Theo Quy hoạch điện lực giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) thì giá điện sẽ tăng dần để đến 2020 tương đương 8~9 cent/kwh. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, giá điện đã tăng đến 7,8 cent/kwh.

Việc điều chỉnh giá điện luôn là vấn đề khiến người dân lo ngại. Và mỗi lần điều chỉnh giá thì yêu cầu công khai và minh bạch giá điện lại được đặt ra. Trong khi món nợ minh bạch giá điện còn treo thì việc Thứ trưởng Bộ Công Thương từ chối các câu hỏi về giá điện đã khiến dư luận thêm bức xúc.

Tăng quá nhanh

Chuyên gia Ngô Trí Long, người từng tham gia Ban thẩm định, phản biện về giá điện nhiều lần điều chỉnh tiết lộ, sau mỗi buổi họp về giá điện, EVN luôn thu lại tài liệu đã phát cho những người tham dự.

Câu chuyện nhỏ này đã dường như càng củng cố nghi ngờ về sự minh bạch giá điện. Vì sao phải thu hồi lại những tài liệu đã phát ra, có điều gì phải che dấu ở đây?; Phải chăng cơ cấu về giá không phù hợp, còn nhiều chi phí bất hợp lý trong giá thành... nếu bị phát tán ra ngoài, sẽ không giải trình được và gây khó cho việc tăng giá?.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương ngày 5/8, trước rất nhiều câu hỏi của truyền thông, Thứ trưởng Bộ Công thương lại 'xin phép' không trả lời với lý do là "chủ đề này đã được trả lời rất nhiều".

Kinh tế gia Lê Đăng Doanh cho rằng, Câu chuyện này thêm một lần nữa khiến những nghi ngờ và bức xúc với giá điện tăng lên. Các giải trình về tăng giá điện từ trước tới nay lần nào cũng như lần nào đều rất chung chung.

{keywords}

“Những lý giải chỉ nói ngắn gọn chi phí đầu vào tăng, thua lỗ... nên phải tăng giá. Tuy vậy, không bao giờ công khai cụ thể chi phí tăng như thế nào, tăng ở những khâu nào, có chi phí đầu vào nào giảm không hay tất cả đều tăng?. Thành phần huy động thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí như thế nào, lỗ do đâu, chi phí quản lý, tiền lương trong cơ cấu gía thành ra sao... không bao giờ thấy công bố”, ông Doanh đặt hàng loạt câu hỏi.

“Vậy ai có thể kiểm chứng được. Chỉ biết tăng là tăng mà chẳng rõ ràng tý nào”, ông Doanh nhấn mạnh.

Điều 6, Luật Giá quy định cả cơ quan nhà nước, DN, cơ quan thông tin truyền thông… đều phải có trách nhiệm công khai thông tin về giá. Nhưng đối với giá điện, EVN dường như đã quên điều này.

Theo Quy hoạch điện VII, giá điện sẽ được điều chỉnh dần từng bước nhằm đạt chi phí biên dài hạn của hệ thống điện đến năm 2020 tương đương 8~9 cent/kwh. Đây là mức giá bảo đảm cho ngành điện có khả năng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống điện.

Chắc chắn khi đưa ra con số này, các cơ quan chức năng cùng với EVN đã phải tính toán dựa trên nhiều căn cứ thực tế và có dự báo dài hạn. Tuy nhiên chỉ sau 2 năm từ ngày ký, thì giá điện đã tăng tới mức 7,8 cent/kwh. Và với tốc độ điều chỉnh giá này, đến 2020 giá điện sẽ vượt xa mục tiêu đề ra.

Đại diện EVN cho rằng, với việc tăng giá lần này, giá bán lẻ điện của Việt Nam đạt khoảng 7,8 cent/kWh. Sau khi trừ phí phân phối 265 đồng/kWh (hơn 1 cent/kWh), phí truyền tải 81 đồng (khoảng 0,5 cent), giá điện của Việt Nam cũng chưa phải là cao.

Tuy nhiên, giá điện hiện nay không còn rẻ chút nào. Tại Hội nghị triển khai kế hoạch ngành điện năm 2013 ngày 11/1/2013, khi đó giá điện vừa tăng lên 7,2 cent, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cho biết giá điện của Việt Nam không phải là rẻ nữa.

Theo số liệu của WB, giá điện Việt Nam hiện đã cao hơn một số nước như Lào, Myanmar, Indonesia... Tại diện đàn của Hội nghị nhóm Tư vấn các nhà tài trợ (CG) gần đây, nhà đầu tư nước ngoài đã khẳng định, giá điện của Việt Nam hiện nay là cao chứ không còn cạnh tranh, là một yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài như trước đây. Với mức giá còn tiếp tục tăng nữa thì quả thực là đáng lo ngại.

Nhũng câu hỏi không lời đáp

Kinh tế gia Nguyễn Minh Phong cho biết, giá điện của các công ty tư nhân bán cho EVN chỉ khoảng hơn 700 đồng/kwh, nhưng giá EVN bán ra lên tới 1.437 đồng/kwh. Vậy số tiền chênh 700 đồng/kwh đã được tính vào những chi phí nào để có mức tiền chênh lớn như thế.

Còn về những khoản nợ khổng lồ mà EVN đang phải “gánh”, cũng cần phải làm rõ xem những khoản nợ này do đâu, do giá bán không bù đắp được chi phí hay do đầu tư ngoài ngành, quản lý lỏng lẻo, dẫn đến thất thoát tài sản.

Điều mà dư luận băn khoăn nhất là trong các khoản thua lỗ của EVN có cả những khoản thua lỗ do trước đây EVN đầu tư ngoài ngành để lại. Liệu người dân và DN có phải trả cả tiền điện cho những khoản thua lỗ đó không.

Vấn đề nữa là thu nhập của các lãnh đạo EVN như thế nào? Năm 2011, sau khi ông Tổng giám đốc EVN công bố mức lương bình quân ngành điện năm 2009 là 7,3 triệu đồng, năm 2010 khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều công nhân, kỹ sư, thậm chí cán bộ của ngành điện cảm thấy oan uổng vì chưa bao giờ họ đạt được mức như vậy.

{keywords}

Sau đó một lãnh đạo của EVN lại đứng ra khẳng định, lương công nhân ngành điện khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, lương kỹ sư nhiều đơn vị trong ngành khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Dư luận cũng đã đặt câu hỏi, vì sao có mức chênh lệch giữa lương thực tế và lương bình quân như vậy?

Phải chăng, lương công nhân không cao, nhưng thu nhập lãnh đạo thuộc hàng “khủng”… và câu chuyện này vẫn được giữ bí mật và luôn bị EVN từ chối cung cấp thông tin.

Hện lượng lao động của ngành điện rất đông, tới hơn 10 vạn người. Ở các nước, lao động trung bình chỉ 2 - 2,5 người/MW công suất lắp đặt; trong khi EVN là 4,5 - 6 người.

Như vậy, chỉ tính riêng phần trả lương của EVN trong giá điện cũng là một vấn đề cho thấy sự kém hiệu quả của EVN. Chính EVN cũng đã nhiều lần thừa nhân bộ máy chưa hiệu quả nhưng muốn giảm bớt nhân lực nhưng cũng khó.

Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận xét, điện lâu nay vẫn chỉ có một chiều là tăng mà không có giảm. EVN đang nợ người dân sự công khai, minh bạch về giá điện về hoạt động của mình.

Trần Thủy