Đây là nơi duy nhất trong khu vực này tại Washington DC người ta có thể tìm mua những loại rau củ những tưởng không tồn tại trên đất Mỹ như rau muống, mướp, rau đay, rau sống...được trồng tại chỗ. Một điều thú vị nữa là chủ vườn lại là một người đàn ông Mỹ.

Có lẽ không ai trong cộng đồng người Việt tại Washington DC lại chưa một lần ghé qua hoặc chí ít là nghe nói tới "Chợ Vườn".

“Tôi thích Chợ Vườn”

Trời vừa sáng, người đàn ông ngoài 70 với khuôn mặt khắc khổ đã cặm cụi làm đất bằng chiếc máy xới cũ kêu đinh tai nhức óc. Ông bảo đó là bữa cà phê sớm của ông suốt hơn 3 chục năm nay.

Đất làm xong sẽ được ủ bã đậu tương để chuẩn bị cho đợt gieo hạt mới. Đang dở việc, có người gọi, ông lại tất tả bỏ máy, chạy ra bán hàng.

{keywords}

Ông Jean làm đất

Đây chỉ là một phần công việc thường nhật của ông chủ khu trồng rau nổi tiếng khắp khu vực Washington DC và vùng phụ cận, mà cộng đồng người Việt tại đây quen gọi là "Chợ Vườn".

Tiếng là chợ nhưng thực ra đây chỉ là khu vườn trồng rau của vợ chồng ông Jean và bà Ngô Thị Bọc, một phụ nữ gốc Hưng Yên.

Ở Mỹ, đâu có kẻ bán người mua đều được gọi là chợ, dù cái chợ nhiều khi chỉ có một người bán, hay chỉ là một cửa hàng tạp hoá có bán thêm chút thực phẩm.

Muốn ăn rau Việt, cứ vào "Chợ Vườn" là đủ cả. Các chợ châu Á khác cũng có nhưng ít chủng loại, lại không tươi. Vườn nhà bà Bọc hầu như không thiếu loại rau nào, từ dọc mùng, cải mơ, rau muống, mồng tơi, rau đay, hành, hẹ, bí xanh, bí đỏ cho đến rau răm, húng, ngò...

Nếu không muốn mua rau đã cắt sẵn, khách cứ việc xuống vườn, muốn hái gì tuỳ thích. Trừ rau sống bán mớ, các loại rau củ khác đều bán theo cân, nặng bao nhiêu cứ thế trả tiền.

Vườn nhà bà Bọc đông khách, cả ngày tấp nập, nên gọi là chợ chắc cũng không sai. Không chỉ người Việt mà cả Tây, Tàu, Ấn... đều biết tiếng "Chợ Vườn" mà tìm đến.

{keywords}

 {keywords}

Tuần nào bà Ania Sowinska, một cư dân tiểu bang Virginia, cũng ghé qua đây ít nhất một lần:

“Tôi thích 'Chợ Vườn' vì khá gần nhà và tôi có thể hỏi trực tiếp chủ vườn, có thể tìm thấy những loại rau củ mà tôi không thể mua được ở các cửa hàng thông thường. Thật tuyệt vời khi có thể tự lựa chọn tại chỗ những món hàng mình thích, và thử những loại rau củ mới. Rau quả ở đây hương vị thơm ngon hơn bởi chúng tươi, được thu hoạch đúng thời điểm và không phải mất thời gian vận chuyển quá lâu.”

Vợ chồng bà Bọc mỗi người mỗi việc. Chồng làm đất, gieo hạt, bán hàng, vợ đi lấy bã đậu và thu hoạch rau. Cả ngày, kể cả lúc bán hàng, ông Jean rất kiệm lời, khách hỏi gì đáp nấy, trả lời cũng ít khi quá một câu. Ngay cả tên đầy đủ của ông cũng không ai biết, chỉ gọi là Jean. Không phải ông khó tính mà là ông hiền quá, hiền đến mức ngại tiếp xúc với người lạ.

Bà Bọc bảo ông ấy chẳng bao giờ nói chuyện bán rau với ai đâu, tại ông ấy ngượng. Lần trước có nhà báo Mỹ đến hỏi, ông ấy cũng trốn luôn.

{keywords} 

Chuyện tình...

Ông Jean kín tiếng bao nhiêu thì bà Bọc lại cởi mở, ruột để ngoài da bấy nhiêu, có bao nhiêu chuyện đều lôi ra hết, từ gia cảnh cho đến chuyện tình với ông chồng Mỹ.

Bà kể: "Cha tôi làm việc cho quân đội Pháp. Sau giải phóng thủ đô năm 1954, cả nhà đình di cư vào Nam. Khi đó tôi mới lên 7 tuổi. Công việc hàng ngày của tôi là phụ má trông coi các em và đi chợ. Đến lúc trưởng thành, ban đầu tôi đi dệt vải, sau đó đi làm cho hãng thuốc tây “Si-pháp” ở đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn. Trong thời gian làm việc tại hãng thuốc tây tôi tranh thủ đi học tiếng Anh vào ban đêm.

Lúc đó người Mỹ sang Việt Nam ngày càng nhiều nên tôi muốn đi làm cho Mỹ để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đến năm Tết Mậu Thân 1968, người Mỹ sang Việt Nam rất nhiều nên họ đăng báo tìm người làm việc. Tôi đăng ký đi thi và được tuyển làm nhân viên trông điện thoại tại khách sạn nơi có người Mỹ ở."

{keywords}

Bà Ngô Thị Bọc.

Khi đó, ông Jean là một nhà thầu của quân đội Mỹ và sống ngay tại khách sạn nơi bà làm việc. Cảm mến cô lễ tân nhỏ nhắn, dễ thương, ông Jean ngỏ lời nhưng không ngờ ngay từ ban đầu đã bị bà Bọc từ chối. Lấy chồng là chuyện bà không dám nghĩ tới, chưa nói tới lấy một người Mỹ. Hình ảnh người cha bạo hành luôn ám ảnh bà:

"Ông ấy cứ theo tôi suốt mà tôi không có ý định lập gia đình. Tại vì tôi chứng kiến ba mình quá khó tính. Nhiều khi tâm sự, tôi hỏi má ơi hồi mới quen nhau ba có dữ như thế này không. Má nói, ôi hồi đấy ông ấy hiền khô và nói gì nghe đó. Đến lúc lấy nhau rồi và có một hai mặt con thì chẳng hiểu tại sao ba đánh má tơi bời nữa. Thành thử tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi sợ rằng bây giờ mình lấy ông ấy, mai kia ông ấy cũng dở chứng đánh mình thì sao."

Một lý do nữa khiến bà Bọc sợ lấy chồng là vì thấy nhà quá đông con. Mà trong tâm trí của bà khi đó, nguyên nhân sinh con cũng rất đơn giản:

"Tôi hỏi, má ơi sao ba đánh má hoài mà má đẻ nhiều vậy. Má tôi trả lời, mai kia mày lấy chồng rồi mới biết. Mày biết không, khi mày đi ra đường gặp thằng con trai nào nó đạp vào ngón chân cái thì về có chửa liền. Trời ơi, tôi sợ có chửa gần chết. Đi học hay đi đâu, đứng xa mấy người đàn ông, đừng có để nó đạp vào chân. Má gạt tôi như vậy đấy!."

{keywords}

Khách Ấn Độ mua rau của bà Bọc.

Có lần Bọc bà bị cha cho một trận đòn thừa chết thiếu sống chỉ vì dám nói chuyện với ông Jean. Làm việc trong quân đội, lại xuất thân trong gia đình phong kiến nên cha bà Bọc vừa nghiêm khắc lại vừa cổ hủ:

"Một hôm, hai người đang đứng nói chuyện thì bị ba tôi bắt gặp. Ba tôi nói: 'Tao cho mày đi làm cho Mỹ là đã xấu hổ với hàng xóm láng giềng lắm rồi, giờ lại còn đứng nói chuyện với một thằng Mỹ cao kều.' Ba tôi rất tức giận, khi đi làm ông đã vót một cây gậy 4 cạnh và về đánh tôi một trận tơi bời."

Bao nhiêu nỗi sợ, bao nhiêu trở ngại là vậy nhưng duyên phận khó tránh. Suốt 3 năm ròng, ông Jean cứ kiên trì theo đuổi và cuối cùng sự hiền lành, chân thật của ông đã thuyết phục được người cha phong kiến của bà Bọc. Còn bà cũng bắt đầu an tâm và cảm thấy có thể đặt niềm tin vào anh chàng Mỹ.

"Khi đó tôi hỏi, ông ơi giờ tôi đồng ý lấy ông thì mai kia ông có đánh tôi không. Ông ấy nói rằng bên Mỹ chẳng có ai đánh vợ mà người ta cũng không đánh con nữa. Ông ấy nói như vậy và tôi thấy ông ấy cũng hiền, còn ba thì nói rằng đấy là duyên số”.

{keywords}

{keywords} 

Vợ chồng bà Bọc làm đám cưới tại Việt Nam và sinh được một con gái. Năm 1975, bà theo chồng về Mỹ, trước ngày miền Nam giải phóng.

Lời hẹn cuối xuân

Những ngày đầu nơi đất khách, bà Bọc chỉ biết ngày ngày nấu cơm, giặt giũ, trông con. Tình cờ, bà tìm được việc làm tại một xưởng may và cơ duyên với nghề trồng rau cũng bắt đầu từ đây.

"Trong 3 năm làm thợ may tại đây, những người Việt Nam trong xưởng khuyên tôi là nhà có đất rộng thì hãy trồng rau. Tôi trả lời với họ là có biết trồng rau như thế nào đâu thì họ nói việc đó dễ lắm, cứ cào đất và bỏ hạt xuống là rau lên. Tôi đã làm theo chỉ dẫn của họ.

Chồng tôi cũng rất thích làm vườn nên mỗi dịp cuối tuần là ông lại ra xới đất trồng rau cùng. Hàng ngày, tôi cắt các loại rau đựng vào bao tải và đem đến xưởng may phân phát cho mọi người."

{keywords}

Ông Jean bán hàng

Mỗi cuối tuần, bà Bọc lại mang rau tới bán cho cộng đồng người Việt. Khách đông dần, bà nghỉ việc tại xưởng may để trồng rau bán. Năm 1980, vợ chồng bà mua được khu đất rộng gần 1ha, nay chính là "Chợ Vườn".

Bà Bọc bảo rau ở Mỹ không thiếu nhưng thường xơ, cằn và không ngọt. Ngoài chăm bón đất, bí quyết của bà là ủ cỏ để giữ nước và tạo chất màu cho rau.

"Rau của tôi được ăn uống đầy đủ. Khi trồng rau bắt đầu lên, tôi ủ cỏ hai bên và tưới nước. Cỏ có tác dụng giữ nước để tạo ẩm cho rau và cuối cùng cỏ thối ra thành phân bón tự nhiên. Mấy bà đến mua rau của tôi nói rằng về Việt Nam ăn rau cũng không ngon bằng ở đây."

Đều đã trên dưới 70 nhưng vợ chồng bà Bọc vẫn miệt mài làm việc đêm ngày. Bà bảo cứ thấy mọi người thích rau của mình là làm chẳng biết mệt:

"Đã mấy chục năm nay gắn bó với nghề trồng rau, hôm nào cũng vậy, tôi thường thức dậy làm việc từ 3h sáng cho đến tận 11h đêm. Đặc biệt, mùa hè mỗi ngày tôi chỉ nghỉ mấy tiếng. Tôi làm việc suốt ngày nhưng không bao giờ thấy mệt. Mỗi khi chứng kiến các loại rau củ mọc tươi tốt tôi rất mừng. Tôi cảm thấy vừa vui vừa chạnh lòng mỗi khi có người Việt Nam đến vườn nói rằng nhờ có tôi mà họ mới có những loại rau tươi ngon như vậy để ăn".

Vợ chồng bà Bọc sinh được 3 người con gái, đều đã trưởng thành và có cuộc sống riêng.

Cứ vào cuối tháng 11 hàng năm, khi nhiệt độ xuống thấp, rau không trồng được, hai ông bà lại trở về ngôi nhà tại bang Florida ở miền Nam để tránh rét. Bà bảo nhớ việc, nhớ khách nhưng cũng phải dành chút thời gian nghỉ ngơi tuổi già.

Và những khách hàng kỹ tính sẽ phải chờ tới tháng 4 năm sau lại có thể được tự tay hái những lá cải mơ hay xà lách, loại rau đầu tiên mà bà Bọc trồng mỗi khi trở lại DC vào cuối xuân.

(Theo VOV)