Sự cố mất điện toàn miền Nam càng khiến cho tình trạng thiếu điện tại khu vực này thêm trầm trọng. Thực tế này cho thấy, việc tranh cãi giữa nhu cầu năng lượng và bảo vệ môi trường là vấn đề nhạy cảm cần sự thận trọng và công bằng vì sự phát triển bền vững của kinh tế, đất nước.

Hai cái nhìn khác biệt

Liên quan đến dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, một số nhà khoa học lo ngại rằng, nếu triển khai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì tác động xấu đến môi trường Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng như nguồn nước cho hạ lưu

Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên đang làm thủ tục xem xét công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Điều gì sẽ xảy ra nếu thủy điện có thể gây ra tác động như lo ngại trên đây.

Trong khi đó, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm ở rìa phía bắc khu Cát Lộc của Vườn Quốc Cát Tiên. Toàn bộ nhà máy, đường giao thông, đường dây đấu nối, khu phụ trợ phục vụ thi công đều nằm ngoài phạm vi Vườn Quốc gia Cát Tiên, thuộc vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

{keywords}
Nơi xây thủy điện là rừng lồ ô, rừng dân trồng.

Cụ thể, hai dự án này sử dụng 136,98 ha đất thuộc khu Cát Lộc (Vườn Quốc gia Cát Tiên) để hình thành một phần lòng hồ và vai trái đập. Phạm vi sử dụng đất này là một dải hẹp, có độ dốc lớn từ 30 độ – 50 độ, dọc theo đoạn sông ranh giới phía bắc khu Cát Lộc để tạo thành một phần lòng hồ và vai trái đập. Khoảng trung bình ngập thêm tính từ mép sông ranh giới khu Cát Lộc đến mép nước dâng cao nhất về phía khu Cát Lộc là 53m. Phạm vi ngập thêm này cũng thường bị ngập trong tự nhiên vào mùa lũ khi chưa có các dự án này.

Vườn Quốc gia Cát Tiên bao gồm: khu A là Cát Lộc, khu B là Nam Cát Tiên và Tây Cát Tiên. Tuy nhiên, khu vực đề cử di sản Thiên nhiên thế giới thuộc khu B (Nam Cát Tiên và Tây Cát Tiên), không có khu Cát Lộc. Vị trí dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cách khu vực đề cử Di sản thiên nhiên thế giới là Nam Cát Tiên và Tây Cát Tiên trên 25km. Giữa dự án và khu vực đề cử di sản còn bị phân cách qua thị trấn Đồng Nai thượng - huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Vì thế, theo chủ đầu tư, hai dự án này không tác động đến môi trường sống tự nhiên nơi đây, sẽ không ảnh hưởng đến việc bảo tồn giá trị đa dạng sinh học của khu vực này.

Cũng giống như thủy điện Đồng Nai 5, Đồng Nai 8, Đồng Nai 6 và 6A là thủy điện đập dâng, tổ máy đặt ngay cạnh đập và chỉ có tác dụng hướng dòng nước vào nhà máy. Lưu lượng nước từ thượng nguồn về bao nhiêu thì được xả về hạ lưu bấy nhiêu. Vì vậy, khu vực hạ lưu không bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, tại đập còn thiết kế cửa xả đề phòng khi dưới mực nước chết không phát điện được, hoặc dừng các tổ máy bảo dưỡng, sửa chữa thì sẽ mở cửa xả này với lưu lượng 25 m3/s theo quy định dòng chảy tối thiểu để đảm bảo môi trường.

Bên cạnh đó, do địa hình hai bờ sông dốc và cột nước thấp, các hồ chứa của Đồng Nai 6 và 6A có dung tích và diện tích mặt hồ nhỏ nhất trong các thủy điện bậc thang hệ thống sông Đồng Nai. Vì vậy, vào mùa lũ do thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không có khả năng cắt lũ nên không làm giảm đi hay tăng thêm lưu lượng lũ về hạ lưu và do đó cũng không ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy và khu vực Bàu Sấu. Vì thế, vấn đề thủy điện gây tăng ngập lụt mùa lũ và thiếu nước vào mùa khô ở vùng hạ lưu là không đáng lo ngại.

Các số liệu điều tra cũng cho thấy, diện tích sử dụng đất của hai dự án Đồng Nai 6 và 6A gồm 60,68 ha xây dựng công trình, 48,70 ha sử dụng tạm thời trong thời gian xây dựng sẽ được hoàn trả, trồng lại rừng sau khi xây dựng xong, 262,85 ha là phần đất của hai hồ chứa. Như vậy, chỉ chuyển đổi một phần nhỏ diện tích đất là rừng nghèo, lồ ô và đất trống tại khu vực này.

Như thế, phương án thiết kế của hai dự án thủy điện được chọn có quy mô hồ chứa về diện tích chiếm đất và dung tích hồ là rất nhỏ và nhỏ rất nhiều lần so với các thủy điện khác.

Mong thủy điện để đổi đời

Ông Huỳnh Văn Đẩu, Bí thư huyện ủy, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng nơi đặt thủy điện 6 và 6A cho biết, đến nay Cát Tiên vẫn là huyện "trắng" về công nghiệp, hộ nghèo chiếm 12%, trong đó hộ nghèo là người dân tộc chiếm 34%, thu ngân sách mỗi năm chỉ đạt 40 tỷ đồng.

Theo ông Đẩu, thực tế, đã nhiều lần Cát Tiên mời gọi đầu tư nhưng các nhà đầu tư đến rồi một đi không trở lại, lý do là hạ tầng yếu kém, điện thiếu, đầu tư vào đây có nhiều rủi ro. Vì thế, nếu có thủy điện sẽ giúp hạ tầng phát triển tốt hơn, nâng cao đời sống, góp phần phát triển công nghiệp. Huyện cũng đã đón đầu việc xây dựng thủy điện 6 và 6A bằng việc ra một nghị quyết về chuyển đổi kinh tế, nâng tỷ lệ công nghiệp lên theo hướng phát triển công nghiệp điện, sản xuất gia công chế biến nguyên liệu.

“Tuy nhiên đợi mãi đến nay thủy điện 6 và 6A vẫn chỉ là dự án trên giấy”, ôn Đẩu băn khoăn.

{keywords}
Hồ nước thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ chiếm diện tích nhỏ hơn nhiều các thủy điện khác.

Từ thực tế địa phương, ông Đẩu cho rằng, nếu vì lợi ích kinh tế mà phá hoại môi trường là không được, ngược lại, vì môi trường mà làm kinh tế kém phát triển không nên, cũng không có chuyện cả 2 cùng tốt được, nhưng cần có sự thận trọng và cân bằng lợi ích trong điều kiện chấp nhận được.

Ông Điểu K' Gia, Chủ tịch xã Đồng Nai thượng, huyện Cát Tiên cho biết, rừng ở đây chủ yếu là cây lồ ô, gỗ bằng lăng và điều do dân trồng, không thuộc loại quý hiếm, động vật ngày càng ít thấy xuất hiện. Trong khi đó người dân ở đây chủ yếu là người dân tộc K’Ho, Châu Mạ, Stiêng… đời sống rất khó khăn. Hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn, khiến cho nông sản làm ra phải bán giá rất rẻ và thường bị thương lái ép giá.

“Có thủy điện, DN hứa sẽ đầu tư cầu qua sông thuận tiện đi lại, nông sản được giá hơn, đời sống nâng lên. Hạ tầng được quy hoạch, trường, trạm có sẽ giúp con em đồng bào dân tộc học tập tốt hơn. Chọn giữ rừng lồ ô hay phát triển thủy điện để mang lại đời sống tốt hơn cho người dân, mong các cơ quan chức năng xem xét một cách thận trọng và công bằng”, ông Điểu K' Gia nói.

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khi đi vào hoạt động sẽ cho tổng sản lượng điện hàng năm gần 1 tỷ Kwh, có thể cung cấp đủ lượng điện tiêu thụ cho 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước. Sản lượng điện này tương đương với 540.000 tấn than đá hoặc 270.000 tấn dầu mỗi năm nếu sản xuất bằng nhiệt điện, giảm được lượng phát thải khí nhà kính hàng năm là 514.000 tấn khí CO2.

Giá bán điện của các thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chỉ có 4,4 cent/Kwh, chỉ bằng 70% giá bán điện của các dự án thủy điện và nhiệt điện khác, cho khoản thu khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, trong đó đóng góp ngân sách cho nhà nước hằng năm gần 350 tỉ đồng, toàn bộ chu kỳ khai thác 40 năm là gần 15.000 tỉ đồng.

Trong thời gian xây dựng sẽ tạo ra việc làm cho hơn 6.000 lao động. Sau khi dự án hoàn thành sẽ tạo công việc cho hàng ngàn lao động tại hai nhà máy, cùng với việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản.

Hai dự án này sẽ đóng góp phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng các hoạt động dịch vụ, tạo điều kiện nâng cao đời sống cho đồng bào thiểu số K’Ho, Châu Mạ, Stiêng… nơi đây.

  Trần Thủy