Các đại gia FDI dính án chuyển giá ngàn tỷ đều đã được kiểm toán bởi những tập đoàn kiểm toàn hàng đầu thế giới. Bằng cách nào mà âm mưu chuyển giá qua mặt được các chuyên gia kiểm toán quốc tế, hay chính kiểm toán có những ảo thuật để giúp dàn xếp giá tinh vi giữa các ông lớn để cùng kiếm lợi?.

“Mẹ con” lòng vòng dàn xếp giá

Tại một cuộc hội thảo về đầu tư ở Đà Nẵng cuối năm ngoái, ông Iwama Shinichi, Chủ tịch Công ty Daiwa Seiko, Chủ tịch Chi hội DN Nhật tại Đà Nẵng cho biết, năm 2007, Daiwa Việt Nam có 400 nhân viên với doanh thu đạt 300 triệu USD, đến nay số nhân viên tăng gấp 5 lần và doanh thu tăng gấp 10 lần.

Được cấp phép từ 9/2005, DaiWa Việt Nam - công ty con của Tập đoàn Daiwa Seiko, Nhật Bản được coi là thế hệ FDI tiên ở Đà Nẵng. Tháng 6/2008, Daiwa Việt Nam đã khánh thành giai đoạn 2 nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao lớn nhất thế giới của Tập đoàn Daiwa tại KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng với vốn đầu tư 35 triệu USD.

Thoạt nghe, ai cũng tưởng DN này đóng góp lớn cho ngân sách Đà Nẵng. Thế nhưng, có đến cơ quan thuế mới té ngửa, trong giai đoạn 3 năm 2007-2009, DN này đã có số lỗ lũy kế lên tới 319 tỷ đồng.

{keywords}

Quan sát của cơ quan thuế cho thấy, các loại tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất đều được DaiWa Việt Nam nhập từ chính các công ty “anh em” cùng Tập đoàn. Sản phẩm làm ra là cần câu cá thể thao cũng được các “anh em” bao tiêu.

Cái khó ở chỗ, tại Việt Nam, chưa có cơ sở nào sản xuất loại hàng đặc thù này, kể cả sản xuất nguyên phụ liệu, thậm chí, đến cả các cửa hàng kinh doanh thương mại bán cần câu cá cũng không bán loại tương tự sản phẩm của DaiWa.

Cuộc điều tra chuyển giá tưởng chừng bế tắc. Song, “may mắn” thay, khi soi kỹ hàng núi hồ sơ tài liệu, đoàn thanh tra đã “bắt” được chứng cứ quan trọng, đó là DaiWa Việt Nam đã từng chuyển một lô hàng cho công ty TNHH DaiWa Đài Loan và sau đó, lô hàng này lại bán cho 1 doanh nghiệp khác tại Tp HCM với giá cao hơn rất nhiều lần. Trước chứng cứ này, DN này đã không thể chối cãi, buộc phải chấp nhận giảm lỗ hơn 15,7 tỷ, chịu án truy thu và phạt 233 triệu đồng.

Cũng chiêu bài tương tự, Công ty TNHH LesGans Việt Nam, một DN Nhật Bản sản xuất găng tay chơi golf và chơi bóng chày cũng bị Cục thuế Đà Nẵng phát hiện chuyển giá khi giá bán găng tay cho công ty mẹ thấp hơn từ 36 đến 44% so với giá bán cho các công ty khác. Vì vậy, từ con số lỗ gần 21 tỷ đã phải “sửa” lại cho đúng là lãi hơn 24 tỷ đồng.

Cục Thuế tỉnh Bình Dương cũng gặp cảnh ngộ bị FDI “qua mặt” như vậy. Theo cơ quan này, công ty TNHH Sung Shin Vina (Hàn Quốc) chuyên sản xuất, gia công mô tơ điện các loại đã bán sản phẩm cho công ty mẹ thấp hơn giá thị trường từ 10-15%. Trong suốt 3 năm 2007-2010, dù doanh thu tăng tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, kết quả doanh nghiệp vẫn lỗ liên tục. Từ ban đầu lỗ 6-7 tỷ đã tăng lên lỗ 21 tỷ đồng vào năm 2010. Cuối cùng, con số thật được khui ra, công ty lãi to, năm 2008 lãi 8,5 tỷ đồng, năm 2009 lãi 15,5 tỷ và năm 2010, lãi tới 55,7 tỷ đồng.

Kiểm toán quốc tế tiếp tay chuyển giá?

Theo các chuyên gia ngành thuế, chuyện lòng vòng dàn xếp giá giữa công ty mẹ và công ty con gần như rất phổ biến trong nhiều doanh nghiệp FDI. Đây là mánh khóe gây lỗ ảo dễ dàng và phổ biến nhất.

Trong khi đó, việc xâm nhập mối quan hệ kín như bưng giữa Tập đoàn mẹ ở nước ngoài và công ty con ở Việt Nam lại vô cùng khó khăn, có nhiều lúc đi vào ngõ cụt. Không phải lúc nào, cơ quan thuế cũng kiếm được chứng cứ vững vàng, khi mà các tiểu xảo phù phép chuyển giá ngày càng tinh vi.

Như trường hợp công ty TNHH Kad Industrial SA Việt Nam (Hàn Quốc) ở Đà Nẵng, chuyên gia công quần áo. Toàn bộ máy móc thiết bị đều đã cũ, được nhập từ một nhà máy ở Mỹ và được tính vào giá trị vốn góp của công ty mẹ, không hoạt động đảm bảo năng suất. Kết quả lỗ một phần là do chi phí khấu hao máy móc, thiết bị đưa vào giá thành rất cao, gấp 1,5 lần theo kế hoạch.

{keywords}

Tuy nhiên, vụ việc này đành phải treo lại, vì cơ quan thuế không thể định giá các loại máy móc trên. Đầu mối định giá từ phía hải quan không có vì máy móc ngành may mặc không thuộc diện chịu kiểm soát rủi ro về giá, lại không phải nộp thuế nhập khẩu do là hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định.

Thiếu dữ liệu độc lập để so sánh đã đành, các đoàn thanh tra chống chuyển giá còn phải đối mặt đấu tranh với cả một lực lượng tư vấn kiểm toán uy tín, chuyên nghiệp và nổi tiếng toàn cầu.

Một cán bộ trong ngành thuế tiết lộ, trong hoạt động của các đại gia FDI dính án đều có một công ty kiểm toán quốc tế tên tuổi và thường sử dụng dịch vụ dịch vụ tư vấn thuế, kê khai thu nhập chịu thuế có liên quan đến giao dịch liên kết từ bộ tứ kiểm toán hàng đầu thế giới. Ví dụ như ở vụ Keangnam Vina chuyển giá tới hơn 1200 tỷ đã sử dụng dịch vụ từ công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam.

Tại hai DN dính án chuyển giá khác, một ở công ty sản xuất sản phẩm cao su có sử dụng dịch vụ của công ty kiểm toán PWC Việt Nam, một là công ty sản xuất hàng may mặc có sử dụng dịch vụ của công ty kiểm toán KPMG Việt Nam.

Đối đầu với cá tập đoàn quốc tế này, thanh tra thuế phải đủ năng lực để ‘bẻ ghi’ được cả những báo cáo tài chính hàng trăm trang đã được những đại gia kiểm toán hàng đầu trên thực hiện.

Cuộc chiến chống chuyển giá ngày càng cam go hơn. Trong 2 tháng cuối năm nay, có những nghi án chuyển giá lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng chứ không phải chỉ hơn 1000 tỷ như ở Hualon và Keangnam Vina vừa qua đang được điều tra.

Phạm Huyền