- Thống kê nhanh về lượng vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2013 của Tổng cục Thống kê mới công bố gần đây cho thấy nguồn vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang tăng lên trong thời gian vừa qua.

Số vốn thực hiện trong 10 tháng năm 2013 đạt gần 9,6 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nguồn vốn đăng ký cũng đạt trên 19,2 tỷ USD, tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đăng ký cấp mới tăng 79%, vốn đăng ký tăng thêm tăng 42,5%. Trong số các doanh nghiệp/ dự án FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm, đa phần được đăng ký dưới hình thức 100% vốn nước ngoài (gần 67%), tiếp đến là liên doanh (hơn 33%). Hình thức đầu tư theo BOT, BT, BTO và công ty cổ phần chỉ chiếm 0,23%. 

{keywords}
Cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức đầu tư trong 10 tháng đầu năm 2013

Làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore tiếp tục dẫn đầu trong danh mục các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Lượng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của Nhật Bản tính trong 10 tháng đầu năm 2013 đạt hơn 4,842 tỷ USD, tiếp nối theo đó là Hàn Quốc và Singapore lần lượt là 4,019 tỷ USD và 3,985 tỷ USD. 

{keywords}
Cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài theo quốc gia đầu tư trong 10 tháng đầu năm 2013

Số liệu trên đây chỉ ra rằng, Việt Nam đang ngày càng khẳng định là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, hàng loạt những DN nước ngoài tên tuổi lớn bị đưa vào vòng nghi vấn có hành vi chuyển giá do báo lỗ lớn và liên tục trong nhiều năm liền, như Metro Cash&Carry (2009), Coca Cola, PepsiCo, Adidas, Nestlé, và đặc biệt gần đây là Keangnam Vina và Hualon… thì phải chăng “đầu tư ngoại” cũng không hẳn là “được”…

Song hành cũng mối lo ngại mang tên “chuyển giá”

Hiện nay, nhiều DN nước ngoài lợi dụng hình thức nâng chi phí đầu vào, hạ thấp giá đầu ra để giảm số thuế TNDN phải nộp. Chiêu thức này thường được áp dụng tại các nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao như Việt Nam (25%) nhằm nâng khống giá nguyên vật liệu, tăng khống chi phí quảng cáo tiếp thị... để giảm lợi nhuận đến mức thấp nhất, thậm chí hạch toán ra những con số lỗ “ảo” để trốn thuế. Khi tình trạng thua lỗ “ảo” của liên doanh kéo dài, các đối tác phía Việt Nam trong liên doanh sẽ không thể trụ nổi, đành ôm nợ, xin rút lui. Lúc đó, công ty liên doanh sẽ bị thôn tính thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Tại Việt Nam, công ty con cứ báo lỗ, trong khi đó tại bản xứ, công ty mẹ vẫn ung dung hưởng lợi. 

Theo kết quả kiểm tra mới đây, Tổng cục thuế đã chỉ ra rằng có tới 3.175 trong 5.531 doanh nghiệp FDI được kiểm tra có số lỗ luỹ kế đến thời điểm đánh giá, chiếm 57,4%. Đặc biệt, có 529 doanh nghiệp báo cáo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu, tập trung vào các ngành: dệt, may, da giày, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thuỷ sản... Tính theo địa bàn, nhiều tỉnh, thành phố tuy thu hút vốn FDI khá nhưng tỷ lệ FDI báo lỗ qua các năm cũng luôn luôn trên dưới 50%. Trong khi đó, cũng hoạt động trong cùng điều kiện môi trường sản xuất kinh doanh như vậy, các doanh nghiệp độc lập khác trong nước vẫn kê khai có lãi và nộp thuế TNDN.

Cụ thể hơn, kết quả thanh tra 122 doanh nghiệp FDI thuộc 23 địa phương trên cả nước trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2012 cho thấy nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi nhưng đã kê khai lỗ hoặc lợi nhuận rất thấp để trốn thuế. Sau đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, các doanh nghiệp này buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ với tổng số tiền là 2.252 tỷ đồng. Trong đó, giảm lỗ phát sinh 1.870 tỷ đồng, giảm số lỗ được chuyển vào kỳ tính thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra là 335 tỷ đồng.

Và kỳ vọng từ một sự thay đổi…

Theo thống kê từ Bảng xếp hạng V1000 - 1000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam do Vietnam Report mới đây công bố, tính đến hết năm 2012, số thuế TNDN mà nhóm DN nước ngoài đóng góp chiếm 23,9% trong tổng số thuế của 1000 doanh nghiệp đại diện này. Tuy chưa phải là con số thực sự ấn tượng nhưng khi so với tỷ lệ 19,6% tương ứng của năm trước đó thì rõ ràng, năm 2012 đánh dấu một sự thay đổi có phần tích cực của nhóm DN nước ngoài về ý thức đóng góp cho ngân sách quốc gia. (Hình 3) Bên cạnh đó, không thể phủ nhận hiệu quả do nỗ lực của ngành thuế trong việc nâng cao giám sát nộp thuế của khối FDI mang lại.

{keywords}
Cơ cấu số thuế theo loại hình DN của BXH V1000 năm 2013

Như Elbert Hubbard từng nói “Nghệ thuật là con đường đẹp đẽ. Khoa học là con đường hiệu quả. Kinh doanh là con đường sinh lợi”. Mục tiêu của bất cứ người làm kinh doanh nào cũng là “lợi nhuận”. Tuy nhiên, nếu sinh lợi một cách “luồn lách” thì dù khéo léo đến đâu thì một ngày nào đó, cái giá phải trả sẽ đắt hơn rất nhiều so với phần lời kiếm được, có khi bằng tiền, bằng uy tín và thậm chí bằng cả “tính mạng” của doanh nghiệp. Cũng vì lẽ đó, sẽ còn lâu lắm, thậm chí có thể không bao giờ xuất hiện trong BXH V1000 những cái tên vốn được báo chí đặt cho biệt hiệu “vô địch chuyển giá” như Keangnam Vina và Hualon nếu không có sự thay đổi về nhận thức và ý thức kinh doanh để hướng tới mục tiêu công bằng hóa, lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh trong thời gian tới đây.

Sáng 29/11/2013, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp chí Thuế - Tổng Cục Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2013. Buổi Lễ được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự phát triển và giàu mạnh của đất nước.

Linh Nga – Vietnam Report