- Không phải là những khu phố “vẫy” bán “cái sự sung sướng”, Hà Nội còn có những phố “vẫy” khác mang danh phố ăn uống nhưng chèo kéo, sấn sổ, băm bổ người đi đường.

“Vẫy” ngày, “vẫy” đêm

Phố “vẫy” tập trung đông nhất, dễ nhận diện nhất là tại các điểm ăn nhậu của dân Hà thành. Phố phở, phố lẩu, phố café... đều trở thành tụ điểm để đội quân “vẫy” hành nghề và... hành khách! Phố “vẫy” hoạt động khốc liệt đến đâu tùy thuộc vào mật độ dày đặc của các quán xá cùng tâm lý tranh giành khách của chủ quán.

Phố “vẫy” Hà Nội một thời từng được nhiều người biết đến như thiên đường trà chanh Ngã Tư Sở; phố lẩu Phùng Hưng, Cao Bá Quát, Lê Đức Thọ; phố café Đặng Văn Ngữ; hồ Văn Quán; phố phở cuốn quanh hồ Trúc Bạch... Nhân viên khu phố “vẫy” hầu hết là trai trẻ, có nơi được huy động cả người trung tuổi, cụ già, tuyệt nhiên không có gái “vẫy” trong các con đường ẩm thực.

{keywords}

Đoạn đường hồ Trúc Bạch từ lâu là thiên đường “vẫy” của lẩu, phở cuốn, bánh tôm... Chưa đầy 1 km nhưng con phố này tập trung cả mấy chục người tràn ra lề đường, bao gồm cả nam lẫn nữ, quần cộc áo ngắn tung hoành vẫy khách từ chiều tối đến tận đêm. Cảnh tượng vẫy, vồ khách nhộn nhịp với các “ngón nghề”: chặn xe, mời chào, chèo kéo...

Cảnh tượng vẫy khách ở phố Ngũ Xá, ven hồ Trúc Bạch có lẽ nhốn nháo và khiến người đi đường mệt mỏi hơn. Đoạn đường nhỏ, dài chừng 50m có tới chục hàng quán bán phở cuốn nằm liền kề nhau, đội “vẫy” đông như quân nguyên vì thế mà hoạt động hết công suất! Bất cứ xe nào đi qua, quân “vẫy” lại nhao nhao: “Phở cuốn anh chị ơi” và lao ra chặn đầu xe, bất cần biết xe đó chạy với tốc độ bao nhiêu! Có khi, cả chục người xúm lại chào một khách.

Phố café Đặng Văn Ngữ vào tối muộn lại sầm uất và nhốn nháo hơn thường lệ. Con phố dài chừng 300m nhưng có tới hơn chục quán café liền kề nhau, núp bóng hiền hào dưới hàng cây xanh lá. Vào mỗi tối, từng quán bố trí 3- 4 nhân viên “vẫy” và “bẫy” người đi đường. Chỉ cần có xe đi lừ đừ, tà tà cạnh đường là 5-7 nhân viên các quán xồ tới, mời mọc, tranh giành. Thậm chí, nhân viên chặn đầu xe khách, bủa vây và mời chào rất lố bịch.

{keywords}

Đội quân “vẫy” phở cuốn nhốn nháo bên hồ Trúc Bạch cả ngày lẫn đêm

“Vẫy” đêm chưa đủ, nhiều tuyến phố “vẫy” cả ngày, đơn cử như phố Tô Hiệu. Hai hàng bún bò Huế ngon có tiếng nằm cạnh nhau và thế là nhân viên được phen “vẫy” mỏi tay, mời chào mỏi miệng. Sáng “vẫy”, trưa “vẫy”, tối lại “vẫy”. Nhân viên tóc xanh tóc đỏ, quần lửng, áo phông đứng vệ đường, bất kỳ ai đi ngang qua cũng đều có thể trở thành thực khách. Quân “vẫy” làm thêm nhiệm vụ dắt xe trả khách, kiêm luôn cả trông xe.

Đi 40km/h vẫn không thoát

Nói về lần đầu tiên đi qua khu hồ Trúc Bạch vào buổi tối, chị Mai (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) vẫn không khỏi bất ngờ xen chút sợ sệt. Chị kể, ngay từ đầu đường Thanh Niên đi vào, chị thấy một dãy dài thanh niên đứng giữa đường đều tăm tắp. Vốn được chồng nhắc nhở từ trước nên chị cố đi nhanh hơn bình thường để thoát khỏi “vòng vây”.

{keywords}

Tuy nhiên, như lạc vào thiên la địa võng, đến được nửa đường, một thanh niên nhảy xổ ra chặn xe chị. Nhanh như cắt, tay bóp phanh ga, hai chân dang rộng kẹp lấy bánh xe vào giữa, người thanh niên leo lẻo: “Phở cuốn chị ơi! Quán nhà em đây, chị vào đi”. Miệng nói, tay anh thanh niên luồn qua tắt máy. Chị Mai ngớ người, chưa kịp phản ứng thì một đám bậu xậu khác tụ lại, mời chào: “Lẩu không chị?”, “Phở đi chị”...

Nhớ lại, chị Mai vẫn còn thảng thốt: “Mình đi nhanh lắm rồi mà vẫn không thoát, chèo kéo mãi, mình bảo mình đi công việc, không phải đi ăn tối. Giằng co một hồi, chúng nó mới cho đi. Rõ khổ”.

Bên phố Hồ Đắc Di, nhìn các thanh niên “vẫy” khách đi đường, nhất là khách nữ mới thấy công việc của dân “vẫy” đôi khi cũng hài hước lạ. Chỉ trực chờ thấy mấy chị em đi xe máy tà tà, tốc độ thấp là các thanh niên ùa ra, xúm đông xúm đỏ mời chào. Mời chào không được, các thanh niên buông lời trêu ghẹo, tán tỉnh, rồi cười ầm ào, vui nhộn.

{keywords}

Chặn đầu xe người đi đường là chuyện thường ngày ở phố “vẫy”

Anh Chiến, quân “vẫy” tại café phố Hồ Đắc Di cho biết, vì các quán khá đông khách, hoạt động cả ngày nên những người như anh phải trực chiến liên tục. Mọi sinh hoạt, giao lưu của các bạn “vẫy” đều diễn ra ngay trên vỉa hè từ sáng sớm tới tận đêm khuya.

Anh chia sẻ, công việc của một trai “vẫy” như anh được trả lương theo tháng, ngoài ra “vẫy” được càng nhiều khách thì số tiền sẽ được trả thêm. Theo lời anh, “vẫy” khách có vui có buồn, vui là khi kéo được nhiều khách về quán mình, tủi là khi bị khách cau có, chửi bới.

“Có lần, mấy anh em chèo kéo khách, bị khách ngáng xe ngang bàn chân, đau mấy ngày. Có khi, gặp mấy ông bặm chợn, họ chửi mát mặt, thậm chí đánh cho vài cái vào mặt. Biết là gây khó chịu cho người đi đường nhưng đó là miếng cơm manh áo của những người làm nghề như bọn em, bọn em phải chịu”, Quân (17 tuổi), làm việc tại phố café hồ Văn Quán tâm sự.

Một số hình ảnh nhốn nháo tại các khu phố “vẫy”:

{keywords}

{keywords}

“Vẫy” khách giữa lòng đường tại Ngã Tư Sở

{keywords}

Nháo nhác ven đường đợi khách trên phố Tô Hiệu

{keywords}

{keywords}

Đội quân “vẫy” phở cuốn nhốn nháo trên phố Ngũ Xá

Khổng Chiêm