Với dụng cụ là chảo dầu, thùng nước bột, bánh được chế biến bất cứ nơi đâu với thời gian siêu nhanh, giá bán siêu rẻ.

Thời gian qua, có khá nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến các loại bột, bánh thủ công. Ngày 23/10, hơn 382 người ở Quảng Trị đã nhập viện do ăn bánh mì. Ngày 30/10, 19 khách hàng ở Bến Tre nhập viện do ngộ độc bánh mì. Tại TP.HCM, bánh chế biến thủ công được bày bán phổ biến ở các hàng tạp hóa, trên những xe đẩy, gánh hàng rong…, nhưng việc quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn bỏ ngỏ.

Bánh thủ công bày bán tràn lan ngoài đường, trước cổng trường học, bệnh viện với “công nghệ sản xuất” “siêu” nhanh và giá “siêu” rẻ. Dạo quanh các con đường TP.HCM như đường 3/2 (Q.10), đường Bình Thới(Q.11), đường Hồng Bàng (Q.5)…, dễ dàng bắt gặp các xe đẩy bán các loại bánh tiêu, bò, cam, chuối chiên… với giá chỉ từ 1.000-5.000đồng/cái. Quá trình chế biến mất vệ sinh, sản phẩm không bao bì, không hạn sử dụng là đặc điểm chung của những loại bánh thủ công này.

{keywords}

Chiên bánh, để bánh trần giữa gió bụi, khói xe

Với bộ dụng cụ và nguyên liệu gồm một chảo dầu, một thùng đựng nước bột mì, khoai lang thái mỏng, người bán có thể chế biến món bánh khoai chiên ở bất cứ đâu. Trên vỉa hè đường Hàn Hải Nguyên (Q.11), chị Thu gắp khoai lang đã nhúng bột, bỏ vào chảo, trở đều. Chảo dầu và thùng bột không được che đậy, trong khi con đường ngập bụi bặm và khói xe. Cách đó không xa là xe đẩy bán bánh chưng chiên. Một số bánh đã bóc vỏ sẵn. Nếu khách yêu cầu bánh mới, người bán dùng tay trần lột vỏ, bỏ bánh vào chảo dầu chiên. Do chiên đi chiên lại nhiều lần, chảo dầu chiên đen ngòm, nhiều mảng bám cháy đen dưới đáy chảo. Giá mỗi chiếc bánh chưng chiên khá “mềm” chỉ từ 5.000-10.000 đồng nên hợp túi tiền người lao động bình dân.

Quanh khu vực bến xe Chợ Lớn (Q.6), gần đống rác, ruồi nhặng bay quanh, gánh bánh da lợn của chị Nga vẫn đông khách. Những chiếc bánh da lợn có màu xanh lá xen lẫn màu nâu, vàng khá bắt mắt. Chị Nga vừa dùng tay trần bốc bánh da lợn bỏ vào túi nilon, vừa lấy tiền thối cho khách. Khi có khách khó tính yêu cầu chị Nga đeo bao tay, chị nói: “Mấy năm nay, tôi bán cho biết bao nhiêu người ăn, có ai chết chóc đâu”. Nhắc đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, chị Nga cũng như những người bán bánh dạo khác đều lắc đầu ngơ ngác.

{keywords}

Từ "chị đến anh", có điểm chung là "tay không bắt giặc"

Từ ngã tư Bốn Xã (Q.Bình Tân) chạy xuống đường Hòa Bình (Q.Tân Phú), tập trung khá nhiều công nhân sinh sống. Khu vực này cũng là điểm tập kết của nhiều xe hàng rong bán bánh thủ công. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang tranh thủ mua chiếc bánh tiêu với giá 5.000 đồng trước giờ vào ca. Nhắc đến an toàn thực phẩm, chị Trang cười: “Tóc dính trong bánh là chuyện bình thường. Ăn cho qua bữa thôi”. Tương tự, đường An Dương Vương nối dài (Q.8 và Q. Bình Tân), là khu tập trung nhiều xe bánh thủ công như khoai mì nướng, chuối chiên, bánh bò nướng… thì chủ các quầy hàng lưu động này cũng luôn “tay không bắt giặc”. Có chị vừa ngoáy mũi xong vô tư bóc bánh cho khách. Hay chị khác mới “trợ giúp” cô con gái nhỏ tè, ị , chỉ lau sơ tay vào chiếc khăn, mà chiếc khăn đó dùng để lau dầu mỡ chỗ để bánh.

Nếu tính sơ, bình quân mỗi ngày một xe đẩy, hàng rong bán khoảng 50 cái bánh, thì một ngày không biết bao nhiêu chiếc bánh mất vệ sinh đến tay người mua.

Mục kích một cơ sở làm bánh bông lan thủ công ở hẻm 24, đường Trương Phước Phan (Q.Bình Tân), chúng tôi giật mình trước công nghệ chế biến “siêu” bẩn. Đặt một tấm bàn nhỏ trước nhà, chị P. dùng tay trần nặn bột bánh, đắp vào khuôn. Cô con gái nhỏ của chị đi tiểu ngay gần chỗ mẹ nhào bột, nặn bánh. Chị P. cho biết: “Một ngày, nhà chị bỏ sỉ từ 150-200 cái bánh bông lan cho những người bán dạo. Giá bánh 2.000 đồng/ chiếc”.

Loại bánh được người dân thành phố tiêu thụ phổ biến nhất là bánh mì, nhưng việc quản lý chất lượng vệ sinh trong các lò bánh mì cũng đang bỏ ngỏ. Trong vai người lấy hàng số lượng lớn, chúng tôi đến lò bánh mì M. H. trên đường Phú Thọ (Q.11). Khi hỏi giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cả chủ lò lẫn nhân viên đều ngơ ngác. Anh T., một người bán bánh mì vô tư nói: “Khách đến đặt hàng lần mấy trăm cái bánh, có thấy ai hỏi giấy tờ gì đâu”.

(Theo Phụ nữ TP.HCM)