Nhiều người đang cho rằng, ngân hàng đang hưởng lãi “khủng” từ dịch vụ thẻ ATM.

Công bố của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, tính đến hết tháng 6/2013, có gần 90.000 tỷ đồng trong tài khoản thẻ ATM, tương ứng với hơn 42,7 triệu tài khoản. Số tiền này hầu hết nằm trong các ngân hàng dưới dạng tài khoản nhận lãi suất không kỳ hạn là 1,2%/năm, áp dụng cho VND.

Trước thông tin này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng đã bất công khi tính lãi suất không kỳ hạn 1,2%/năm cho số tiền này, trong khi trần lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn cao gấp 6-7 lần.

{keywords}

Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Toại, phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cho hay: “Các ngân hàng chỉ hưởng lợi từ số tiền đó với điều kiện là nó để lâu trong cây ATM. Tuy nhiên, đây là số tiền gửi ở dạng không kỳ hạn, người gửi có thể rút bất cứ khi nào.

Không phủ nhận chuyện ngân hàng có thể hưởng lợi từ con số tiền tỷ trong các tài khoản thẻ, nhưng lời lãi đó không nhiều, bởi họ phải luôn sẵn sàng đảm bảo nhu cầu rút tiền bất cứ khi nào khách hàng cần”.

Không chỉ các ngân hàng hưởng lợi từ một lượng tiền khủng nằm trong ATM mà họ thu được nguồn lợi nhuận không hề nhỏ từ việc thu phí giao dịch ATM nội và ngoại mạng. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ thì không thể “mê” được.

Bạn đọc Trần Quang Ngọc bày tỏ: “Ngân hàng hưởng lợi thu phí dịch vụ ATM từ cả phía doanh nghiệp (bên sử dụng lao động) thông qua phí chuyển lương và cả phí của người lao động (thu phí qua mỗi lần rút tiền).

Với tư cách là người lao động, thật sự tôi không muốn dùng dịch vụ ATM mà muốn được lĩnh tiền mặt, nhưng khổ nỗi tôi lại không thể tự quyết định được “.

Hay bạn đọc Hải Ban, địa chỉ tại Trung Hòa, Cầu giấy , Hà Nội cũng cho rằng: “Một khi các ngân hàng triển khai một dịch vụ nào đó, họ không bao giờ tính thiệt cho mình.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện trả lương cho nhân viên qua thẻ ATM vì thế, người dân mong ngân hàng không chỉ quan tâm đến ích lợi của mình mà cần quan tâm hơn nữa đến những lợi ích của khách hàng”.

Theo lộ trình, việc thu phí rút tiền ATM nội mạng là 1.000 đồng mỗi giao dịch từ tháng 3/2013, sang năm 2014, mức phí này sẽ tăng gấp đôi và gấp ba vào năm 2015. Các giao dịch rút tiền ngoại mạng sẽ mất tối đa 3.000 đồng mỗi giao dịch.

Cùng với đó còn rất nhiều các khoản phí khác như: Phí in sao kê hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản sẽ bị thu phí từ 100 - 500 đồng cho mỗi giao dịch với ATM nội mạng, 300 - 800 đồng nếu giao dịch ATM ngoại mạng…

Đến thời điểm này, các ngân hàng đã phát hành gần 43 triệu thẻ ATM.  Như vậy tính ra, hàng năm các ngân hàng thu được nguồn lợi lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, những gì mà người dân nhận được từ ATM không phải là lợi ích của nó mà chính là những sự bực mình do chất lượng của loại hình dịch vụ này còn quá yếu kém, gây nhiều bất lợi cho người sử dụng.

Chính lãnh đạo của một ngân hàng cũng đã thừa nhận, chất lượng ATM thời gian qua không tốt là do chất lượng một số hệ thống ATM đã xuống cấp, trong khi đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Trong thời gian tới, ngân hàng dù muốn hay không cũng phải nâng cấp hoặc thay mới hệ thống các cây ATM theo chỉ thị của NHNN để phục vụ khách hàng tốt hơn trong những tháng cuối năm.

(Theo VTC News)