Từ nhiều tháng nay, gần 20 lao động VN đang “kẹt” ở một công ty môi giới việc làm tại Ả Rập Xê Út. Không được làm việc và trả lương theo hợp đồng ký kết, nguyện vọng xin về nước của các lao động này cũng chưa được đáp ứng.
Theo đơn gửi Báo Thanh Niên, gần 20 lao động (LĐ) do các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong nước đưa đi, gồm: Công ty CP đầu tư Vĩnh Cát, Công ty cổ phần quốc tế Việt Thắng, Công ty Glo-tech, Công ty TNHH MTV XKLĐ-TM-DL Sovilaco... Tuy nhiên, sang đến nơi họ mới “té ngửa” công việc và mức lương thấp hơn rất nhiều so với hợp đồng đã ký trước khi đi. Hầu hết đều bị công ty môi giới yêu cầu phải ký lại hợp đồng với công việc hoàn toàn khác công việc theo hợp đồng với đã ký với các công ty XKLĐ ở VN. Có người hợp đồng lái xe thì bị ký lại đi chăn dê cừu. Nhiều người không biết, đặt bút ký thì bị các chủ trang trại “ép” làm việc quá sức, tiền lương bị cắt xén...
Qua điện thoại, anh Nhữ Văn Bình (quê Thanh Chương, Nghệ An) bức xúc: “Hợp đồng ký kết lương lái xe 1.200 riyal (tương đương 7,6 triệu đồng), tuy nhiên, sang đây 3 tháng, tôi chỉ được nhận cả thảy là 8 triệu đồng, trừ 4 triệu tiền ăn, trong túi chỉ còn vỏn vẹn 4 triệu đồng. Tính ra, mỗi tháng làm cật lực lương bèo bọt chỉ hơn 2,5 triệu đồng/tháng”.
Gần 20 lao động sống trong căn phòng 20 m2 - Ảnh: Gia đình các lao động cung cấp |
“Ở không được, muốn về cũng không xong”, mặc dù các LĐ đã liên lạc với công ty môi giới ở VN yêu cầu đưa họ về nước sớm, nhưng hơn 2 tháng nay chưa được giải quyết. “Công ty rũ bỏ trách nhiệm với người LĐ. Sốt ruột quá, gia đình tôi đã phải vay ngân hàng đóng cho công ty 31,5 triệu đồng từ 10.4, nhưng cho đến nay họ vẫn chỉ hứa. Chúng tôi đi XKLĐ để xóa đói giảm nghèo, thế mà giờ đây chúng tôi còn nghèo hơn”, anh Nguyễn Hữu Bình, quê Sóc Sơn (Hà Nội), một trong số 7 LĐ do Công ty Vĩnh Cát đưa đi, nói.
"Chúng tôi đi XKLĐ để xóa đói giảm nghèo, thế mà giờ đây chúng tôi còn nghèo hơn"
Nguyễn Hữu Bình, quê Sóc Sơn (Hà Nội), một trong số các LĐ kêu cứu |
Điều đáng nói, hợp đồng LĐ ký kết 2 năm, nhưng visa cấp cho các LĐ sang Ả Rập Xê Út là visa du lịch chỉ có thời hạn 3 tháng. Đến nay visa đã hết hạn, họ trở thành những LĐ cư trú bất hợp pháp nơi xứ người. Các LĐ phản ánh hiện đời sống của họ rất cơ cực: không việc làm, không tiền bạc, đói khổ, sống chen chúc, tạm bợ trong căn phòng diện tích 20 m2 của Công ty môi giới AL.Babtaiin.
Trao đổi với PV ngày 27.6, ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Công ty cổ phần đầu tư Vĩnh Cát, giải thích lý do chậm trễ trong giải quyết cho các LĐ về nước là do thủ tục cấp visa. “Chuyến đầu tiên sẽ về ngày 28.6, chuyến thứ hai bay ngày 2.7”, ông Cương khẳng định. Còn đại diện Công ty Sovilaco cũng cho hay việc không thể ký hợp đồng và làm việc tại Ả Rập Xê Út cho người LĐ là do khách quan; công ty sẽ tạo điều kiện đưa LĐ về nước trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, ngày 24.6, ông Đào Công Hải, Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết Cục đang kiểm tra và yêu cầu các công ty báo cáo nội dung sự việc mà người LĐ đã phản ánh. Trong tuần tới, Cục sẽ cử đoàn công tác sang Ả Rập Xê Út để giải quyết tình hình. Cục cũng yêu cầu những công ty có đông LĐ làm việc tại Ả Rập Xê Út như: Vĩnh Cát, Việt Thắng, Glo-tech, Sovilaco... phải cử người tham gia đoàn công tác, sang để giải quyết các vấn đề phát sinh.
Ngày 24.6, ông Nguyễn Đức Nam, Bí thư thứ hai thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út, xác nhận các LĐ bất hợp pháp đang làm thủ tục về nước theo chương trình ân xá của chính phủ Ả Rập Xê Út. Đại sứ quán đã gặp gỡ và làm việc với các LĐ để hướng dẫn làm thủ tục cho chương trình ân xá của chính phủ; đồng thời phối hợp với các công ty giải quyết tiền đền bù, chi phí đưa các LĐ về nước.
(Theo Thanh Niên)