Trong 9 tháng năm 2013, lượng bò nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến. Thịt bò tiêu dùng trong nước phần nhiều được nhập tiểu ngạch từ Thái Lan, Lào, Campuchia. Chăn nuôi trong nước ngày càng “lép vế”.

Bò Úc, bò Lào ồ ạt tuồn vào

Thời gian gần đây, lượng thịt bò Úc nhập khẩu ngày càng tăng, người tiêu dùng cũng rất ưa chuộng. Đặc biệt, một số công ty phía Nam nhập khẩu nguyên con bò Úc về nước, giết mổ bán thịt tươi sống. Giá loại thịt này gần như tương đương trong nước. Theo Cơ quan Thú y vùng 6 (Cục Thú y), số lượng bò Úc sống nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2012 trở về trước không đáng kể. Nhưng riêng 9 tháng năm 2013, số lượng bò Úc sống nhập khẩu vào Việt Nam đã lên tới 32.500 con, chưa kể lượng bò đông lạnh.

Nhu cầu tiêu dùng thịt bò của Việt Nam ngày càng lớn, trong khi nguồn cung liên tục giảm sút nhiều năm qua. Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 nhận xét, bò Úc ít dịch bệnh hơn bò Đông Nam Á. Úc là nước có nền chăn nuôi phát triển và là vùng an toàn dịch bệnh. Vì vậy, giá thịt khi nhập khẩu về đến Việt Nam cũng chỉ nhỉnh hơn giá thịt bò trong nước không đáng kể.

{keywords}

Chăn nuôi bò không còn được nông dân mặn mà (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, bò nhập khẩu từ Úc có giá rất cạnh tranh do chăn nuôi quy mô lớn, trong khi chăn nuôi bò tại Việt Nam quy mô nhỏ, giống chất lượng kém. Theo tính toán của Hiệp hội Chăn nuôi, giá thịt về Việt Nam kể cả thuế mức 58.000 đồng/kg (bò hơi) trong khi giá trong nước ở mức 60.000 đồng/kg. Do đó, bò nội khó cạnh tranh với bò nhập khẩu. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Co.opmart Hà Nội cho biết, toàn bộ sản phẩm thịt bò được bày bán ở siêu thị Co.opmart Hà Nội là bò đông lạnh được nhập khẩu từ Úc. “Lượng thịt đông lạnh nhập về sẽ được rã đông từng phần và bán cho khách trong ngày”, ông Nguyễn Tiến Dũng nhận định.

Không chỉ thịt bò Úc đang tràn ngập các siêu thị lớn, nhỏ, các cửa hàng bán đồ nhập khẩu mà ngay đến thịt bò mà người tiêu dùng đang sử dụng hàng ngày, chủ yếu nhập từ Campuchia, Lào, Thái Lan... Một lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, trung bình, số lượng bò nhập tiểu ngạch qua đường biên giới mỗi ngày khoảng 4.000 con.

Bò Úc tươi sống sẽ sớm ra Bắc?

Trao đổi về thực trạng trên, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, lượng thịt bò nhập khẩu về nước tăng mạnh trong thời gian gần đây là do cạnh tranh về giá. Trong khi, lượng bò trong nước chỉ chiếm 7% tổng lượng thịt.

Đặc biệt, mấy năm trở lại đây, số lượng đàn bò Việt Nam giảm nhẹ. Đàn bò hiện chỉ còn 5,2 triệu con, giảm 3,1% so với năm ngoái. Trong đó, khoảng 170.000 bò sữa, còn lại là bò thịt. “Chăn nuôi bò thịt ở Việt Nam chủ yếu vẫn là tận dụng nên sản lượng không cao, lượng thịt đáp ứng cho thị trường chiếm tỷ lệ nhỏ”. Về tình hình bò từ Lào, Thái Lan, Campuchia tràn sang Việt Nam, ông Nguyễn Đức Trọng cho rằng, phần lớn là nhập tiểu ngạch qua biên giới nên cũng rất khó ngăn chặn. “Lợi dụng đường biên, mỗi người chỉ lùa 5-7 con từ bên kia biên giới về nước như đi chăn thả nên không kiểm soát được. Số lượng nhập tương đối nhiều vì lượng bò thịt trong nước thiếu hụt, không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ”, lãnh đạo Cục Chăn nuôi nhận định.

Dự báo về xu hướng phát triển đàn bò trong tương lai để không còn phải chịu cảnh “nước nông nghiệp nhưng sản phẩm gì cũng nhập khẩu”, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, rất khó để đẩy mạnh chăn nuôi trong bối cảnh thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam cao nhất nhì thế giới. Hơn nữa, giao thương ngày càng mở rộng và thuận tiện, từ việc nhập khẩu bò Úc đông lạnh, một số tỉnh phía Nam đã nhập khẩu bò Úc nguyên con giá thành rẻ hơn, thịt tươi sống đáp ứng đúng thị hiếu người Việt. Ông Nguyễn Đức Trọng cho rằng: “Hình thức nhập khẩu nguyên con bò Úc sống rồi về giết mổ trong nước ngày càng phát triển. Dù bây giờ mới manh nha ở phía Nam nhưng chắc chắn, không bao lâu sẽ qua cảng Hải Phòng vào Hà Nội và các tỉnh phía Bắc”.

(Theo ANTĐ)