương châm để chị em cố gắng tiết kiệm.

“Mấy tháng trước, mình quyết tâm mỗi tháng để ra 1 triệu và cố gắng không động vào. Song một hôm, mình thấy mấy chị cùng cơ quan nói có người một năm để được cả trăm triệu, thậm chí vài trăm triệu. Nghĩ đến khoản tiết kiệm 3 triệu ít ỏi của mình thấy nản”.

Chủ đề tiết kiệm hàng tháng luôn được chị em bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn. Những topic như: “mỗi tháng các mẹ tiết kiệm được bao nhiêu”, “thời bão giá, các mẹ tiết kiệm thế nào” luôn cuốn hút các thành viên bàn luận và chia sẻ kinh nghiệm. Đa phần các bà mẹ đều “lên dây cót” cho nhau rằng “tích tiểu thành đại”, “kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ.”

Chị Thùy Linh, 27 tuổi ở Long Biên - Hà Nội kể, mỗi lần nản chí chị lại lên các diễn đàn để học tập kinh nghiệm và lấy lại tình thần. Trước đây, chị cũng có tư tưởng mỗi tháng tiết kiệm được chút ít thì chả bõ, nhưng sau 1 năm kiên trì thực hiện, chị thấy hiệu quả rõ rệt. Do lương thấp, hai vợ chồng chị mỗi tháng dư ra 800.000 đồng. Cương quyết không động đến số tiền này, tới cuối năm, chị có 9,6 triệu đồng. Trước đây, tiền thưởng lẻ tẻ chị nghĩ không đáng bao nên thường tiêu pha hết, nhưng từ ngày lên kế hoạch tiết kiệm, thành thử mỗi dịp 30/4-1/5, 8/3, 20/10, 2/9... dù chỉ được vài trăm nghìn nhưng cộng lại cả năm chị cũng được 3 triệu đồng. Cộng thêm khoản thưởng tết 12 triệu của hai vợ chồng, cuối năm rồi chị để ra được 25 triệu.

Chị Linh tâm sự: “Với 25 triệu, ước mơ tiết kiệm tiền mua nhà của hai vợ chồng còn xa vời. Nhưng ít nhất khi ốm đau hay có việc đột xuất, tôi cũng yên tâm hơn vì có một khoản dự phòng. Không như trước mỗi lần nhà có việc lại phải chạy ngược chạy xuôi vay mượn”.

Lập kế hoạch tài chính cho bản thân

Khác với chị em đã lập gia đình, Hồng Nhung, 25 tuổi ở Hoàng Mai - Hà Nội vẫn đang sống một mình lại hay tốn tiền mỗi lần tụ tập bạn bè, quần áo, trang điểm. Vì thế, 2 năm đầu đi làm, Nhung không có một đồng tiết kiệm phòng thân. Năm ngoái, mẹ Nhung phải lên Hà Nội để cắt khối u lhết 10 triệu mà Nhung không biết xoay ở đâu vì bạn bè ai cũng như mình cả. Cuối cùng, may có bà chị họ ở quê cho vay. Lần đó, Nhung cảm thấy rất lo lắng và xấu hổ và từ đó đến nay, ngày nào em cũng quyết tâm đút lợn 50.000 đồng để tiết kiệm và trả số tiền đã vay.

Đa số chị em đều có tâm lý tiết kiệm, vun vén cho gia đình, song trên thực tế lại chưa biết quản lý chi tiêu phù hợp. Kết quả khảo sát toàn cầu do một hàng tư vấn tài chính thực hiện năm 2012 về quản lý tài chính cá nhân cho thấy, 1/3 người dân Việt Nam không lập ngân sách gia đình. Việt Nam xếp thứ 26/28 quốc gia được khảo sát (chỉ đứng trên Indonesia và Pakistan) về số người có lập kế hoạch chi tiêu. Đánh giá cũng chỉ ra những bạn trẻ từ 18 đến 24 tuổi có xu hướng ít lập kế hoạch hơn so với những người lớn tuổi.

Nhị Anh