Từ những quả chanh leo qua bàn tay “pha chế” của các chủ quầy hàng đã trở thành những túi nước thơm phức, ngọt lịm và được bán với giá chỉ 5.000 đồng/ túi tại chợ nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội).
Tỷ lệ 3-1
Nghĩa là một quả chanh leo sẽ được ba túi nước chanh leo sau khi pha chế, thêm nước và một chút đường sẽ có một loại nước chanh leo hoàn hảo.
Chợ Xanh ngoài những mặt hàng quần áo, giầy dép, còn có những quầy thực phẩm, nước giải khát bán khắp các lối đi vào chợ. Tại đây hoạt động mua bán diễn ra khá tấp nập đến nỗi tắc đường thường xuyên xảy ra tại chợ này.
Những túi nước chanh leo, nước dừa được bày bán ngay dọc lối đi. Thế nhưng nếu không hỏi có lẽ chẳng ai bảo đó là nước chanh leo hay nước dừa bởi đó là sản phẩm “phát minh” của các chủ quầy hàng. Những loại nước này được đóng trong những chiếc túi ni lông, bên ngoài không hề có chút thông tin gì về sản phẩm.
Một chủ quầy hàng bán nước chanh leo ngay đầu chợ đã chia sẻ cho chúng tôi bí quyết để có được một túi chanh leo, nước dừa hoàn hảo với giá 5.000 đồng: “ Cứ một quả chanh leo sẽ pha được ba túi, thêm nước và đường là xong.”
Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, hiện nay trên thị trường giá mỗi kg chanh leo vào khoảng 30.000 – 45.000 đồng tùy loại. Ước tính mỗi kg chanh leo nếu sản xuất theo tỉ lệ 3-1 như một số tiểu thương tại chợ Xanh (Cầu Giấy) thì có thể cho ra vài chục túi chanh leo thành phẩm 5000 đồng. Một chủ cửa hàng bán nước giải khát ngay tại phố Tô Hiệu ( Cầu Giấy) cho biết: “Một cốc chanh leo được bán ở các quán nước giải khát rẻ cũng không bao giờ dưới 20.000 đồng/ cốc mới có lãi”. Tuy nhiên, với công nghệ của tiểu thương ở chợ Xanh thì việc thêm các loại đường, chất tạo ngọt, hương liệu tạo mùi để có một túi chanh giá rẻ thì xem chừng vẫn có lãi lớn.
Bạn Nguyễn Thiên Minh (Đại học Nông Nghiệp Hà Nội) mua đồ tại chợ Xanh cho hay: “ Làm gì có chuyện một túi nước chanh leo mà chỉ bán có 5.000 đồng. Một quả chanh leo bây giờ mua cũng mất mấy nghìn rồi, lại còn tiền đường, tiền nước, tiền túi, ống hút mà bán chỉ có 5.000 đồng, đó còn chưa tính đến tiền công đấy.”
Chanh leo nguyên chất có màu vàng sậm, chanh leo được pha chế có màu nhạt hơn |
Chất lượng: Gọi là cho có vị
Uống thử một túi nước chanh leo chúng tôi thấy rất ngọt, thoang thoảng vị chanh leo. Gọi là nước chanh leo thế nhưng thay vì màu vàng đậm đà vốn có của chanh leo thì những túi nước ở đây chỉ mơ vàng, uống vào thì rất ngọt. Điều lạ lùng là vị ngọt có trong những túi nước này không hề giống với vị ngọt vốn có của đường tự nhiên. Khi được hỏi loại đường thường dùng pha chanh leo thì các quầy hàng ở đây đều trả lời là đường tự nhiên, tuy nhiên thái độ của họ rất dè chừng và nghi ngờ.
Bạn Thủy (Cao đẳng sư phạm Trung Ương) cho hay: “ Loại nước chanh này mình có uống rồi, Gọi là nước chanh leo nhưng chỉ hơi có mùi thôi. Chất lượng chắc chắn không đảm bảo rồi. Ở đây rất đông người đến mua đồ, ăn uống, người bán họ chỉ quan tâm tới lợi nhuận thôi mà không hề để ý đến sức khỏe của người tiêu dùng. Thật sự điều này rất nguy hại.”
Cũng từng uống loại nước chanh leo này bạn Phạm Thị Tuyên (Trung cấp Y dược Hà Nội) cho biết: “ Những loại nước này khát thì uống thôi chứ chất lượng không đảm bảo đâu. Cứ bảo là chanh leo nhưng vị chỉ thoang thoảng, uống rất ngọt nhưng chắc chắn họ sẽ cho chất tạo ngọt vào chứ làm gì có chuyên họ pha bằng đường tự nhiên mà bán có 5.000 đồng.”
Hiện nay hầu hết những người kinh doanh đều tìm cách thu được lợi nhuận nhiều nhất cho nên họ sẵn sàng nhắm mắt làm liều còn người mua thì khuất mắt trông coi cho nên không hề biết đến cách kiếm lời của họ. Phần lớn các quầy hàng thực phẩm, chè, nước giải khát… hiện nay đều sử dụng chất tạo ngọt để tiết kiệm chi phí.
Theo các chuyên gia hóa học, các loại chất tạo ngọt nhân tạo như Cyclamate, Splenda, Sodium Sulfamate, Calcium… khi sử dụng nhiều có thê gây nhiều tác dụng phụ bao gồm: Các vấn đề tiêu hóa (đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn), kích ứng da (phát ban, nổi mề đay, mẩn đỏ, ngứa, sưng tấy), thở khò khè, ho, chảy nước mũi, đau ngực, đánh trống ngực, lo lắng, giận dữ, trầm cảm, và ngứa mắt. Đặc biệt là có khả năng gây ung thư. Chính vì vậy mà nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh đã nghiêm cấm sử dụng các loại chất tạo ngọt nhân tạo này. Tại nước ta chất tạo ngọt nhân tạo trên cũng bị liệt vào danh sách cấm sử dụng. Tuy nhiên các loại chất này hiện nay vẫn đang được bán trôi nổi ngoài thị trường.
(Theo Viet Q)