Dự án chậm tiến độ kéo dài, thậm chí dừng thi công... khiến người mua nhà bức xúc phải khiếu nại, kiện cáo. Và không ít những lần khách hàng đi khiếu nại đã phải "cười ra nước mắt".
Phản đối chủ đầu tư, nhiều cư dân Đại Thanh bị đánh phải nhập viện
Sáng 26/10/2013, hàng trăm khách mua nhà tại Khu đô thị Đại Thanh ở Cầu Tó (Thanh Trì, Hà Nội) đã mang băng-rôn, khẩu hiệu tập trung trước Sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh (Linh Đàm, Hà Nội) để yêu cầu chủ đầu tư dự án là Doanh nghiệp Tư nhân Số 1 Lai Châu do ông Lê Thanh Thản làm Tổng giám đốc đối thoại và làm rõ những thắc mắc của khách hàng liên quan đến diện tích, thuế VAT cũng như các loại phí vô lý...
Tuy nhiên, bất chấp lời đề nghị, phía chủ đầu tư khu đô thị Đại Thanh không có bất cứ động thái nào trả lời các thắc mắc của của cư dân và khách hàng. Mặc dù, sàn Mường Thanh vẫn mở cửa nhưng không có cư dân nào được vào trong để gặp chủ đầu tư.
Không những thế, hàng trăm cư dan và khách hàng Đại Thanh bị một nhóm người lạ được cho là bảo vệ của sàn Mường Thanh ngang nhiên thu hồi máy ảnh, camera, ngăn cấm không cho bất cứ ai quay phim chụp ảnh. Những ai quay camera đều bị nhóm người này đề nghị xóa bỏ hoặc tự ý giật máy ảnh, thu thẻ nhớ. Kinh hoàng hơn, nhóm người lạ này còn xua chó ra cắn, xịt hơi cay, xịt sơn vào phía cư dân, thậm chí có khách hàng hàng của Đại Thanh bị đánh.
Đi đòi nhà, khách hàng Petroland bị nhốt
Đây là chuyện hy hữu xảy ra với khách hàng mua căn hộ Mỹ Phú hồi tháng 8. Dự án Mỹ Phú do Công ty cổ phần đầu tư dầu khí Mỹ Phú làm chủ đầu tư. Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) bán căn hộ từ năm 2010. Theo hợp đồng, thời hạn bàn giao căn hộ là tháng 6/2012 (được cộng trừ 3 tháng). Tuy nhiên, đến tháng 7/2013 dự án vẫn không nhúc nhích.
Bức xúc vì đã đóng từ 800 triệu đến 1,4 tỷ đồng (tương đương 70% giá trị căn hộ) nhưng chưa được giao nhà, sáng 1/8/2013 hàng chục khách hàng kéo đến tòa tháp Petro Tower yêu cầu doanh nghiệp làm rõ tình trạng của dự án. Tuy nhiên, khi họ vào bên trong cao ốc này thì thang máy bị khóa. Lãnh đạo doanh nghiệp bận họp nên khách phải chờ ở sảnh thang máy đến tận trưa.
Một khách hàng bị kẹt lại sảnh thang máy tầng 7 tòa nhà cho biết, bà kiểm tra thang bộ dành cho thoát hiểm bị khóa, thang máy mất điện. Mọi người đập cửa văn phòng của Công ty hạ tầng và đô thị dầu khí thì nhân viên làm ngơ.
Keangnam cắt điều hòa, thang máy, tháo đèn để "dằn mặt" cư dân
Do nhiều cư dân Keangnam không chịu đóng phí dịch vụ, chủ đầu tư tòa nhà đã hạn chế thẻ sử dụng thang máy của 370 hộ dân. Ngay sau khi bị cắt một số dịch vụ, chiều 3/12/2013, hàng trăm cư dân Keangnam (Phạm Hùng- Hà Nội) đã tụ tập phản đối chủ đầu tư. Hàng loạt biểu ngữ “Phản đối Keangnam thu phí cao, dịch vụ thấp”, “Hãy trả lại thang máy cho cư dân", "Dịch vụ thấp, giá trên trời"... được người dân dán rải rác từ sảnh ngoài đến tận trong 2 tòa tháp A, B. Thậm chí cư dân tại đây còn mang cả loa phát thanh để kêu gọi người dân phản đối mức phí khủng.
Một số cư dân mang nước uống và trải chiếu xuống tận phòng ban quản lý để "ngủ nhờ" nếu không cấp quyền ra vào thang máy. Thậm chí một số người còn mang cả bếp lò cùng than tổ ong để đốt đặt ngay tại sảnh ra vào của tháp A và B.
Hy hữu chuyện khách hàng 'tố nhầm' Cengroup
Sáng ngày 28/9/2013, rất đông khách hàng của Dự án Chung cư Binh đoàn 12 (Từ Liêm, Hà Nội) đã tập trung tại trụ sở chính của Công ty BĐS Thế kỷ (Cengroup) để đòi lại số tiền mà họ đã góp vốn từ 3 năm trước.
Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Tổng Giám đốc của CenGroup cho biết, CenGroup không liên quan gì đến sự việc trên. Nhiều khách hàng đã "nhầm lẫn" giữa Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ (CenGroup) với Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Thế Kỷ, dẫn đến việc tụ tập, bao vây trụ sở của Cen Group.
Theo ông Hưng, Công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế kỷ cũng không phải là thành viên của CenGroup. Mặc dù 2 công ty có tên tương tự nhau là "bất động sản Thế kỷ", nhưng là hai pháp nhân hoàn toàn khác nhau.
(Theo Tri thức trẻ)