Những món nhâm nhi từ khô nai, trứng cút, chả thẻ, đậu phộng luộc... qua nhiều ngày ế ẩm nổi mốc, ôi thiu được trả ngược về “lò”. Và chỉ qua vài thủ thuật “làm mới”, chúng tiếp tục trở thành mồi ngon cho dân nhậu.


TIN BÀI KHÁC


 

 

 

Đường Rạch Bùng Binh, Q.3, TP.HCM là nơi tập trung khá đông các “lò” chuyên cung cấp sỉ đậu phộng luộc, bánh phồng tôm, trứng cút, chả thẻ... cho người bán hàng rong. Đồng thời các “lò” cũng kiêm luôn vai trò tái chế những thực phẩm này sau một ngày mang đi bán không hết. Nơi đây xuất hiện la liệt chiếu đậu phộng trải bừa bãi khắp lề đường.



Bánh phồng tôm sống đã quá đát được phơi dưới đất trước khi đem đi chế biến (Ảnh: Tuổi trẻ)

 

 

 

Nhiều chiếu phơi đậu phộng, bánh phồng tôm... bị kiến, ruồi nhặng bu kín. Vài phụ nữ phơi bánh lâu lâu nhoài người ra lượm lại những mẩu bánh bị rơi xuống đường. “Họ phơi cho ráo rồi đem bán ngay bây giờ đấy. Bán không hết cứ việc về luộc lại, rửa sạch, đem phơi rồi đi bán tiếp” - một người bán nước vỉa hè ở đây cho biết.

Bất kể ôi, thiu

9g ngày 23/2, chúng tôi đến cơ sở của bà H., chủ một “lò” tái chế đồ nhậu ở đoạn đường trên, để hỏi mua hàng. Tại đây, hàng chục nhân công đang hì hục đóng gói các bịch bánh phồng tôm, trứng cút... Hàng được đặt lẫn với các thùng rác sinh hoạt cạnh nhà vệ sinh. Cơ sở của bà H. rộng chừng 30m2 nhưng vừa là nơi nấu nướng, tái chế thực phẩm đồng thời là chỗ ngủ, nhà vệ sinh.

Dưới nền nhà, nước rửa chén chảy lênh láng, lợn cợn xác bã đậu, vỏ trứng cút... Mùi hôi từ lỗ cống duy nhất phục vụ cho cả cơ sở bốc lên nồng nặc do chứa đủ loại thực phẩm nằm trong hố ga lâu ngày. Một người bưng thúng đậu rải lên các tấm bạt đặt ngay lối đi vào nhà vệ sinh, bên cạnh là các thúng đựng cơm cháy thiu, xương cá đã mốc xanh mốc đỏ.

Bà chủ phân trần rằng đậu phộng, trứng cút, chả... bán trong hai ngày là thiu, bỏ thì lỗ to nên phải nấu lại nhiều lần để bán được lâu, chỉ cần một vài “thủ thuật” đơn giản, các món nhâm nhi này lại thơm ngon, nóng hổi như hàng mới ra lò, có thể bán thêm 3-4 ngày nữa. “Hàng ở đây có đủ, từ đậu phộng luộc, đậu rang, trứng cút, xoài, chả... Các cậu cứ lấy đi bán, còn ế bao nhiêu đem về đây, tui luộc lại cho” - bà chủ bảo đảm.

Cách đó không xa là cơ sở của bà Q. cũng chuyên bán các mặt hàng này. Sân trước của bà phơi hàng ngàn bánh phồng tôm sống, đa số là hàng quá đát, nổi mốc li ti chấm đen. Bên hông của “lò” này là ba can dầu ăn không nhãn mác dùng để chiên bánh phồng tôm. Trong nhà, ba lao động mình trần trùng trục bốc từng cái bánh đã chiên bỏ vào bao. Một phụ nữ vừa làm vừa để hai chân giữa đống bánh phồng tôm còn ướt mỡ. Dọc con hẻm bên hông nhà bà Q., đậu phộng đã luộc được phơi tràn lan, không che đậy nên cũng chung cảnh ruồi bu kiến đậu.

Gần đó, “lò” sản xuất của bà T. dù khá chật hẹp cũng có đến bảy lao động chuyên tái chế trứng cút, đậu phộng, chả thẻ... Khi chúng tôi đến, các lao động này đang tay trần cho trứng cút, đậu phộng luộc vào những túi nhỏ. Những thúng đậu trước khi mang “tắm” được đặt ngay cửa nhà vệ sinh để dễ dàng chùi rửa. Một phụ nữ làm việc ở đây luôn tay xối từng gáo nước lạnh để “tắm” cho các thúng đậu, chả thẻ trôi tuột hết phần mốc trắng. Sau khi “tắm” sạch sẽ, đậu được luộc lại, đem ra phơi.



Các loại thức ăn này được tái chế ở những nơi bẩn thỉu, chật hẹp, làm bằng tay trần, người làm giẫm đạp lên thức ăn (Ảnh: Tuổi trẻ)

 

 

 

Bà T. tận tình chỉ chúng tôi cách để bán hàng “tồn kho”: “Đậu đã để 2-3 ngày bán không hết các cậu cứ luộc lại. Trước khi đem bán thì bỏ riêng ra, buộc dây thun ở bao để đánh dấu. Ai mua thì bán chúng trước cho hết hàng ế cái đã”. Còn về cách tái chế trứng cút, bà mách: “Bán không hết thì về nhà mở bao ra cho thoáng. Không phải luộc mà chỉ rang qua cho bốc hết mùi hôi”. Còn chắc ăn nhất là đưa “lò” của bà làm giúp. Hỏi bà đã có trường hợp nào ăn phải đồ thiu của “lò” bà bị trúng thực chưa, bà T. cười xòa: “Gớm! Luộc lại kỹ thế thì ăn vào đâu việc gì, chúng tôi bán hàng cũ vài năm nay rồi mà chưa thấy ai bị sao hết” (!?).

Khô bò hết đát cũng... tái chế

Tại điểm bán khô bò có tên D. chợ Bình Tây, Q.6, các loại khô mực, khô bò được đóng gói và dán thương hiệu D. Nhưng khi chúng tôi hỏi địa chỉ cơ sở sản xuất thì bà chủ cho biết hàng được lấy từ nhiều nguồn trôi nổi khác nhau. Cơ sở của bà chỉ in bao bì và đóng gói cho có “thương hiệu” thôi. “Chứ ngồi bán cả ngày ngoài chợ, thời gian đâu mà làm” - bà nói tỉnh queo. Chúng tôi thử đặt vấn đề cần mua các loại khô đã quá hạn, bà chủ bất ngờ tiết lộ: “Hàng không dùng được nữa tui để cho mối quen bán ngoài chợ trời. Muốn mua, tui chỉ ra ngoài đó lấy, bao nhiêu cũng có. Tha hồ bỏ mối cho các quán nhậu, các quán ăn bán cho học trò”(!).

Không chỉ các quầy trong chợ, ngay các cơ sở chế biến thực phẩm có đăng ký nhãn hiệu cũng vẫn tìm cách qua mặt người tiêu dùng. Chiều 24/2, chúng tôi đến cơ sở sản xuất khô bò H (đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình), bà chủ cơ sở khoe: “Hàng của tôi có đủ, xuất khẩu sang Campuchia, Lào..., giấy tờ đầy đủ cả, đảm bảo vệ sinh”. Thế nhưng cạnh bàn bà ngồi, hai lao động nữ tay không đang bốc từng vụn khô bò đóng gói.

Bà chủ khoe: “Hàng của tui được cơ quan chức năng kiểm tra và cho phép sử dụng trong vòng một năm kể từ ngày sản xuất. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết thôi”. Chúng tôi thắc mắc thì bà ta lý giải: “Người ta cấp vậy để cho mình dễ bán chứ làm gì có chuyện mấy sản phẩm kiểu này dùng trong vòng một năm mà không hư”. Bà đưa chúng tôi xem hàng mẫu ghi rõ ngày sản xuất là 30/1/2011. Khi chúng tôi phát hiện một gói khô bò loại 35 gram nổi mốc trắng, bà ấp úng: “Mấy đứa đóng gói nó nhầm đấy. Mới làm hai ngày trước mà. Còn mấy gói đó không phải mốc đâu, thịt trắng (?) cán ra nó có màu bạc bạc thế đó”. Nói xong bà sai người đem thay bao bì khác và chỉ rõ: “Ghi là ngày 20/2/2011 nghe”. Khi người này cho biết “con số 2 trong bộ số máy in bao bì bị mòn rồi” thì bà quát: “Vậy thì in ngày 19 cho tiện”.

Trong bảng báo giá mà nhân viên kế toán đưa cho chúng tôi có ghi rõ dòng chữ: “Hàng mốc bao đổi trước sáu tháng kể từ ngày sản xuất”. Bà chủ giải thích: “Nếu mua hàng thì tui phải giao kèo với các cậu. Bao ghi sử dụng trong vòng một năm nhưng không có lấy cái đó mà bắt đền tui. Hàng các cậu mua trong vòng sáu tháng kể từ ngày sản xuất, nếu bán không hết thì đem lại đây tui giao cho hàng mới”. Rồi bà này tiết lộ: “Hàng hư của các cậu, tui sẽ bảo mấy đứa rán lại, bán rẻ cho mấy người bán bánh tráng trộn, bán hàng rong ở các trường học trong TP là học sinh tiêu thụ sạch. Chứ bỏ đi phí lắm”.


Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng): Nguy cơ ngộ độc rất cao
Đối với các loại thực phẩm đã chế biến, nấu chín, người tiêu dùng chỉ nên ăn trong ngày, không để qua hôm sau hoặc chỉ sử dụng trong thời hạn còn hiệu lực được ghi trên bao bì sản phẩm. Đối với những loại thực phẩm nấu đi nấu lại nhiều lần sẽ làm giảm chất dinh dưỡng bao gồm các chất đạm, vitamin... có trong sản phẩm. Lượng chất dinh dưỡng càng giảm theo số lần nấu và thời gian bảo quản. Những sản phẩm thực phẩm quá hạn sử dụng, đã lên men thiu, mốc vì bị nhiễm khuẩn, người tiêu dùng không nên sử dụng vì cơ thể không thể dung nạp các chất từ những loại thực phẩm này, thậm chí có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm do đã bị nhiễm khuẩn.

(Theo Tuổi trẻ)