- Tháng 11 tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ Đề án Quỹ hưu trí bổ sung. Dù chậm hơn 5 tháng so với dự kiến (1/6), nhưng nếu được triển khai, khi về hưu, người lao động có thể nhận thêm 10 triệu đồng/tháng cùng với mức lương hưu hiện hành.

Trút bỏ gánh nặng cho con cái

Bà Phạm Thị Huyền (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) - một giáo viên cấp hai đã nghỉ hưu - cho biết, sau 32 năm đi dạy, vì lý do sức khoẻ, bà xin nghỉ hưu sớm trước 5 năm. Hiện bà Huyền nhận mức lương hưu 3,475 triệu đồng/tháng. Không may, cách đây hai năm, bà Huyền bị thần kinh thực vật, liệt nửa người, phải nằm viện điều trị 3 năm. Vì lương hưu quá thấp, không đủ trả viện phí nên bà Huyền phải cầu cứu sự trợ giúp của con cháu, họ hàng.

“Nói thật, cán bộ hưu trí như tôi sợ nhất là ốm đau, bệnh tật mà không có tiền trang trải. Do đó, khi nghe tin Nhà nước sắp triển khai thêm khoản lương hưu mới, tôi nghĩ nhiều người sẽ rất mừng” - bà Huyền nói.

Thực tế, không phải chỉ có bà Huyền mà có rất nhiều người lao động lo lắng mỗi khi về già. Về hưu, để có một mức lương đảm bảo cho cuộc sống là giấc mơ của nhiều người lao động. Trong khi đó, Luật BHXH hiện nay quy định, người lao động chỉ được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) với mức cao nhất không quá 20 tháng lương tối thiểu chung. Với quy định này, dù nhiều người mong được đóng thêm tiền để nhận lương nhiều hơn khi về hưu cũng không được chấp thuận. Do đó, việc thực hiện Quỹ hưu trí bổ sung sẽ đáp ứng được nhu cầu chính đáng này của họ.

{keywords}
Nhiều người về hưu tríi sợ nhất là ốm đau, bệnh tật mà không có tiền trang trải (ảnh minh họa)

Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, việc áp dụng Quỹ hữu trí bổ sung tại Việt Nam là cần thiết. Sỡ dĩ như vậy vì, những năm gần đây, tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên. Tuy nhiên, do điều kiện làm việc độc hại nên khi nghỉ hưu, nhiều người sức khỏe suy giảm, hay ốm đau, bệnh tật, nếu chỉ có chế độ hưu trí cơ bản hiện nay sẽ khó đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

“Việc thực hiện hưu trí bổ sung chính là nguồn để đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu, giúp họ có cuộc sống an nhàn khi về già, đồng thời không còn là gánh nặng cho con cái và xã hội” - ông Huân nói.

Lương hưu 10 triệu đồng/tháng

Trao đổi với PV, giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết, việc Bộ LĐ-TB&XH xây dựng Đề án quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ giúp người lao động có thêm sự lựa chọn, để khi về hưu, họ có cuộc sống tốt hơn. Nếu Chính phủ cho phép thực hiện hưu trí bổ sung, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ nhận được nhiều quyền lợi. Cụ thể, người lao động sẽ được hưởng một khoản lương hàng tháng trích ra từ quỹ hưu trí bổ sung cho đến cuối đời (bên cạnh chế độ hưu trí cơ bản đã được nhà nước chi trả).

{keywords}
Bảo hiểm xã hội đang lo vỡ quỹ lương hưu.

Số tiền người lao động đóng góp sẽ được chuyển vào tài khoản cá nhân của họ tại ngân hàng (do chủ doanh nghiệp lựa chọn) và sẽ tích lũy cho đến tuổi nghỉ hưu, với mức đóng từ 5-10%, mức thu nhập thực tế hằng tháng người lao động nhận được khi nghỉ hưu có thể lên tới 10 triệu đồng/tháng.

Theo bà Trần Thị Thuý Nga - Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cơ quan này đang gấp rút triển khai xây dựng Đề án để sớm trình Chính phủ vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, khi nào thí điểm và thời gian thí điểm được thực hiện trong bao lâu sẽ do Chính phủ quyết định.

Được biết, để có cơ sở triển khai Quỹ hưu trí bổ sung, từ tháng 6/2011, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức một cuộc khảo sát tại 610 doanh nghiệp ở hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM. Kết quả cho thấy, có đến hơn 70% doanh nghiệp sẵn sàng tham gia Quỹ hưu trí bổ sung; gần 63% cho rằng quỹ này sẽ tốt hơn cho đời sống người lao động khi nghỉ hưu. Trong khi đó, trên thế giới, hiện cũng đã có khoảng 80 quốc gia triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Theo dự kiến, Quỹ hưu trí bổ sung sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2012-2015), hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số doanh nghiệp; giai đoạn 2 (2015-2020), sẽ hoàn thiện khung pháp lý và mở rộng đối tượng tham gia; giai đoạn 3 (sau 2020), sẽ nghiên cứu chuyển đổi mô hình từ hình thức tự nguyện sang bắt buộc.

Lo vỡ quỹ bảo hiểm xã hội

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện xảy ra nghịch lý là lượng người đang tham gia đóng BHXH không tương xứng với lượng người thụ hưởng chính sách, đặc biệt là về lương hưu. Nếu năm 2007, trung bình 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu, năm 2011 giảm xuống còn 10 người. Do đó, quỹ BHXH đang đối mặt với nguy cơ mất cân đối trầm trọng. Dự kiến, đến năm 2037, có thể quỹ sẽ không đủ khả năng chi trả.

Trong khi đó, theo BHXH Việt Nam, hiện có tới hơn 50% đơn vị bảo hiểm trong tình trạng có tỷ lệ nợ cao hơn mức bình quân cả nước. Số nợ đọng quá lớn dẫn đến việc Quỹ đang rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa thu và chi. Trong 2 tháng đầu năm 2013, tổng mức thu bảo hiểm chỉ đạt 15.988 tỷ đồng, trong khi tổng số chi lên đến hơn 23.866 tỷ đồng, mất cân đối gần 7.900 tỷ đồng.

 Thái Hà