- Nhiều doanh nghiệp đã đâm đơn kiện lên tòa án hoặc yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phải bồi thường thiệt hại vì cho rằng, một số “công bộc” đã lợi dụng quyền hạn và vận dụng máy móc luật pháp, gây khó cho DN.

Đại gia Dũng “lò vôi” tố cáo chủ tịch tỉnh

Dư luận đang xôn xao trước việc ông Huỳnh Uy Dũng, chủ Khu du lịch Đại Nam, vừa gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tố cáo ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - về việc không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu chức năng thuộc Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 3.

Trong đơn tố cáo, ông Huỳnh Uy Dũng cho hay, do tình hình kinh tế nhiều khó khăn, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ và vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp. “Xin hãy làm đúng lương tâm và trách nhiệm được giao, không nên tìm mọi cách gây phiền hà cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đừng vì lợi ích cá nhân và “nhóm lợi ích” mình đang sở hữu đặt lên trên lợi ích chung” - đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng viết.

{keywords}

Ông Dũng cho rằng tỉnh Bình Dương đã gây khó dễ đối với công việc của DN ông.

Kiện chủ tịch tỉnh Thanh đòi 41 tỷ đồng

Tòa Phúc thẩm - TAND Tối cao đã xét xử vụ án hành chính giữa Công ty Cổ phần Khôi Việt (Hà Nội) khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Cho rằng Chủ tịch UBND tỉnh này gây thiệt hại cho mình từ việc hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất do tỉnh tổ chức đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và kinh doanh khu đô thị mới Quảng Thành, TP. Thanh Hóa, công ty Khôi Việt đã kiện ra tòa, đòi bồi thường hơn 41 tỷ đồng...

Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX phiên phúc thẩm đã tuyên bác kháng cáo của Công ty Cổ phần Khôi Việt.

{keywords}

Phối cảnh khu đô thị mới Quảng Thành - dự án dẫn đến vụ kiện.

Phó chi cục QLTT Hà Nội bị kiện đòi 1,2 tỷ đồng

Ngày 9/7, Tòa Hành chính (TAND TP. Hà Nội) đã thụ lý đơn của Công ty TNHH Mạnh Cầm, khởi kiện ông Vương Trí Dũng - Phó Chi cục trưởng QLTT Hà Nội về các quyết định và hành vi hành chính mà công ty này cho là trái luật khi xử lý vụ "sữa dê Danlait".

Cụ thể, phía Mạnh Cầm cho rằng khi chưa có kết quả kiểm nghiệm mẫu sữa, ông Dũng đã đăng đàn phát biểu cho rằng sản phẩm không đạt chất lượng (không đủ độ đạm 34%), việc ghi nhãn mác chỉ sai lỗi là ghi nhãn phụ không đúng nhưng ông Dũng cố trầm trọng hóa sự việc rằng DN vi phạm nhiều lỗi trong quá trình kiểm tra. Ngoài ra, cũng theo phía Mạnh Cầm, khi có kết quả xét nghiệm cho thấy sản phẩm đạt chất lượng, Chi cục QLTT Hà Nội cố tình không thông báo cho DN và báo giới trong suốt 3 tháng, gây bất lợi cho DN.

{keywords}

Sản phẩm sữa của Công ty TNHH Mạnh Cầm hư hỏng sau khi bị cơ quan QLTT thu giữ

Ngoài ra, số hàng hóa bị cơ quan này tạm giữ không đảm bảo VSATTP, khiến hàng bị mốc ẩm, rách, nát bao bì, khi nhận lại DN không bán được.

Theo đơn kiện, giám đốc công ty Mạnh Cầm yêu cầu vị Chi cục phó Quản lý thị trường Hà Nội phải công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng và yêu cầu Chi cục đền bù thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng.

40 chủ hàng đòi công an Hải Dương bồi thường

Lãnh đạo công an tỉnh Hải Dương đã thừa nhận thiếu sót trong quá trình bắt giữ 2 tấn bạch buộc của người dân và đã thực hiện bồi thường 650 triệu đồng.

Trước đó, ngày 27/5/2013, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Hải Dương đã tạm giữ xe ô tô tải chở hơn 2 tấn bạch tuộc tươi sống. Trong khi đại diện các chủ hàng cho rằng, bạch tuộc không phải kiểm dịch thì lãnh đạo Phòng CSMT Hải Dương vẫn một mực khẳng định lô hàng thiếu giấy chứng nhận kiểm dịch, cần phải xác minh nguồn gốc, nếu không phải đưa trở lại nơi xuất phát để thực hiện kiểm dịch trước khi lưu thông, tiêu thụ. Sự việc nhùng nhằng dẫn đến việc hơn 2 tấn thủy sản tươi sống, trị giá gần 1 tỷ đồn,g bị phân hủy bốc mùi nồng nặc.

{keywords}

Chiếc xe tải chứa hơn 2 tấn thủy sản tươi sống đã phân hủy bốc mùi nồng nặc tại bãi lưu giữ phương tiện

Bầu Đức kiện UBND tỉnh Lâm Đồng

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ và các cấp thẩm quyền tố cáo một số hành vi vi phạm pháp luật của người đứng đầu tỉnh Lâm Đồng. Sự việc này diễn ra hồi tháng 9/2010.

Đồng thời, ông Đức cũng khởi kiện văn bản số 6986 của UBND tỉnh này về việc thu hồi trái phép toàn bộ diện tích nhà và đất 12 căn biệt thự thuộc giai đoạn II dự án khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng của HAGL.

Trước đó, HAGL được tỉnh cho thuê 20 căn biệt thự với tổng diện tích đất gần 46.000 m2 tại phường 9, TP. Đà Lạt để đầu tư kinh doanh du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng.

HAGL đã ký hợp đồng thuê đất, nộp tiền thuê đất và ứng trước tiền bồi thường giải tỏa khu đất này cho tỉnh nhưng sau đó chỉ được bàn giao 12 căn. DN đã đầu tư nâng cấp, đưa vào hoạt động tám căn. Số diện tích đất và biệt thự còn lại, HAGL nhiều lần có văn bản đề nghị tỉnh giao để kinh doanh nhưng tỉnh án binh bất động.

{keywords}
Ông chủ của Tập đoàn HAGL đã từng kiện người đứng đầu UBND tỉnh Lâm Đồng.

Cuối năm 2009, tỉnh ra quyết định thu hồi dự án trên để giao cho doanh nghiệp khác thực hiện.

Theo ông Đức, quyết định của UBND tỉnh đã ảnh hưởng lớn đến uy tín và thương hiệu của tập đoàn.

Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cũng bị kiện

Ngày 7/12/2010, TAND tỉnh Bình Thuận đã nhận đơn khởi kiện của công ty TNHH Việt Tài (trụ sở tại TP.HCM) đối với Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Theo đơn khởi kiện, công ty này cho rằng vị phó chủ tịch đã vu khống, ban hành quyết định thu hồi đất trái pháp luật, gây thiệt hại cho công ty nên kiện đòi bồi thường 6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, gần 2 năm sau khi thụ lý, tòa mới đem vụ việc ra xét xử sơ thẩm. Và những đề nghị của doanh nghiệp đã bị tòa bác mà không đưa ra căn cứ gì.

Ông Ngô Thành Quý, Giám đốc Công ty TNHH Việt Tài, cho biết, sẽ kháng cáo lên TAND Tối cao

Hạnh Nguyên (tổng hợp)