Lắm lúc tôi muốn tự tử" có lẽ là câu nói "thảm hại" nhất trong cuộc đời người doanh nhân nổi tiếng này.
Ông Đặng Thành Tâm, sinh năm 1964, là một trong các nhân vật giàu nhất Việt Nam tính về sở hữu cổ phiếu.
Đại gia này là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc một loạt công ty đã niêm yết là công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, công ty đầu tư và công nghiệp Tân Tạo và công ty công nghệ Viễn thông Sài Gòn. Năm 2011, ông là doanh nhân ngoài quốc doanh đầu tiên nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước. Hiện ông là đại biểu Quốc hội khóa XIII.
"Không lấy gì không thuộc về tôi"
Nhiều năm bươn trải kinh doanh, mở rộng hoạt động đầu tư, áp lực đã đè nặng, vắt sức của ông Tâm. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest - SGI) do ông Tâm làm chủ tịch vẫn không được cải thiện nhiều.
Khi bị đánh giá là một tập đoàn “chỉ có nhiều dự án, còn doanh thu thực thì không đáng kể”, ông Tâm tỏ ra khá buồn: “Những việc chúng tôi làm rất cụ thể, thu hút được bao nhiêu đầu tư đều được công bố, chứ nếu chỉ làm dự án không thì làm sao hàng ngàn cán bộ, công nhân viên của chúng tôi sống được, rồi lấy đâu ra tiền để đi làm từ thiện, để đóng thuế”.
Ông Tâm từng muốn "tự tử" trong thời gian này. |
Để khẳng định hoạt động kinh doanh của mình nói riêng và toàn công ty nói chung, ông Đặng Thành Tâm nhấn mạnh: “Ở TP.HCM, chúng tôi không nhận dự án nào nữa, ở Hà Nội cũng vậy, chúng tôi chỉ nhận lại dự án khách sạn Lotus 500 triệu USD do phía Nhật Bản không làm, chứ đâu có hỏi xin ai. Tôi có thể mạnh dạn tuyên bố là tôi không lấy những gì không thuộc về tôi”.
"Điều tôi quan tâm giờ là trả hết nợ"
Vị đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, đời làm doanh nghiệp cũng có lúc cực kỳ be bét và mối quan tâm của ông lúc này là làm sao để trả hết nợ nần.
Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội sáng 1/11, về chính sách thi tuyển giám đốc, tổng giám doanh nghiệp nhà nước, ông Đặng Thành Tâm cho rằng khi doanh nghiệp thất bại tưởng có thể chết đi được lúc đó mới trân trọng lắng nghe ý kiến của người khác
Khi được hỏi “nếu có doanh nghiệp nhà nước tổ chức thi tuyển giám đốc hay tổng giám đốc thì ông có tham gia?”. Ông Tâm không ngần ngại, thẳng thắn: “Tôi cũng xin nói thật hiện nay tôi cũng đang nợ đầm đìa, việc của tôi trong hai năm tới là phải trả hết nợ”. Ông này cho rằng, phải giải quyết hết việc của mình rồi mới dám nghĩ đến việc khác.
“Hiện nay, còn hàng chục nghìn nhân viên đang trông chờ vào tôi, chứ không phải cứ thấy chỗ khác ngon hơn là đến thi tuyển. Điều mà tôi quan tâm bây giờ, thứ nhất là phải trả hết nợ, thứ hai là phải lo đời sống cho công nhân được tốt hơn và sẽ khuyến khích trong số cán bộ của doanh nghiệp, cán bộ nào giỏi thì khuyến khích họ thi vào nơi khác”.
"Chị em tôi nợ không đến 500 triệu USD"
Đặng Thành Tâm đã từng trao đổi với báo giới về nợ xấu và khả năng trả nợ của đại gia đình mình. Ông này chia sẻ, tổng nợ ngân hàng của toàn bộ công ty trong gia đình, gồm Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Tân Tạo không tới 500 triệu USD (khoảng 10.000 tỷ đồng). Trong khi đó, tổng vốn điều lệ là 20.000 tỷ đồng. Thống kê tất cả các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán thì nợ vay trên vốn điều lệ là 2,2 lần, trong khi "gia đình họ Đặng" chưa bằng 1 lần.
"Nếu xét về cấu trúc nợ và vốn thì công ty của chúng tôi nợ an toàn hơn số đông còn lại. Dù ai nói xấu gì thì nói, tôi cũng không muốn khoe khoang. Nhưng tôi khẳng định, công ty của chúng tôi có thể kiểm soát được nợ và tình hình”, ông Đặng Thành Tâm quả quyết.
"Không trả được nợ bắt tôi bỏ tù thì giải quyết được gì"
Trao đổi với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội mấy hôm trước, khi được hỏi về vấn đề giải quyết nợ xấu của công ty, ông Tâm cho biết: “Các chuyên gia quốc tế và những chuyên gia ngân hàng giỏi nhất cũng thừa biết, 5 năm để khối xử lý nợ trong nền kinh tế cũng đã là giỏi. Chúng tôi cũng thế thôi và cũng chỉ xin được như thế. Thời gian qua, để trả mấy ngàn tỷ chúng tôi cũng phải cố sống, cố chết bán cái này, cái kia nhưng cũng chỉ trả được 1 nửa. Hiện vẫn còn 1 nửa, khoảng mấy ngàn tỷ nữa không phải là con số nhỏ. Bây giờ bán không ai mua, chứ không phải mình không dám bán”.
Và khi được phóng viên hỏi về phương án xủ lý đối với khoản nợ hàng ngàn tỷ mà các DN của ông đang vay, ông Tâm có chia sẻ: “Ngay trong cuộc họp mới đây, tôi cũng nói thẳng là cám ơn ngân hàng đã tạo điều kiện chúng tôi làm việc trả nợ. Bởi nếu mà bảo tôi trả nợ, không trả được thì tôi sẵn sàng chấp nhận luật pháp. Không trả được nợ bắt tôi bỏ tù thì giải quyết được gì, nợ thì ai trả”.
"Lắm lúc tôi muốn uống thuốc sâu tự tử"
Mới đây, ngày 24/10/2013, ông Đặng Thành Tâm tỏ ra khá vui vẻ, cởi mở trong cuộc trò chuyện ngoài hành lang Quốc hội với phóng viên. Trong suốt thời gian vừa qua, công ty của gia đình nhà ông gặp không ít khó khăn. “Nghĩ lại, nếu mình chỉ đầu tư khu công nghiệp thôi, chắc không phải đi vay nhiều như thế đâu. Chỉ vì lúc đó thấy người ta lao vào làm mình cũng bắt chước làm nên mới nợ nần như thế”, ông Tâm ngậm ngùi nói.
Và với khoản nợ “như Chúa Chổm” như vậy, doanh nghiệp đã dùng nhiều biện pháp để giải quyết. “Chúng tôi chỉ còn nợ khoảng 3.500 tỷ đồng, cố gắng từ nay đến cuối năm sẽ trả được một ngàn tỷ”.
“Nói thật có nhiều lúc tôi chỉ muốn tự tử, chỉ muốn uống thuốc sâu cho xong chuyện thôi. Nhưng lại nghĩ, tự tử thì vẫn còn có người yêu thương. Mình dù có thể rất xấu nhưng vẫn có người yêu thương mình chứ. Và chính tình yêu thương đó đã giúp tôi sống được, chứ lúc đó tôi muốn buông hết tất cả”, ông Tâm chia sẻ.
"Chỉ việc móc tài nguyên lên bán mà còn muốn xin thêm nữa"
Đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm đã từng chia sẻ khi nghe tin tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam xin cơ chế chính sách đặc biệt đối với 2 dự án alumin Lâm Đồng và alumin Nhân Cơ. Ngoài ra, Vinacomin còn đề xuất giảm thuế môi trường với hai dự án bauxite này. Trong khi đó, hai dự án đã được áp mức thuế xuất khẩu 0%.
""Tôi chỉ xin hỏi một điều thôi: vậy làm dự án này để làm gì? Chẳng được lợi, thế thì làm làm gì?!. Ngay cả chuyện Vinacomin khai thác than, mỗi năm hàng trăm triệu tấn than bị múc lên đi bán, hãy thử nhìn mỗi năm đóng thuế cho ngân sách được bao nhiêu. Khi nói điều này, lãnh đạo tập đoàn thường lý luận rằng, đã nuôi được cả trăm ngàn công nhân. Vậy thử nhìn sang dệt may cũng nuôi biết bao nhiêu công nhân mà họ cũng chẳng được cho cái gì. Họ tự mang việc về tạo công ăn việc làm cho lao động mà vẫn đóng thuế. Doanh nghiệp khai thác khoáng sản chỉ việc móc tài nguyên lên bán mà còn muốn xin thêm nữa."
(Theo ĐS&PL)